Tổng hợp các câu hỏi thống kê có đáp án (RẤT HAY)

Tổng hợp các câu hỏi thống kê có đáp án. Gồm 32 câu hỏi có đáp án chính ngạch, ôn thi công chức thống kê mới nhất 2019. Ôn thi tổng cục thống kê, các chi cục thống kê

Nội dung chính:

Câu hỏi 1: Hoạt động thống kê là gì?

Trả lời:

Khoản 11 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Hoạt động thống kê là hoạt động xác định nhu cầu thông tin cần thu thập; chuẩn bị thu thập; thu thập; xử lý và tổng hợp; phân tích và dự báo; công bố, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể.

Câu hỏi 2: Hoạt động thống kê nhà nước là gì?

Trả lời:

Hoạt động thống kê nhà nước là hoạt động thống kê trong chương trình thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hoặc ủy thác cho tổ chức khác thực hiện.

Hoạt động thống kê nhà nước gồm:

1. Hoạt động thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện trong chương trình thống kê;

2. Hoạt động thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong chương trình thống kê;

3. Hoạt động thống kê do tổ chức được hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ủy thác thực hiện trong chương trình thống kê.

Câu hỏi 3: Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước là gì?

Trả lời:

Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước là hoạt động thống kê do tổ chức, cá nhân thực hiện ngoài chương trình thống kê.

Hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

1. Hoạt động thống kê do tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của bản thân tổ chức, cá nhân hoặc của tổ chức, cá nhân khác;

2. Hoạt động thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện ngoài chương trình thống kê;

3. Hoạt động thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện ngoài chương trình thống kê.

Câu hỏi 4: Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 5 Luật thống kê 2015 quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê như sau:

1. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước gồm:

a) Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời;

b) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê;

c) Thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo;

d) Công khai, minh bạch;

đ) Có tính so sánh.

2. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

a) Các nguyên tắc quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 Luật thống kê;

b) Tự nguyện, tự chịu trách nhiệm;

c) Không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Nguyên tắc cơ bản của sử dụng dữ liệu và thông tin thống kê gồm:

a) Trích dẫn nguồn dữ liệu, thông tin thống kê khi sử dụng;

b) Bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dữ liệu, thông tin thống kê nhà nước đã được công bố;

c) Bảo mật dữ liệu, thông tin thống kê theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 5: Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước gồm những cơ quan nào?

Trả lời:

Điều 61 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống tổ chức thống kê nhà nước bao gồm:

1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung;

2. Tổ chức thống kê bộ, ngành.

Câu hỏi 6: Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 62 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống tổ chức thống kê tập trung như sau:

1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương.

2. Cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội cho các tổ chức, cá nhân.

4. Cơ quan thống kê địa phương gồm cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện.

5. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của hệ thống tổ chức thống kê tập trung.

Câu hỏi 7: Thông tin thống kê là gì?

Trả lời:

Khoản 18 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Thông tin thống kê là dữ liệu thống kê được xử lý, tổng hợp và phân tích theo phương pháp, quy trình, chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để phản ánh đặc trưng, thuộc tính của hiện tượng nghiên cứu. Thông tin thống kê gồm số liệu thống kê và bản phân tích số liệu đó.

Câu hỏi 8: Cơ quan thống kê trung ương được phổ biến những thông tin thống kê nhà nước nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 94 quy định: Cơ quan thống kê trung ương được phổ biến thông tin thống kê thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm:

1. Chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

2. Kết quả tổng điều tra thống kê được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 Luật thống kê;

3. Kết quả điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được phân công thực hiện;

4. Kết quả điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Luật thống kê;

5. Niên giám thống kê quốc gia;

6. Phổ biến một số thông tin thống kê với thời gian cụ thể được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 94.

Phổ biến rộng rãi theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94 các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước khác công bố.

Câu hỏi 9: Cơ quan thống kê cấp tỉnh được phổ biến thông tin thống kê nhà nước nào?

Trả lời:

Điều 6 Nghị định số 94 quy định: Cơ quan thống kê cấp tỉnh được phổ biến thông tin thống kê nhà nước thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và phổ biến rộng rãi các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước khác công bố theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94.

Câu hỏi 10: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được phổ biến thông tin thống kê nhà nước nào?

Trả lời:

Điều 7 Nghị định số 94 quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được phổ biến các thông tin thống kê thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm:

1. Chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành;

2. Kết quả tổng điều tra thống kê quốc gia quy định tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật thống kê;

3. Kết quả điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được phân công thực hiện;

4. Kết quả điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Luật thống kê;

5. Niên giám thống kê ngành, lĩnh vực;

6. Thông tin thống kê ngành, lĩnh vực khác được phân công phụ trách.

Phổ biến rộng rãi các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước khác công bố theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94.

Câu hỏi 11: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phổ biến thông tin thống kê nhà nước nào?

Trả lời:

Điều 8 Nghị định số 94 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phổ biến các thông tin thống kê thuộc thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê, gồm kết quả điều tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Luật thống kê.

Phổ biến rộng rãi các thông tin thống kê nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của Luật thống kê và Nghị định số 94.

Câu hỏi 12: Sử dụng thông tin thống kê nhà nước được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 56 Luật thống kê 2015 quy định việc sử dụng thông tin thống kê nhà nước như sau:

1. Cơ quan nhà nước sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố để phục vụ hoạt động của mình.

3. Tổ chức thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp thông tin thống kê nhà nước đã được công bố của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Câu hỏi 13: Chỉ tiêu thống kê là gì?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Chỉ tiêu thống kê phản ánh đặc điểm về quy mô, tốc độ phát triển, cơ cấu, trình độ phổ biến, quan hệ tỷ lệ của bộ phận hoặc toàn bộ hiện tượng kinh tế – xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể. Chỉ tiêu thống kê gồm tên chỉ tiêu và trị số của chỉ tiêu.

Câu hỏi 14: Hệ thống chỉ tiêu thống kê là gì? Kết cấu của hệ thống chỉ tiêu thống kê?

Trả lời:

Khoản 10 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định:

Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hiện tượng kinh tế – xã hội.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê gồm danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê. Danh mục chỉ tiêu thống kê gồm mã số, nhóm, tên chỉ tiêu. Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

Câu hỏi 15: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm những chỉ tiêu nào?

Trả lời:

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm:

1. Các chỉ tiêu thống kê quốc gia do hệ thống tổ chức thống kê tập trung thực hiện;

2. Các chỉ tiêu thống kê quốc gia do bộ, ngành được phân công thực hiện.

Câu hỏi 16: Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành bao gồm các chỉ tiêu nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 19 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành gồm:

1. Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành đó thực hiện;

2. Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có liên quan được phân công thực hiện theo yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.

3. Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tại đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện cung cấp cho bộ, ngành tổng hợp.

Câu hỏi 17: Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm những loại chỉ tiêu nào?

Trả lời:

Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm:

1. Những chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có phân tổ đến cấp tỉnh.

2. Những chỉ tiêu thống kê phục vụ riêng yêu cầu quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với mục tiêu chung mà chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Câu hỏi 18: Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm những loại chỉ tiêu nào?

Trả lời:

Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm:

1. Những chỉ tiêu thống kê mà hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh có phân tổ đến cấp huyện.

2. Những chỉ tiêu thống kê phục vụ riêng yêu cầu quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện phù hợp với mục tiêu chung của cấp tỉnh mà chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh.

Câu hỏi 19: Dữ liệu thống kê là gì?

Trả lời:

Khoản 7 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định:Dữ liệu thống kê gồm dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính để hình thành thông tin thống kê về hiện tượng nghiên cứu.

Câu hỏi 20: Điều tra thống kê là gì? Các loại điều tra thống kê?

Trả lời:

1. Khoản 8 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Điều tra thống kê là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được xác định trong phương án điều tra thống kê cho mỗi lần điều tra.

2. Điều 27 Luật thống kê 2015 quy định các loại điều tra thống kê gồm:

a) Tổng điều tra thống kê quốc gia và điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.

b) Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia.

Câu hỏi 21: Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê được quy định như thế nào?

Trả lời:

Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê được quy định trong Luật thống kê 2015 như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành tổng điều tra thống kê quốc gia.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định chương trình và tổ chức thực hiện điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia:

a) Điều tra thống kê đột xuất khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp đột xuất khác;

b) Điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của bộ, ngành thuộc lĩnh vực phụ trách, nhưng không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin có tính chất đặc thù phục vụ yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Câu hỏi 22: Phương án điều tra thống kê bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 31 Luật thống kê 2015 quy định phương án điều tra thống kê gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích, yêu cầu điều tra;

2. Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra;

3. Loại điều tra;

4. Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra;

5. Nội dung, phiếu điều tra;

6. Phân loại thống kê sử dụng trong điều tra;

7. Quy trình xử lý và biểu đầu ra của điều tra;

8. Kế hoạch tiến hành điều tra;

9. Tổ chức điều tra;

10. Kinh phí và các điều kiện vật chất cho điều tra.

Câu hỏi 23: Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 33 Luật thống kê 2015 quy định tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền và nghĩa vụ như sau:

1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền:

a) Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;

b) Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 Luật thống kê;

c) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.

2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;

c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.

Câu hỏi 24: Trách nhiệm của cơ quan tiến hành điều tra thống kê được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 35 Luật thống kê 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành điều tra thống kê như sau:

1. Xây dựng phương án điều tra thống kê.

2. Chỉ đạo, tổ chức, giám sát và kiểm tra việc thực hiện phương án điều tra thống kê.

3. Kiểm tra việc cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.

4. Tổng hợp, phân tích, công bố kết quả điều tra thống kê.

5. Giữ bí mật thông tin thống kê thu thập được.

6. Việc báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê tập trung được thực hiện như sau:

a) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 30 Luật thống kê có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê trung ương;

b) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 Luật thống kê có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê cấp tỉnh.

Câu hỏi 25: Điều tra viên thống kê là ai? Quyền và nghĩa vụ của điều tra viên thống kê?

Trả lời:

1. Khoản 9 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Điều tra viên thống kê là người được cơ quan, tổ chức tiến hành điều tra thống kê trưng tập, huy động để thực hiện việc thu thập thông tin của cuộc điều tra thống kê.

2. Điều 34 Luật thống kê 2015 quy định điều tra viên thống kê có quyền và nghĩa vụ sau:

2.1. Điều tra viên thống kê có các quyền:

a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

b) Được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra thống kê, được trang bị phương tiện phục vụ công việc thu thập thông tin và được trả công;

c) Yêu cầu đối tượng điều tra thống kê cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.

2.2. Điều tra viên thống kê có các nghĩa vụ:

a) Thực hiện thu thập thông tin theo đúng phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

b) Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê;

c) Giao nộp tài liệu, phiếu điều tra theo hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.

Câu hỏi 26: Báo cáo thống kê là gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Báo cáo thống kêlà mẫu biểu và hướng dẫn ghi chép mẫu biểu để thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất được quy định trong chế độ báo cáo thống kê trong một thời kỳ nhất định.

Câu hỏi 27: Chế độ báo cáo thống kê là gì? Chế độ báo cáo thống kê gồm những loại nào?

Trả lời:

1. Khoản 2 Điều 3 Luật thống kê 2015 quy định: Chế độ báo cáo thống kê là những quy định và hướng dẫn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về việc thực hiện một tập hợp những báo cáo thống kê có liên quan với nhau để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc một hệ thống chỉ tiêu thống kê và tổng hợp thông tin thống kê khác phục vụ quản lý nhà nước.

2. Khoản 1 Điều 40 Luật thống kê 2015 quy định chế độ báo cáo thống kê gồm:

a) Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;

b) Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.

Câu hỏi 28: Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo thống kê?

Trả lời:

1. Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia: Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

2. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành;

b) Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.

Câu hỏi 29: Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê?

Trả lời:

Điều 44 Luật thống kê 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê như sau:

1. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các quyền sau đây:

a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp thông tin;

b) Được hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

c) Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê;

d) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm quy định về chế độ báo cáo thống kê.

2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thu thập, tổng hợp, lập và nộp báo cáo theo quy định của chế độ báo cáo thống kê và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thống kê;

b) Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

c) Không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê;

d) Chịu sự kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan nhận báo cáo;

đ) Chịu sự kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của thanh tra chuyên ngành thống kê.

Câu hỏi 30: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào là đối tượng cung cấp thông tin thống kê?

Trả lời:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê gồm:

1. Cơ quan nhà nước;

2. Đơn vị sự nghiệp;

3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp;

4. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

5. Tổ chức và cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật;

6. Hộ dân cư và cá nhân;

7. Tổ chức khác của Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài;

8. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Câu hỏi 31: Có những hình thức chủ yếu nào để thu thập thông tin thống kê nhà nước?

Trả lời:

Luật thống kê 2015 quy định có ba hình thức chủ yếu để thu thập thông tin thống kê:

– Điều tra thống kê;

– Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước;

– Chế độ báo cáo thống kê.

Câu hỏi 32: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 10 Luật thống kê 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê như sau:

1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

b) Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê;

c) Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê;

d) Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính;

đ) Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác;

e) Tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

g) Quyết định điều tra thống kê, ban hành chế độ báo cáo thống kê trái quy định của pháp luật về thống kê.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước gồm:

a) Các hành vi quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 10 Luật thống kê;

b) Thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Có thể bạn quan tâm:

Giới thiệu Blog

Cuộc sống - cho đi là còn mãi- chia sẻ và yêu thương!

Chào các bạn- Mình là Ngô Hải Long - Ceo công ty Giải pháp số LBK- Chuyên seo web, quảng cáo Google , Facebook, Zalo và lập trình web wordpress, App (ứng dụng) IOS, Android. Các blog lập ra với mục đích chia sẻ kiến thức cuộc sống, thủ thuật máy tính, việc làm, tài liệu miễn phí. Trong quá trình đội ngũ biên soạn không tránh khỏi thiếu sót hoặc trùng lặp nội dung với các quý blog khác, thành thật xin lỗi nếu có sự cố đó xảy ra - Vậy bạn Vui lòng liên hệ giúp tới ngolonglbk@gmail.com nếu có bất cứ ý kiến, thắc mắc , yêu cầu xóa bài nào! Trân trọng cám ơn các bạn!

Chào mừng các bạn đến với  ngolongnd.net - Blog thư giãn và chia sẻ kiến thức, tài liệu miễn phí! 

Liên hệ quảng cáo- mua back link tại đây

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);