Làm thế nào để có 1 CV tốt và cách tạo ấn tượng tại buổi phỏng vấn

Làm thế nào để có 1 CV tốt và làm thế nào tạo được ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn là những điều mà các bạn thường luôn tìm hiểu. Nhưng những bài viết chuyên sâu về nó thật ít. Những kinh nghiệm quý báu của một HR manager của một công ty lớn sẽ giúp các bạn.

 

Những chia sẻ này của chị Phạm Kim Chi HR manager- một người mình rất hâm mộ và quý trên  linkedln. Những bài viết luôn có tâm, từ một người  đí trước mong muốn chia sẻ nhiều hơn cho những bạn phía sau, một trong những tiêu chí của blog.
 

 Phần 1-Làm thế nào để có 1 CV tốt

 
Trong bài này, Chi xin phép được xưng là chị. Vì bài này xin chỉ dành cho những em sinh viên mới hoặc chuẩn bị ra trường, tự mình đi xin việc, và luôn bỡ ngỡ, hoang mang lẫn nóng lòng muốn biết điều gì ngoài kia sẽ đón chờ mình. Khi viết bài này, Chị mong muốn được chia sẻ với các em kinh nghiệm của một người đi trước, một người làm tuyển dụng, mà công việc hàng ngày là mở CV của các em, đọc và quyết định sẽ gửi email từ chối ngay hay sẽ mời em đến văn phòng phỏng vấn.
 
Trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được google ra, mà hàng ngày chị vẫn nhận được những CV rất tệ hại. Rất đáng buồn!
 
Hôm nay, thay vì vẫn ngồi tiếp tục than phiền, tự hỏi bọn nhỏ làm gì, nghĩ gì khi gửi đi những CV như thế đến nhà tuyển dụng nhỉ? Thì, chị xin chia sẻ một vài điều, làm sao có 1 CV đẹp, của một người làm tuyển dụng
 
Luôn luôn nhớ rằng CV là ấn tượng, hình ảnh đầu tiên các em tạo cho nhà tuyển dụng. Chưa ai biết em bao giờ, chưa từng làm việc cùng em, thì CV là cái đầu tiên và duy nhất lúc này để nhà tuyển dụng có thể đánh giá và quyết định có mời em phỏng vấn hay không. Vậy thì, hãy đặt mình là nhà tuyển dụng và tự hỏi mình câu “nếu mình là nhà tuyển dụng, khi nhận được email/CV này, mình sẽ mời ứng viên này đến phỏng vấn không?” Bước lùi lại một bước, suy nghĩ kỹ trước khi click “send”
 
Email dùng để gửi CV: tên địa chỉ email: phải chuyên nghiệp, tốt nhất là đặt bằng họ tên mình. Tuyệt đối tránh những email tên như: nangtiencatrenbaibien@yahoo.com.vn
 
Subject của email: Ghi rõ vị trí muốn ứng tuyển, tên công ty mình ứng tuyển. Ghi sai tên công ty là một sai lầm lớn không thể bỏ qua. Nếu em nhận được một lá thư không phải ghi tên mình, em có dám mở ra xem không? Không. Vì mở thư người khác ra đọc là vi phạm quyền cá nhân, là phạm pháp. Nên, những lá thư không ghi tên công ty ứng tuyển, tên vị trí ứng tuyển sẽ không bao giờ được mở ra đọc
 
Nội dung trong email, hay cover letter: điều căn bản là: cung cấp thông tin có liên quan, cần thiết và ngắn gọn: Ví dụ: tên em, em muốn apply vị trí gì, nhờ kênh nào em biết đến vị trí công ty đang tuyển, vì sao em muốn ứng tuyển vị trí này. Tuyệt đối không ghi những thông tin không hề liên quan hay không giúp được gì cho em khi đi tìm việc như: em có khả năng ăn được bao nhiêu cuốn chả giò, em yêu chó hay em ghét mèo, instagram của em có bao nhiêu followers. Em suy nghĩ xem: ai quan tâm?
 
Nội dung trong CV: cung cấp những thông tin cần thiết và có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển: họ và tên, email, số điện thoại, những kinh nghiệm có được trong quá trình thực tập, hoặc các hoạt động trong trường đại học, các khóa luận, nghiên cứu hay những hoạt động xã hội các em tham gia. Khi mô tả những điều trên, hãy thể hiện các thành tích các em đạt được để nhà tuyển dụng thấy được những kỹ năng và thế mạnh của em. Thể hiện thành tích bằng những con số, hay giải thưởng.
 
Những kinh nghiệm nào gần đây nhất thì đưa lên đầu, ghi rõ thời gian, công ty, nhiệm vụ và những thành tích em đạt được. Thông tin cần rõ ràng, ngắn gọn. Tốt nhất là giữ cho CV của em chỉ trong một trang A4.
 
Những kinh nghiệm, thành tích đã thể hiện những khả năng của em. Nên thay vì khi mình thành thạo tiếng anh hay vi tính văn phòng, hãy ghi những giá trị của bạn thân em, điều gì làm em trở thành ứng viên tốt cho vị trí này, điều gì làm em sẽ được chọn mà không phải là bạn khác? Giá trị/Niềm tin của em là gì?
 
CV được gửi đính kèm trong email phải được export ra định dạng PDF.
 
Nên nhớ, cách trình bày CV thể hiện cách em tư duy, sắp xếp công việc .
 
Luôn luôn format file word, font và kích thước chữ. Nghiên cứu căn bản về Microsoft Word. Em không thể ghi trong CV là em thành thạo vi tính văn phòng khi CV của em không được định dạng đàng hoàng
 
Sử dụng màu sắc trong CV. Trừ phi em là Designer hoặc ứng tuyển cho những công việc cần nhiều sự sáng tạo. Cách an toàn nhất của việc sử dụng màu sắc trong CV là: nền trắng, chữ đen. Một CV quá màu mè làm cho nhà tuyển dụng rối mắt, thông tin em cần chuyển đến nhà tuyển dụng lại không được nổi bật
 
Hình profile trong CV: một CV không nhất thiết phải chèn vào hình profile. Em nên biết hình selfie, hình có background không phù hợp, hình nhìn vào không chuyên nghiệp là một sai lầm và phải tránh. Hình profile chèn vào CV nên là hình chụp chân dung; nền trắng; nhìn chuyên nghiệp. Không phải quá nghiêm túc như hình thẻ, hình làm visa nhưng đủ tươi tắn và thấy được nguồn năng lượng của bản thân. Cực kỳ cẩn thận với hình bán thân hoặc toàn thân, vì nhà tuyển dụng có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của em qua bức hình. Nên cân nhắc kỹ khi chèn hình vào CV. Nếu em không tìm ra được hình nào phù hợp thì đừng chèn hình vào
 
Và, lần nữa, trước khi ấn SEND để gửi CV đến nhà tuyển dụng, em hãy đọc lại 3 lần CV của mình và tự hỏi: đây là cái CV tốt nhất của mình chưa? Hay mình có thể làm tốt hơn? Nếu em có thể làm tốt hơn, thì hãy làm một CV tốt hơn, đừng vội.
 

Phần 2:Tạo ấn tượng tốt tại buổi phỏng vấn

 

Xin hãy giữ tâm thế thế này: một buổi phỏng vấn, khi bạn đã chọn, quyết định đến để gặp người phỏng vấn mình, tức là nó có giá trị đối với bản thân bạn.

Một buổi phỏng vấn, là một cơ hội chúng ta biết thêm 1 người mới, nghe, hiểu thêm về thị trường. Có khi 1 connection hôm nay, 2-3 hay 10 năm sau biến thành một deal lớn J

Nên, dù fail hay pass, dù có khi có những buổi phỏng vấn mình chưa ưng, hãy cố gắng tốt nhất có thể, nhất là thái độ tốt nhất có thể, để mình không có gì ân hận

Be There – Be Professional – Be Kind

Be There – Hãy ở đó

Ở đó là ở đâu? Là ở tại buổi phỏng vấn. Tức là, tập trung, không lo ra, không suy nghĩ chuyện khác. Tập trung để lắng nghe người phỏng vấn hỏi gì, họ thật sự muốn biết gì, để trả lời đúng trọng tâm, không lạc đề. Điều này rất quan trọng, vì mỗi một buổi phỏng vấn là một cơ hội, một dịp để chúng ta thể hiện, nếu mất tập trung, chưa chắc mình có cơ hội lần 2.

Nếu bạn không thể hiện sự tập trung, Công ty cũng sẽ lo lắng, vì hầu hết các vị trí, đều đòi hỏi sự tập trung khi làm việc.

Be Professional – Hãy chuyên nghiệp

Chuyên nghiệp không phải là nói những câu trên trời, đao to búa lớn, cũng không phải là phải mặc như dự lễ trao giải Oscar, cũng không cần tỏ ra trịnh trọng quá mức cần thiết hay những ngôn ngữ cơ thể không liên quan

Chuyên nghiệp – trong trường hợp này – là thái độ phù hợp, đúng mực. Cả trong cách bạn trả lời câu hỏi. Vẫn là câu nói đó, người phỏng vấn bạn, có thể theo bạn là chưa chuyên nghiệp, bạn có thể thầm đánh giá họ theo quan điểm, nhận định, tiêu chuẩn của bạn, bất giác, một cách vô thức gương mặt rồi thái độ mình tỏ ra có khi hơi chưa phù hợp. Như thế này, đừng take mọi thứ personal: không có gì cá nhân cả, bạn có thể không ưng người phỏng vấn, nhưng cũng không có nghĩa là họ thù hằn cá nhân gì bạn, họ đâu biết bạn là ai, và họ như thế, cũng không phải lỗi của bạn. Nên là cứ bình tĩnh, tỏ thái độ phù hợp và vui vẻ tiếp tục buổi phỏng vấn. Người khác sao kệ họ, phần mình mình phải chuyên nghiệp.

Có nhiều ứng viên, sau khi fail phỏng vấn, đi than phiền, thậm chí email bảo người phỏng vấn bạn không chuyên nghiệp. Người kia chuyên nghiệp không mọi người chưa biết, chứ hành động kia từ ứng viên là rõ ràng là không văn minh.

Chúng ta ghét, thương ai không quan trọng, nhưng công việc là phải xong, phải hiệu quả. Chúng ta có thể không ưng, không ưa đồng nghiệp/người đối diện/đối phương, nhưng phải làm việc hiệu quả cùng nhau. Đó là chuyên nghiệp.

Be kind – Hãy là một người tử tế, thật sự!

Ai cũng mong muốn cuộc đời này tử tế với mình, vậy bản thân mình hãy là một người tử tế, thật sự! Sự tử tế, thể hiện qua cách bạn trả lời câu hỏi và thái độ khi trả lời

Mọi hành động, lời nói, thái độ của bạn – hãy cố gắng làm cho nó mang đến giá trị. Nếu lời nói, thái độ của bạn là từ lòng chân thành, mong giúp đỡ người khác, thì hãy làm còn nếu nói ra, tỏ ra mà làm tổn thương người khác thì xin hãy cân nhắc

Có thể bạn quan tâm:

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);