Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền
Nội dung chính:
Năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền
Khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng cầm quyền phải đề ra Cương lĩnh, hoạch định đường lối để phát triển đất nước; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khoa học, phù hợp và đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực để lãnh đạo thực hiện đường lối mà Đảng đề ra. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng đề ra là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Như vậy, năng lực lãnh đạo của Đảng thể hiện trên 5 nội dung chủ yếu sau:
(1). Năng lực nhận thức quy luật khách quan và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước để đề ra chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn. Đồng thời, phải có năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ những vấn đề mới nảy sinh, tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng.
(2). Năng lực thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, các chính sách, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đất nước, phản ánh ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
(3). Năng lực tổ chức, lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra. Đây thực chất là năng lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng phải xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(4). Năng lực kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị; kịp thời phát hiện và xử lý đúng đắn, có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn;
(5). Năng lực phát hiện, đấu tranh khắc phục sự suy thoái, biến chất và tiêu cực ở trong Đảng, trong xã hội; sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền
Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền, Đảng phải đồng thời nâng cao cả 5 năng lực nêu trên, trong đó, việc nâng cao năng lực hoạch định chiến lược, đề ra đường lối chính trị đúng đắn và xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh, Nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân là quan trọng nhất.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quán triệt các quan điểm lớn sau đây:
(1). Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam; phản ánh được ý chí và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
(2). Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp; không hoang mang, dao động trong bất cứ tình huống nào, kể cả những lúc khó khăn, phức tạp nhất của tình hình thế giới.
(3). Kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, kiên quyết đấu tranh chống đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và các khuynh hướng giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc. Phải đổi mới toàn diện nhưng cần có lộ trình và bước đi thích hợp; phải trên cơ sở đổi mới về kinh tế mà từng bước đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp.
(4). Trong quá trình xây dựng, hoạch định đường lối, Đảng phải quán triệt và thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các nhiệm vụ lớn cách mạng trong thời kỳ đổi mới là: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hoá – nền tảng tinh thần của xã hội.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra phải xử lý và giải quyết tốt 8 mối quan hệ lớn sau:
– Quan hệ giữa đổi mới với ổn định và phát triển;
– Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị;
– Quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa;
– Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất;
– Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;
– Quan hệ giữa xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc XHCN;
– Quan hệ giữa độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế;
– Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.
(5). Là Đảng duy nhất cầm quyền, trong điều kiện có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Do đó, Đảng phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảng phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng đề ra.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm