Hướng dẫn đổi mới và cấp lại giấy phép lái xe online nhanh chóng thuận tiện. Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng. Đổi mới và cấp lại giấy phép lái xe online giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các khâu không cần thiết. Vậy cách để đổi mới và cấp lại giấy tờ này như thế nào, theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.
Nội dung chính:
Giấy phép lái xe có quan trọng không ?
Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu giấy phép lái xe hoặc tước GPLX có thời hạn hay không có thời hạn (giam bằng lái).
Phân loại
1. Giấy phép lái xe A1:
– Cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3
– Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
2. Giấy phép lái xe A2:
– Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX A1.
Vậy GPLX A2 được điều khiển tất cả các loại xe mô tô 2 bánh tại Việt Nam hiện nay từ xe có phân khối thấp đến cao, đến các loại xe có phân khối khủng nhưng 1000cc hay 2000cc …
3. Giấy phép lái xe A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX A1 và các xe tương tự.
4. Giấy phép lái xe A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg.
Giấy phép lái xe B1: gồm 2 loại là B1 và B11
5. Giấy phép lái xe B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Ô tô dùng cho người khuyết tật.
6. Giấy phép lái xe B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
7. Giấy phép lái xe B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
8. Giấy phép lái xe hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
9. Giấy phép lái xe hạng D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
10. Giấy phép lái xe hạng E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
11. Người có GPLX các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.
12. Giấy phép lái xe hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau:
– Giấy phép lái xe hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2;
– Giấy phép lái xe hạng FC cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2;
– Giấy phép lái xe hạng FD cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2;
– Giấy phép lái xe hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại GPLX hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho GPLX hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
Hướng dẫn đổi mới và cấp lại giấy phép lái xe online
1. Hướng dẫn đổi mới giấy phép lái xe online tại nhà
Vừa qua, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam đã chính thức cho phép đăng ký qua mạng internet. Các đối tượng sử dụng bao gồm:
– Dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX: Áp dụng đối với người có Giấy phép lái xe do ngành GTVT quản lý, còn thời hạn hoặc quá hạn dưới 3 tháng.
– Dịch vụ công cấp độ 4 cấp GPLX Quốc tế: Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng.
Bước 1: Để thực hiện đăng ký đổi giấy phép lái xe, cấp bằng lái xe quốc tế. Bạn nhấn liên kết dưới đây:
Đăng ký cấp đổi GPLX qua mạng
Giao diện trang web cấp đổi giấy phép lái xe
Bước 2: Tiến hành chọn thông tin để đăng kí trực tuyến, cụ thể như sau:
– Thủ tục hành chính: Bạn lựa chọn thủ tục hành chính, có 2 thủ tục là đổi GPLX – Cấp độ 3 và cấp GPLX quốc tế – Cấp độ 4.
– Cơ quan giải quyết: Bạn chọn sở Giao Thông Vận Tải đúng nơi của bạn.
– Địa điểm tiếp nhận: Đây sẽ là nơi để các bạn đến làm thủ tục đổi GPLX. Sau đó, nhấn ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN để tiếp tục.
Bước 3: Tại đây, bạn sẽ phải nhập số GPLX Quốc gia, nhập cả phần số và chữ. Nhấn Tìm kiếm, thông tin của bạn sẽ hiện lên. Lưu ý là dịch vụ chỉ áp dụng cho GPLX của Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam cấp.
Phía dưới sẽ là mục tùy chọn Ghép thêm Số GPLX khác. Nếu bạn có nhu cầu muốn ghép thêm, còn không thì bỏ qua mục này.
Tiếp theo là mục Thành phần hồ sơ, mục này gồm 3 loại văn bản, đây cũng chính là các loại giấy tờ để các bạn mang đến khi làm thủ tục đổi GPLX. Các bạn có thể chụp ảnh rồi insert vào file Word rồi gửi lên là được. Nếu upload file khác, phải đúng định dạng quy định là: doc, docx, xls, xlsx, pdf, png, jpg, jpeg, gif và dung lượng file không lớn hơn 5MB.
Lưu ý: Chỉ có trường hợp đổi GPLX giấy bìa sang GPLX bằng vật liệu PET mới được miễn giấy chứng nhận sức khỏe. Các đối tượng này gồm:
– Người có GPLX hạng A1, A2, A3.
– Người có GPLX hạng A4, GPLX ôtô còn thời hạn sử dụng trên 3 tháng.
Cuối cùng là Thời gian đăng ký xử lý, bạn chọn thời gian các bạn đến được cơ quan để đổi GPLX. Sau đó chọn giờ, nếu hệ thống báo số lượng hồ sơ vào thời gian đó đã đạt số lượng tối đa, bạn phải chọn một ngày đăng ký khác.
Bước 4: Nộp hồ sơ thành công, bạn sẽ nhận được thông báo xác thực. Bạn vào email mà mình đã đăng kí để lấy mã xác thực, nhớ tìm trong cả mục mail rác nhé.
Cách ngày đăng ký xử lý (ngày hẹn) 2-3 ngày, cán bộ sẽ kiểm tra hồ sơ của bạn. Khi đó bạn sẽ nhận được thư thông báo xác nhận lịch hẹn nếu hồ sơ hợp lệ HOẶC thư từ chối (kèm lý do) nếu hồ sơ không hợp lệ.
Nguồn tham khảo : Suachualapop24h