Tài liệu công chức 2020 -Chuyên đề: Một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay – Phần 2

Tài liệu công chức 2020 -Chuyên đề: Một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay – Phần 2 : Một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tài liệu công chức 2020 -Chuyên đề: Một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay - Phần 2
Tài liệu công chức 2020 -Chuyên đề: Một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ hiện nay – Phần 2

Để thực hiện sứ mệnh lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và xác định đó là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đây là bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc được rút ra trong quá trình hoạt động của Đảng và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đảng, nhiều nước trên thế giới. Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn cho thấy, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương đều ban hành các nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nội dung chính:

CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG NHIỆM KỲ 2010 2015

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đánh giá tình hình công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 2011 – 2015 như sau:

Ưu điểm

Công tác xây dựng Đảng về chính trị trước tình hình mới tiếp tục được coi trọng. Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội.

– Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tích cực đấu tranh với âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được quan tâm và đẩy mạnh hơn. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu quan trọng.

– Tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu, nhiệm vụ mới. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, việc phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với những tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

– Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng các quy định, quy chế, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

– Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả hơn. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

– Công tác dân vận được quan tâm và có bước đổi mới cùng với việc ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.

– Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Với những kết quả quan trọng nêu trên, Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Hạn chế, khuyết điểm

– Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, chất lượng sinh hoạt đảng chưa cao, tự phê bình và phê bình yếu. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đều, chưa đi vào chiều sâu; một số nơi thực hiện còn hình thức.

– Chậm khắc phục những hạn chế của công tác tư tưởng như thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

– Tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ một số tổ chức còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Chưa nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, trong khi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội.

– Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp.

– Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội còn chậm, nhất là việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh.

Những hạn chế, khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Phương hướng chung

Đại hội XII của Đảng đã xác định Phương hướng chung của công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ là: Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Việc Đại hội xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và coi đó là nhiệm vụ vừa trọng tâm, cơ bản, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; đồng thời, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta đã được xác định trong Cương lĩnh là: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. 

Những điểm mới của công tác xây dựng Đảng Đại hội XII.

Nội dung xây dựng Đảng ở Đại hội XII có nhiều điểm mới so với Đại hội XI của Đảng. Điều đó, thể hiện sự phát triển nhận thức, tư duy lý luận và sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Đảng ta. Cụ thể như sau:

2.1. Trong 15 vấn đề lớn nêu trong Báo cáo chính trị, nội dung xây dựng Đảng (mục XV) được nhấn mạnh và thể hiện rõ vai trò quan trọng, vị trí “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, cụ thể là:

(1) Đặt nội dung xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là thành tố đầu tiên của Tiêu đề Báo cáo chính trị và cũng là Chủ đề của Đại hội;

(2) Nội dung phần xây dựng Đảng có độ dài nhất trong 15 mục của Báo cáo (mục về xây dựng Đảng là 35 trang, 14 mục còn lại là 123 trang);

(3) Đặt nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”.         

2.2. Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ, thì nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và thứ hai là về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đó là:

(1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và biểu  hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

(2) Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Hai nhiệm vụ trọng tâm nêu trên đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) cụ thể hoá thành 3 đề án lớn trong Chương trình làm việc toàn khóa của Trung ương để trình ra các hội nghị Trung ương là: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (Đề án trình Hội nghị Trung ương 4). (2) Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Đề án trình Hội nghị Trung ương 6). (3) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Đề án trình Hội nghị Trung ương 7).

2.3. Đại hội XII nêu 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, trong đó có 2 nhiệm vụ mới so với Đại hội XI, đó là:

2.3.1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Ở Đại hội XI chưa có mục riêng nói về công tác dân vận. Xuất phát từ vị trí quan trọng của công tác dân vận trong tình hình hiện nay, Đại hội XII có một mục riêng về công tác dân vận, nhằm cụ thể hoá thực hiện Hiến pháp năm 2013 về tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới”.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân.

(2) Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân.

(3) Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.

2.3.2 Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ở Đại hội XI, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cập trong phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở Đại hội XII, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cập cả trong phần xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội XII nêu rõ: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: quản lý và sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; thu chi ngân sách và mua sắm tài sản công; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

(2) Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

(3) Quy định rõ việc kê khai, công khai và kiểm tra, xác minh về kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp để bảo đảm tính công khai, minh bạch.

2.4. Ngoài 2 nhiệm vụ mới bổ sung, 8 nhiệm vụ còn lại về công tác xây dựng Đảng đều được bổ sung, phát triển và nhấn mạnh hơn. Cụ thể là:

2.4.1. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị.

Đại hội XI nêu “Xây dựng Đảng về chính trị”. Đại hội XII bổ sung và nhấn mạnh là: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị”.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

(2) Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách của Đảng phù hợp với quy luật khách quan và tình hình, đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững.

(3) Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

(4) Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

2.4.2 Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận

Đại hội XI nêu: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận”. Đại hội XII bổ sung và nhấn mạnh là: “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận”.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.

(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

(3) Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Đại hội XII đưa tổng kết thực tiễn lên trước nghiên cứu lý luận là vấn đề mới mà Đảng ta đã rút ra qua thực tiễn).

(4) Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương.

2.4.3 Về tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng.

Đại hội XI nêu: “Rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân”, Đại hội XII đã bổ sung và nhấn mạnh là: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”. Đây là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, khi “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày cảng tinh vi, phức tạp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Vì vậy, Đại hội XII nhấn mạnh phải “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng” cho cán bộ, đảng viên, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị là “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc” và để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã nói.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(2) Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng; giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

2.4.4 Về tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị

Đại hội XII tiếp tục phát triển, cụ thể hoá chủ trương của Đại hội XI, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI)“Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” và nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.

(2) Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.

(3) Thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị.

(4) Tinh giản tổ chức bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức.

(5) Thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.

(6) Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; sớm tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

2.4.5 Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên

Đại hội XI nêu: “Kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên”. Đại hội XII đã bổ sung và làm rõ hơn là: “Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên”.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.

(2) Tổng kết việc thực hiện Quy định của Ban chấp hành Trung ương về đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

(3) Xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiền phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vững vàng trước mọi khó khăn thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng.

2.4.6 Về công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ

Đại hội XI nêu: “Đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ”. Đại hội XII bổ sung và nhấn mạnh là: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ”. Đại hội XII chỉ rõ: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về xây dựng Đảng; tiếp tục ban hành và thực hiện các quy chế, quy định trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí đúng cán bộ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, luân chuyển, chạy tuổi, chạy bằng cấp…

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Thể chế hoá, cụ thể hoá nguyên tắc của Đảng về: Quan hệ giữa đường lối chính trị với đưòng lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuủan và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân và tập thể.

(2) Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sang tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu.

(3) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng người tài.

(4) Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

(5) Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết trong Đảng. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên được làm, nhất là việc phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái với Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

2.4.7 Về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Đại hội XI nêu “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát”. Đại hội XII bổ sung và nhấn mạnh là: “Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, công khai kết quả xử lý.

(2) Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

(3) Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

(4) Nghiên cứu tăng thẩm quyền kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng cho ủy ban kiểm tra các cấp.

2.4.8 Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Đại hội XI nêu: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”. Đại hội XII bổ sung thêm là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng”. Việc bổ sung nội dung “Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng” là điểm mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh chính trị (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bởi vì: Đảng Cộng sản Việt Nam là duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước và xã hội; Đảng vừa là thành viên của hệ thống chính trị, vừa là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị.

Vì vậy, Đại hội XII nhấn mạnh: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với Nhà nước. Các tổ chức của Đảng và đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị.

Đại hội XII đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện là:

(1) Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích, phương thức, nội dung và điều kiện cầm quyền; việc phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần lưu ý phòng ngừa đối với đảng cầm quyền.

(2) Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể.

(3) Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp.

(4) Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.

(5) Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XII

Để giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nghị quyết Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là:

(1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

(2) Xây dựng tổ chức bộ máy của các tổ chức trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

(3) Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả 03 khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể, đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, tập trung giải quyết tốt việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công.

(4) Bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

(5). Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

(6). Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII về nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Quan điểm chỉ đạo

 (1) Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; nhưng lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt và đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

(2) Không chủ quan, nóng vội, mà phải kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; nói ít làm nhiều; làm đến đâu chắc đến đó; âm thầm, lặng lẽ nhưng quyết liệt; không ồn ào, hình thức, phô trương nhưng hiệu quả; quán triệt phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi người cùng thực hiện Nghị quyết.

(3) Đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp trên và người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết.

Về phạm vi của Nghị quyết

Phạm vi của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII có nội hàm rộng hơn Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Cụ thể là: Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhất là những việc chưa làm và làm chưa tốt với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vừa cụ thể hóa thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII đề ra; vừa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ. Đồng thời, Nghị quyết có một số nội dung mới là: xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng Đảng.

Những nội dung mới, cơ bản của Nghị quyết

Vấn đề suy thoái trong cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta chỉ ra từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đưa ra một cách có hệ thống về những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã nêu ra 27 biểu hiện suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc đưa ra hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là “tấm gương” để soi chung, giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi mình”, để rèn luyện, phấn đấu và kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; làm cơ sở để cán bộ, đảng viên góp ý cho đồng chí khác cùng tiến bộ và làm căn cứ để Bộ Chính trị ban hành Quy định xử lý đối với những tập thể, cá nhân vi phạm nghiêm trọng.

Trong các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, cần đặc biệt chú ý một số biểu hiện sau:

3.1. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

4) Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, tâng bốc, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.

5) Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.

6) Vướng vào “Tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.

3.2. Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống

1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tỵ nạnh, không muốn người khác hơn mình.

2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền.

3) Mắc bệnh “thành tích”; thích được đề cao, ca ngợi; dẫn đến “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.

4) Lãng phí, làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…;  đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

5) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

(6) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… Để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

 Trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nêu trên, thì cán bộ, đảng viên và nhân dân bức xúc nhất, bất bình nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền hiện nay.

3.3. Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.

2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”; phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

 3) Kích động tư tưởng bất mãn, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

4) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an.

5) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

6) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội; từ cán bộ, đảng viên, quần chúng đến những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp. Nguy hiểm nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong những cán bộ có nhiệm vụ hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cán bộ cao cấp và những người có uy tín trong xã hội.

Nhiệm vụ, giải pháp

Nghị quyết đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: (1) Về công tác chính trị tư tưởng; tự phê bình và phê bình; (2) Về cơ chế, chính sách; (3) Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; (4) Phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, với 29 giải pháp cụ thể.

Trong các giải pháp nêu trên, có một số giải pháp mới, đáng chú ý sau đây:

1) Bắt buộc hàng năm phải học tập, nâng cao nhận thức, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, quy trình dậy và học gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học lý luận chính trị.

2) Xây dựng Đảng về đạo đức. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có bản cam kết không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học phù hợp.

3) Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, chủ quản báo chí; chủ động định hướng, cung cấp thông tin, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

4) Rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xác định rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc. Rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 5) Rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý điều hành, bảo đảm công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế “xin – cho”, “duyệt – cấp”. Chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Tách cung ứng dịch vụ công và quản lý kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước. Chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp quân đội, công an sản xuất kinh doanh thua lỗ, không phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

6) Hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. Nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay. Khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”,“gặp mặt” với động cơ không trong sáng.

7) Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương. Thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với viên chức nhà nước. Xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức theo hướng nhiều chủ thể tham gia và hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước.

8) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân ban hành không đúng, không phù hợp hoặc thực hiện không nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng; khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả.

9) Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa”. Xử lý nghiêm những trường hợp không đảm bảo về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực, hiệu quả công tác thấp, nhất là người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận.

10) Tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; đồng thời xem xét tư cách đảng viên và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.

11) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội, nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý.

12) Xây dựng cơ chế giải trình, giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên.

13) Xây dựng quy định xử lý những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có lời nói và việc làm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nghiêm trọng.

14) Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng thông qua công tác dân vận và công tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.

15) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải theo đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Tóm lại, Nghị quyết lần này đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt như: việc bắt buộc học tập lý luận chính trị hàng năm đối với cán bộ, đảng viên cho phù hợp với từng đối tượng; mỗi cán bộ, đảng viên phải cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước, công khai kết quả xử lý vi phạm; bảo đảm sự thống nhất về chính sách và kỷ luật giữa Đảng và Nhà nước; thực hiện hợp đồng có thời hạn với viên chức nhà nứơc để tạo sự cạnh tranh lành mạnh; tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc quyền; tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát huy vai trò của báo chí, các cơ quan truyền thông trong việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phần 1                   Phần 3

Có thể bạn quan tâm:

Giới thiệu Blog

Cuộc sống - cho đi là còn mãi- chia sẻ và yêu thương!

Chào các bạn- Mình là Ngô Hải Long - Ceo công ty Giải pháp số LBK- Chuyên seo web, quảng cáo Google , Facebook, Zalo và lập trình web wordpress, App (ứng dụng) IOS, Android. Các blog lập ra với mục đích chia sẻ kiến thức cuộc sống, thủ thuật máy tính, việc làm, tài liệu miễn phí. Trong quá trình đội ngũ biên soạn không tránh khỏi thiếu sót hoặc trùng lặp nội dung với các quý blog khác, thành thật xin lỗi nếu có sự cố đó xảy ra - Vậy bạn Vui lòng liên hệ giúp tới ngolonglbk@gmail.com nếu có bất cứ ý kiến, thắc mắc , yêu cầu xóa bài nào! Trân trọng cám ơn các bạn!

Chào mừng các bạn đến với  ngolongnd.net - Blog thư giãn và chia sẻ kiến thức, tài liệu miễn phí! 

Liên hệ quảng cáo- mua back link tại đây

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);