Nội dung chính:
1/ Tiền ảo là gì?
2/ Sử dụng tiền ảo để thanh toán có hợp pháp tại Việt Nam?
3/ Mua bán, trao đổi tiền ảo
4/ Một số kiến nghị khung pháp lý về tiền ảo
Xây dựng pháp luật bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt bậc của khoa học và công nghệ, nền kinh tế ảo trong thế giới mạng cũng phát triển không ngừng. Trong nền kinh tế ảo đó, rất nhiều loại hàng hoá, dịch vụ mới được hình thành, tạo ra những khoảng trống về mặt pháp lý cần có sự điều chỉnh, mà tiền ảo là một ví dụ cụ thể. Để tận dụng những cơ hội to lớn mà khoa học và công nghệ mang lại, Việt Nam cần xây dựng và ban hành mới hoặc là sửa đổi pháp luật để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các hình thức giao dịch mới, các loại tài sản mới nhằm hạn chế rủi ro, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu pháp luật phải có sự điều chỉnh để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội hiện đại. Trong quá trình hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh đối với tiền ảo, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần có một định nghĩa rõ ràng cụ thể về tiền ảo
Việc đầu tiên khi xây dựng khung pháp luật về tiền ảo là cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai, cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới
Trong thời gian tới, Việt Nam cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự – tài sản kỹ thuật số. Khái niệm về tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần có sự sửa đổi theo hướng bổ sung thêm“các loại tài sản khác do pháp luật quy định”.
Việc pháp luật ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cũng như bắt kịp được xu thế chung của thế giới. Bên cạnh đó, việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo cũng sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động ICO, sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo… Đây đều là những lĩnh vực có ảnh hưởng tương đối lớn đến nền kinh tế trong nước và đời sống giao lưu dân sự ở phạm vi nội địa hay liên quốc gia. Một khung pháp lý hợp lý, toàn diện dựa trên nền tảng xác định tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo (như rửa tiền, tẩu tán tài sản…).
Thứ ba, chưa nên công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính sách tiền tệ ở Việt Nam. Sự phát triển lớn mạnh về số lượng cũng như giá trị của tiền mã hóa đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương như vấn đề kiểm soát các mục tiêu, biến số kinh tế vĩ mô, lạm phát, nguồn cung tiền, lãi suất, tỷ giá…[14]. Vì vậy, mặc dù có một số quốc gia trên thế giới thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán thì trong giai đoạn hiện nay, khi mà điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, tài chính và nhận thức của người dân chưa cao, để đảm bảo an ninh tiền tệ, ngăn chặn rủi ro xảy ra đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo, chúng tôi cho rằng Việt Nam chưa nên ghi nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán.
Trong tương lai, khi nền tảng công nghệ, thị trường tài chính đã phát triển, sự tồn tại và phát triển của đồng tiền ảo đã ổn định thì lúc đó Việt Nam mới tính đến việc cân nhắc, xem xét tiền ảo có là một phương tiện thanh toán hay không.
Thứ tư, cần coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện
Tiền ảo có một đặc điểm là tính ẩn danh rất cao, việc kiểm soát danh tính của chủ sở hữu các ví tiền ảo rất khó. Điều này dẫn đến thực trạng, hoạt động liên quan đến tiền ảo trong cả các giao dịch thông thường hay các hoạt động phạm tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như các hoạt động phi pháp khác rất khó kiểm soát. Vì vậy, cơ chế pháp lý đối với tiền ảo cũng không thể tương đồng như với các loại tài sản thông thường, mà cần phải coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện. Cụ thể, đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trao đổi, giao dịch tiền ảo cần đăng ký hoạt động với các cơ quan chức năng như: Đăng ký quyền sở hữu tài khoản; lưu trữ các thông tin về lịch sử giao dịch; đăng ký giao dịch, đăng ký thành lập các doanh nghiệp kinh doanh, môi giới tiền ảo; tuân thủ các nguyên tắc về kế toán, kiểm toán đối với tài sản trong doanh nghiệp; tuân thủ các quy định về nghĩa vụ thuế liên quan đến sở hữu và giao dịch tiền ảo; tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền…
Như vậy, trong thời gian tới, để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, kiểm soát được một cách tối đa các hoạt động liên quan đến tiền ảo, hạn chế rủi ro cho các bên tham gia, Việt Nam chỉ nên công nhận các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các ví giao dịch được đăng ký và có danh tính. Cấm tuyệt đối các hoạt động liên quan đến tiền ảo ẩn danh và xa hơn, có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự đối với các chủ thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo không đăng ký.
Thứ năm, cần thu thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo
Như đã phân tích, do không công nhận là tài sản, Việt Nam không tiến hành thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh và giao dịch tiền ảo. Điều này làm giảm thiểu một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Khi chúng ta đã công nhận tiền ảo là tài sản thì nó cũng trở thành hàng hoá (theo quy định của Luật Thương mại) và khi đó tiền ảo sẽ trở thành đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia đều đánh thuế đối với tiền ảo như Anh[15], Nhật Bản[16], Mỹ[17], Đức[18], Hàn Quốc[19], Australia[20]… Thực trạng về tiền ảo và kinh nghiệm của các nước cũng chỉ ra rằng, hoàn toàn có cơ sở để tính thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại áp dụng một loại thuế và mức thuế khác nhau đối với tiền ảo tùy thuộc vào đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội của từng nước. Phù hợp với xu thế chung đó, pháp luật về thuế Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này.
Thứ sáu, cho phép và kiểm soát các hoạt động phát hành tiền ảo ra công chúng (ICO)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2018) thì:
“Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
c) Hợp đồng góp vốn đầu tư;
d) Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định”.
Như vậy, nếu tiền ảo được công nhận là tài sản thì tiền ảo cũng hoàn toàn có thể được xác định là chứng khoán theo Luật Chứng khoán và các hoạt động ICO sẽ được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, khi tiền ảo được công nhận là chứng khoán cũng sẽ có những nét đặc thù hơn so với các loại chứng khoán khác, bởi nó chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số. Vì vậy, trong thời gian tới, cũng cần tính tới việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật chứng khoán liên quan đến điều kiện chào bán, hình thức chào bán, đăng ký chào bán, thủ tục chào bán, hồ sơ chào bán, công bố thông tin, báo cáo tài chính… đối với tiền ảo.
Khi pháp luật điều chỉnh các hoạt động ICO đối với tiền ảo được rõ ràng, các hoạt động này trên thực tế sẽ được kiểm soát. Khi đó, các doanh nghiệp phát hành tiền ảo ra công chúng sẽ phải đảm bảo đủ điều kiện và được cấp phép. Điều này sẽ góp phần hạn chế rất lớn các hoạt động ICO đa cấp, mang tính chất lừa đảo, đồng thời hạn chế được các rủi ro khác.
Thứ bảy, cho phép thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tiền ảo
Tương tự với các loại chứng khoán khác, khi được công nhận là chứng khoán thì tiền ảo cũng có thể được giao dịch thông qua các sàn giao dịch chứng khoán được phép hoạt động. Tuy nhiên, do đặc trưng của tiền ảo là chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số, có tính ẩn danh rất cao, các giao dịch về tiền ảo được thực hiện trên một nền tảng công nghệ mới – công nghệ Blockchain, Việt Nam nên thành lập các sàn giao dịch tiền ảo độc lập và riêng biệt để các chủ thể giao dịch tiền ảo tại các sàn này. Sàn giao dịch tiền ảo đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin khác biệt, trình độ cao, có sự quản lý đặc thù. Khi đã thiết lập các sàn này, Nhà nước cần kiểm soát thông qua việc yêu cầu đăng ký tài khoản cá nhân cũng như đăng ký kinh doanh đối với chủ thể tham gia giao dịch tiền ảo, từ đó mới có thể kiểm soát được chặt chẽ số lượng các giao dịch tiền ảo.