Tổng hợp Đề thi phỏng vấn BIDV và cách trả lời

Đề thi phỏng vấn BIDV cuối năm 2017 được bạn Huỳnh Anh Phúc chia sẻ: Mình mới đi phỏng vấn bên BIDV CN Hàm Nghi về thì tình hình là hội đồng có 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên từ Hội sở tham dự. Bốc 4 câu hỏi: chuyên môn, KT-XH, Tình huống, Ứng xử. Mỗi người có 15p pv thôi.

Câu hỏi liên quan lần lượt: 

– Hiện nay, Chính phủ, NHNN, NHTM tập trung tiếp cận cho vay đối tượng khách hàng DN nào?
Vì sao? Ngành đó có những tiềm năng gì?
– Quan điểm về môi trường làm việc, con người của BIDV?
– Bạn có thích chơi cờ vua ko? Tại sao cờ vua dc gọi là môn thể thao trí tuệ?
– khi tham gia một buổi hội thảo, sự kiện bạn sẽ gặp gỡ nói chuyện với ai và tại sao mình lại làm vậy?

Ngoài ra, còn hỏi những câu liên quan khác như:
– nếu sếp bắt làm việc phi pháp ( như vụ phạm công danh) em có làm ko?
– ý nghĩa của slogan của BIDV? Đồng hành với DN là ntn?
– Lợi thế của TP.HCM là gì?
– Sản phẩm, dịch vụ của BIDV gồm những sp nào? Có những nghiệp vụ nào?
– BIDV có nghiệp vụ nào chiếm tỷ trọng cao trog LN ngân hàng?
– Làm việc nhóm hay làm việc cá nhân ?
– tìm kiếm KH ntn ?
– KH tốt nhưng có thời điểm gặp khó khăn thì mình sẽ hỗ trợ ra sao?
Trên đây là một vài câu hỏi mình vừa dc hỏi. Trả lời ko biết đúng ko nhưng theo quan điểm của mình thôi. Cảm giác thật sự rất phiêu. Chúc các bạn chiều nay và mấy ngày còn lại pv thành công.

Bổ sung thêm các câu hỏi của các bạn khác: 

– chăm sóc kh sau bán hàng có quan trọng k vì sao?
– ac hãy hỏi chúng tôi 1 câu.
– đặt cược bóng đá quốc tế đc cho là hợp pháp theo nghị định… hãy nêu ý kiến. – kh yêu cầu vay pan kinh doanh thẩm định yếu tố nào? Yếu tố nào qtrong nhất vì sao
– tại sao bóng đá là môn thể thao vua hấp dẫn nhất hành tinh
– các ngân hàng tmcp là sân sau của các sếp. gây nũng loạn thị trường. quan điểm của e ntn?
– theo em sau khi kết thúc giao dịch với khách hàng thì em làm gì?
– tại sao học xong k về quê làm. tại sao muốn vào bidv. nếu nói e là người nay đây mai đó e nghĩ sao?
– Tình hình lượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội ntn? tại sao lại như vậy?
– Hồ sơ pháp lý của KHDN thì cái nào là quan trọng nhất?
– Nếu DN ko có hồ sơ thuế, BCTT ko rõ ràng thì làm sao biết được KH có lịch sử nợ xấu?
– Sau họp thường niên 2017 các nhtm có xu hướng tăng vốn điều lệ, tại sao?
– Nhận xét về sp, dịch vụ, môi trương làm việc của bidv?
– Cầm cố và thế chấp?
– Nếu thấy kh của mình đang đồng thời sử dụng sp dịch vụ nh khác. Làm ntn?

Một chu kỳ tuyển dụng mới lại bắt đầu. Nếu không có gì thay đổi, BIDV sẽ tuyển dụng tập trung đợt 1/2017 vào tháng 5 tới, muộn hơn so với 2 năm gần nhất. 2017 là năm BIDV kỷ niệm 60 năm thành lập, hứa hẹn sẽ có nhiều dấu ấn trong tuyển dụng. BIDV được coi là ngân hàng có đề thi khó nhất nhì hệ thống, cùng vòng phỏng vấn có format khác biệt. Để có cơ hội trúng tuyển BIDV, chuẩn bị từ sớm và đúng hướng là yếu tố đóng vai trò quan trọng.

Nhằm giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt cho vòng PV của BIDV, Ad chia sẻ với các bạn kinh nghiệm phỏng vấn vào “ông lớn” HOT nhất nhì hệ thống này. Đây cũng là những lưu ý và kinh nghiệm chung khi tham gia vòng PV của bất cứ ngân hàng nào. Các bạn có thể tham khảo và vận dụng linh hoạt khi chuẩn bị cho vòng PV của các ngân hàng khác. Linh hoạt cũng là yếu tố rất quan trọng khi phỏng vấn.

Trước khi nói về kinh nghiệm phỏng vấn, hãy cùng nhau xem lại quy định tính điểm của BIDV trong đợt tuyển tập trung, và có thể cả các đợt tuyển dụng lẻ tẻ. BIDV tuyển lẻ tẻ vẫn với phong cách tuyển tập trung, chỉ khác là vòng hồ sơ BIDV yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp và thi tại chi nhánh chứ không thi tập trung.

  • Điểm thi và phương án điểm trúng tuyển vào vòng PV:

Cách thức tính điểm trung bình theo trọng số và nguyên tắc lựa chọn thí sinh vào vòng 3 – phỏng vấn:

– Điểm trọng số = Điểm nghiệp vụ x 70% + điểm tiếng Anh x 30%

– Điểm sàn chung của hệ thống:
+ Điểm trọng số: >= 30đ
+ Điểm Nghiệp vụ: >= 30đ
+ Điểm tiếng Anh: >= 30đ

– Nguyên tắc lựa chọn thí sinh vào vòng 3 – phỏng vấn: lựa chọn theo điểm bình quân trọng số từ cao xuống thấp và điểm của thí sinh phải đảm bảo không thấp hơn điểm sàn chung của hệ thống.

– Riêng đối với các vị trí CV Quản lý Khách hàng, CV Quản lý rủi ro, CV Quản trị tín dụng, CV Kế toán tổng hợp, NV Quản lý Khách hàng, NV Quản lý thông tin khách hàng: để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, trong trường hợp số thí sinh Nam vào vòng 3 chiếm tỷ lệ dưới 30% tổng số thí sinh vào vòng 3, sẽ xét phương án ưu tiên Nam có điểm trọng số thấp hơn tối đa 10 điểm so với điểm chuẩn trọng số chung của Chi nhánh, nguyên tắc lựa chọn theo điểm bình quân trọng số từ cao xuống thấp và điểm của thí sinh đảm bảo không thấp hơn điểm sàn chung của hệ thống.

Bình luận: Thông tin này hẳn không lấy gì làm vui với các bạn nữ. Vốn dĩ các bạn nữ thường chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia phỏng vấn vào ngân hàng ở một số vị trí (thường bị bắt bẻ về vấn đề tuổi tác, chồng con, sức khỏe, dọa về áp lực công việc,…). Giờ đến cả vòng thi BIDV cũng có quy định như này. Nhưng thay vì kêu ca, oán thán ngân hàng, hãy chấp nhận cuộc sống vốn dĩ không công bằng, ôn tập tốt để nằm trong nhóm an toàn trong vòng thi, thể hiện tốt trong vòng phỏng vấn. Xã hội ngày càng bình đẳng, hãy nghĩ về những lợi thế không nhỏ mà các bạn có còn các bạn nam không có. Thực tế vẫn rất nhiều bạn nữ trúng tuyển vào vị trí QHKH, thẩm định, tái thẩm định, quản trị rủi ro,… Còn GDV thì khỏi nói rồi, đối tượng bị phân biệt đối xử lại là các bạn nam :))

Số ứng viên vào vòng Phỏng vấn thường gấp 4 lần chỉ tiêu.

  • Tiêu thức phỏng vấn và điểm phỏng vấn:

– Điểm phỏng vấn tính theo thang điểm 100.
– Hình thức phỏng vấn: bốc thăm câu hỏi. Có 3 giỏ câu hỏi:
+ Kinh tế – Xã hội
+ Nghiệp vụ/Tình huống cho vị trí ứng tuyển
+ Tình huống/ Ứng xử (trong công việc, cuộc sống)

– Tiêu thức phỏng vấn (thang điểm):
+ Ngoại hình, tác phong: 30 điểm
+ Kỹ năng ứng xử, xử lý tính huống: 30 điểm
+ Hiểu biết chung về kinh tế xã hội: 25 điểm
+ Kiến thức về nghiệp vụ chuyên ngành: 15 điểm
– Điểm PV đươc tính trên cơ sở điểm trung bình cộng của các các thành viên tham gia PV.
– Điểm PV của các thành viên HĐPV Chi nhánh đối với 1 thí sinh phải đảm bảo nguyên tắc sau:
+ Điểm PV giữa người cao nhất và người thấp nhất chênh lệch nhau không quá 10 điểm.
+ Trường hợp Điểm PV giữa người cao nhất và người thấp nhất chênh lệch nhau quá 10 điểm, các thành viên HĐPV Chi nhánh cần thống nhất lại điểm; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo về Hội đồng tuyển dụng tập trung toàn hệ thống để xử lý.

  • Phương thức tính điểm sau vòng 2 và vòng 3 để xét tuyển dụng chính thức:

– Đối với thí sinh dự thi vòng 2:
Điểm sau 2 vòng thi = (Điểm TB theo trọng số vòng 2 + Điểm vòng 3)/2

– Đối với thí sinh được miễn thi vòng 2:
Điểm sau 2 vòng thi = Điểm vòng 3

Căn cứ theo nhu cầu tuyển dụng của đơn vị và kết quả sau 02 vòng thi, điểm trúng tuyển sẽ được xét theo thứ tự từ cao xuống thấp theo từng nghiệp vụ.

Những thông tin này giúp các bạn có CHIẾN THUẬT phù hợp khi tham gia đợt tuyển của BIDV. Với việc vòng thi và vòng PV có vai trò như nhau, rõ ràng nhưng bạn đạt điểm thi cao sẽ có lợi thế không nhỏ, nhất là khi đề thi của BIDV chuyển sang hình thức trắc nghiệm toàn bộ, điểm bài thi về mặt bằng chung cao hơn những năm còn phần tự luận trong đề nghiệp vụ khá nhiều.

Nói vậy không có nghĩa là những bạn có điểm thi không cao, nằm cuối danh sách phỏng vấn không còn cơ hội. Bạn vẫn có thể lật ngược tình thế nếu thể hiện xuất sắc trong vòng phỏng vấn. Ad có biết một số trường hợp các bạn điểm nằm trong nhóm cuối danh sách PV (tương ứng với điểm thấp hơn) vẫn trúng tuyển.

Tuy nhiên, nếu bạn đọc bài này khi đang chuẩn bị cho các đợt tuyển tiếp theo của BIDV (đợt 1, 2/2017, các đợt tuyển lẻ tẻ khác), hãy nhớ ôn tập dần để chuẩn bị tốt cho vòng thi viết, mang lại lợi thế lớn cho mình. Cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho vòng phỏng vấn, chắc chắn, cơ hội sẽ rộng mở hơn rất nhiều. Bạn sẽ làm chủ tình hình chứ không phải trông mong vào sự xuất thần của mình hay hy vọng các ứng viên khác – những “đối thủ cạnh tranh” không thể hiện đúng phong độ.

Với BIDV, vòng PV có thang điểm rất rõ ràng. Thang điểm này cũng đã gợi ý phần nào cho việc chuẩn bị cho vòng phỏng vấn.

Để chuẩn bị tốt cho vòng PV của BIDV hay bất cứ ngân hàng nào, có 6 YẾU TỐ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG cần chú ý như sau:

1/ Hình thức, trang phục, diện mạo, tác phong, cử chỉ: những yếu tố gây ấn tượng ban đầu bao giờ cũng RẤT QUAN TRỌNG. Nhất là với BIDV, yếu tố này chiếm 30 điểm trên tổng điểm 100. HĐPV có ấn tượng tích cực hay tiêu cực về bạn, phần lớn đều từ những ấn tượng ban đầu của họ khi bạn xuất hiện.

Nhân viên Ngân hàng – đặc biệt đối với các vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách luôn có một hình thức tươi trẻ, đầy sức sống, đặc biệt là rất gọn gàng, chuyên nghiệp. Vì thế, để trở thành một trong số họ, bạn cũng nên có những thay đổi tương đồng, không quá cầu kỳ nhưng cũng cần chỉn chu, lịch sự và chuyên nghiệp. Một tips nho nhỏ là có thể đến trải nghiệm ở các ngân hàng, quan sát các CVQHKH, GDV, từ trang phục đến cách trang điểm, cung cách giao tiếp với khách hàng để tham khảo và học hỏi.

Những chi tiết nhỏ có thể tạo khác biệt lớn. Ấn tượng ban đầu tốt giúp bạn có sự khởi đầu thuận lợi, trút bỏ áp lực về tâm lý, HĐPV sẽ thoải mái, thân thiện, vui vẻ hơn với bạn. Thậm chí có những HĐPV sẽ bày tỏ sự hài lòng ra mặt, khi bạn là ứng viên duy nhất xin phép ngồi và cất ghế lại trước khi ra về.

Lời khuyên chung:

– Về trang phục: An toàn nhất là trang phục công sở. Với nhiều bạn sinh viên, trong 4 năm ĐH lần duy nhất các bạn mặc đồ công sở là khi… chụp ảnh kỷ yếu. Thời sinh viên sôi nổi đã qua, giờ là lúc phải đi làm và hãy làm quen với đồ công sở.

+ Với Nam: Giầy tây đen, quần tây sẫm màu (nên là màu đen), tất cùng tông màu với quần, dây lưng, sơ mi trơn dài tay, thắt caravat, có thể thêm đồng hồ, áo vest và nhớ sơ vin nhé.

+ Với nữ: Áo vest (nếu trời lạnh/se lạnh), áo sơ mi trắng kèm zuýp. Ưu tiên zuýp bó, độ ngắn quá đầu gối một chút (đừng ngắn quá bạn nhé :D). Có một số bạn nữ không tự nhiên, thoải mái, không hợp với zuýp, có thể mặc quần âu hoặc trang phục nào đó bạn thấy tự tin nhưng vẫn đảm bảo gọn gàng, lịch sự. Phụ kiện có thể có đồng hồ. Hạn chế khuyên tai loằng ngoằng. Trang điểm nhẹ nhàng. Hãy thể hiện một sự cuốn hút vừa đủ, nhã nhặn nhưng cũng toát lên vẻ sắc sảo, chuyên nghiệp.

Với cả nam và nữ, nhớ là áo phẳng phiu. Tuyệt đối tránh các loại quần áo màu quá lòe loẹt, hở hang và mang trên người quá nhiều trang sức. Nếu bạn muốn thể hiện cá tính, hãy thể hiện ở một môi trường khác phù hợp hơn. Ngân hàng là nơi quy chuẩn về ăn mặc, hãy tuân thủ.

Trang phục trên là trang phục an toàn nhất. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn trang phục khác nếu muốn, nhưng cần đảm bảo gọn gàng, lịch sự và quan trọng nhất là không khiến HĐPV cảm thấy phản cảm, khó chịu.

– Về gương mặt, tác phong: Đầu tóc, râu ria, móng tay cắt tỉa gọn gàng. Với nam: không nhuộm tóc và nên dùng gel tạo kiểu. Nếu dùng nước hoa, nên chọn mùi trung tính và loại nhẹ.

Nhớ đến sớm khoảng 15p để chỉnh trang lại đầu tóc, quần áo trước khi vào phỏng vấn.

– Về phong thái: đi thẳng, bước đi tự tin, chắc chắn, hơi ưỡn người về phía trước. Luôn giữ sự tươi tắn, tự tin trong suốt quá trình phỏng vấn.

Một gương mặt sáng sủa, tác phong tự tin, trang phục phù hợp, vậy là bạn đã ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng rồi.

TUY NHIÊN, ấn tượng ban đầu có tốt đến đâu cũng không thể cứu vãn được buổi phỏng vấn nếu bạn KHÔNG làm tốt 5 yếu tố còn lại.

2/ Kiến thức: bao gồm kiến thức cứng (nghiệp vụ, kiến thức nền tảng,…) và kiến thức mềm (vốn sống, kiến thức xã hội, hiểu biết về ngành nghề ứng tuyển).

Làm chủ kiến thức giúp bạn tự tin trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bám sát vào kiến thức nghiệp vụ cần thiết cho vị trí (ví dụ: QHKH là kiến thức về NHTM, tín dụng NH, các văn bản pháp luật, thêm cả TCDN, báo cáo tài chính, thẩm định dự án nếu PV vào vị trí CVQHKH DN) và các kiến thức nền tảng của ngành (ngân hàng thương mại, lý thuyết tài chính, tài chính tiền tệ và cả kinh tế vi mô, vĩ mô) để chuẩn bị cho các câu hỏi nghiệp vụ.

Với BIDV: Kiến thức cứng (nghiệp vụ hoặc tình huống liên quan đến công việc của vị trí ứng tuyển) chiếm 15 điểm trên thang điểm 100. Điểm phần này thấp nhất trong 4 phần của thang điểm. Lý do đơn giản: đề thi của BIDV vẫn luôn được coi là một trong những đề thi khó nhất. Việc bạn vượt qua được vòng thi, BIDV đã đánh giá bạn rất cao rồi. Nhưng không vì điểm thấp mà không ôn hay ôn qua loa. Hãy đảm bảo ít nhất là mình có ý tưởng gì đấy cho câu hỏi. Bởi bạn đã thể hiện tốt ở vòng thi rồi nhưng lại không trả lời được ở vòng PV, HĐPV sẽ không thực sự đánh giá cao bạn nữa.

Kiến thức nền tảng cần phải chuẩn bị:

Với vị trí Quản lý Khách hàng:

– Văn bản pháp luật mà 1 CVQLKH (CVQHKH) cần trang bị:
+ Luật các TCTD số 47/2010
Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Mới), thay thế quy chế cho vay 1627 và 7 văn bản khác (xem thêm tại: Những thay đổi cơ bản của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng).
+ Thông tư 02/2013 quy định về Phân loại Nợ và trích lập dự phòng Rủi ro tín dụng (Thông tư 09/2014 sửa đổi bổ sung)
+ Nghị định 83/2010 quy định về Đăng ký giao dịch bảo đảm
+ Thông tư 36/2014, thông tư 06/2016 vừa ban hành ngày 27/5/2016 của NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD
+ Basel II
+ Thông tư 07/2015 quy định về Bảo lãnh Ngân hàng
+ Luật các công cụ chuyển nhượng số 49/2005
+ UCP600: Các quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ
– Các khái niệm cơ bản:
+ Hình thức cấp tín dụng
+ Cho vay: Loại hình, Hình thức, Đối tượng không/hạn chế cho vay
+ Quy trình cấp tín dụng
+ Bảo lãnh
+ Các phương thức TTQT, phương tiện TTQT (Hối phiếu, nhờ thu, L/C)
– Quy trình bán hàng:
+ Nội dung KHCN, KHDN mục tiêu
+ Tìm hiểu sản phẩm KHCN, KHDN của NH
+ Kế hoạch tiếp cận Khách hàng
+ Thẩm định KH gồm những yếu tố nào
+ Chăm sóc sau bán hàng, kiểm soát sau,…

Với vị trí Giao dịch viên:

– Kiến thức nền tảng về kế toán ngân hàng
– Nghiệp vụ tài khoản + tiết kiệm
– Nghiệp vụ thẻ
– Nghiệp vụ thanh toán
– Nghiệp vụ kho quỹ
– Các khoản mục trên bảng cân đối kế toán
– Chứng từ gốc, chứng từ ghi sổ
– Các loại giấy tờ có giá
– Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống
– Các văn bản pháp luật GDV cần trang bị

Các câu hỏi nghiệp vụ/tình huống với vị trí thường gặp trong vòng PV của BIDV, bạn có thể xem trong file danh sách các câu hỏi PV vào BIDV ở cuối bài viết.

Kiến thức mềm chiếm 25 điểm, số điểm rất cao trong thang điểm. Các ngân hàng hiện nay rất thích hỏi ứng viên các câu hỏi về tình hình chung của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, hiểu biết về ngân hàng ứng tuyển, ngân hàng đối thủ cạnh tranh, các vấn đề được cả xã hội quan tâm,… BIDV thậm chí còn có những câu hỏi trên trời dưới biển (Lê Quý Ngoại Sử là tên khác của tác phẩm nào? Hay Việt Nam có bao nhiêu km biên giới với Trung Quốc? Bốc được mấy câu này, hẳn hầu hết các bạn đều nghĩ trong đầu: Oát tờ hợi, BIDV troll em à? @@ Ad: Troll max level chứ còn gì nữa :))). Ngân hàng bước sang một giai đoạn mới, kinh doanh an toàn và phát triển bền vững, hướng tới mảng ngân hàng bán lẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cách thức tuyển dụng cũng được điều chỉnh phù hợp với xu thế này. Ngân hàng yêu cầu cao hơn ở ứng viên trong giai đoạn hiện nay, không chỉ vững chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, nhạy bén với thời cuộc. Đây là những yếu tố cần chuẩn bị, bồi đắp qua cả một quá trình.

Đọc đến đây, có một số bạn sẽ nghĩ: Phải làm sao nếu không có nhiều thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, không có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú?

Lúc này, bạn cần đến các cụm từ khóa tìm kiếm giúp nhanh chóng thu thập được thông tin:

– 10 sự kiện kinh tế xã hội tiêu biểu/nổi bật trong năm 2016
– Cục diện ngân hàng sau 4 năm tái cơ cấu
– Những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2016
– 10 sự kiện xã hội nổi bật nhất năm 2016
– Toàn cảnh bức tranh hệ thống ngân hàng Việt Nam
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất, tỷ giá, hiệp định TPP
– …

Các bạn quan tâm đến thông tin nào thì tìm kiếm theo từ khóa tương ứng. Google không tính phí, vấn đề là có chịu khó hay không thôi.

Các sự kiện được cả xã hội quan tâm trong thời gian qua
 có thể kể đến:

(Đợt tuyển năm 2016

– Đại hội Đảng, bầu cử các chức danh lãnh đạo, bầu cử đại biểu quốc hội
– Thực phẩm bẩn
– Cá chết hàng loạt ở miền Trung (tìm hiểu về thủy triều đỏ, việc bức xúc với dự án của 1 công ty Đài Loan, vấn đề sàng lọc thông tin,…)
– Hiệp định TPP
– Hải chiến Gạc Ma 1988
– Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp
– Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam (ảnh hưởng như nào đến Việt Nam? Sự kiện liên quan: Mỹ Linh hát quốc ca)
– Euro, Olympic
– Tuyến phố kiểu mới ở Hà Nội
– Đi xe đạp nhặt rác quanh Hồ Gươm
– NHNN chấm dứt cho vay ngoại tệ mà chuyển khai bán USD, điều này nhằm mục đích gì?
– Lãi suất tiền gửi USD hiện nay? Mục đích của NHNN?
– Các sản phẩm của Google
– …)

Update các sự kiện nóng gần đây.

– Quy chế cho vay mới (thông tư 39/2016/TT-NHNN)
– Bầu cử tổng thống Mỹ
– Quận 1 lập lại trật tự vỉa hè
– Tổng thống Mỹ tuyên bố dừng TPP ảnh hưởng như nào đến Việt Nam?
– Đổi mới thi cử 2017
– Quy định về tiền gửi, cho vay USD ở trên
– …

Qua các đợt tuyển dụng tập trung vừa qua, đặc biệt là đợt 2/2016 có thể nhìn ra khá rõ phong cách hỏi của BIDV. Các câu hỏi thuộc 2 giỏ: ứng xử và nghiệp vụ/kỹ năng của vị trí vẫn lặp lại khá nhiều từ những đợt tuyển dụng trước đó. Còn giỏ câu hỏi Kiến thức Kinh tế – Xã hội, BIDV hỏi nhiều vào các sự kiện mang tính thời sự, được cả xã hội quan tâm, gần với thời điểm diễn ra vòng PV. Ví dụ đợt 2 hỏi nhiều về: tuyến phố đi bộ kiểu mới, đạp xe nhặt rác quanh hồ Gươm, các sản phẩm của Google, Euro, Olympic, TT Obama thăm VN, NHNN chấm dứt cho vay ngoại tệ mà chuyển khai bán USD, điều này nhằm mục đích gì?, VĐV cầu lông số 1 Việt Nam hiện nay, lãi suất tiền gửi USD hiện nay – mục đích của NHNN,…

Với các câu hỏi hiểu biết về ngân hàng (tên gọi đầy đủ, lịch sử hình thành, logo, slogan, ban lãnh đạo, sản phẩm cho KHCN/KHDN, sản phẩm chủ đạo, các sự kiện nổi bật,…), cách tốt nhất là theo dõi từ chính website của ngân hàng. Bên cạnh đó, chọn lọc từ các tin tức chung về ngành ngân hàng, về tình hình kinh doanh, chương trình ưu đãi, sự kiện nổi bật của từng ngân hàng (sáp nhập, hợp nhất, tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới,…) trên các trang tin đã liệt kê ở trên (tham khảo thêm các kênh đọc/xem tin tức được liệt kê bên dưới). Ngoài ra, các báo cáo thực tập, khóa luận tốt nghiệp cũng là một nguồn thông tin tham khảo được nhiều thông tin về ngân hàng (nên cập nhật những báo cáo thực tập, khóa luận tốt nghiệp trong thời gian gần đây).

Ví dụ: BIDV có các thông tin nổi bật sau:

– Lịch sử hình thành:
+ Thành lập ngày 26/4/1957 với tên gọi là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam
+ Từ 1981 đến 1989: mang tên Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam
+ Từ 1990 đến 27/04/2012: mang tên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
+ Từ 27/04/2012 đến nay: mang tên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

– Ban lãnh đạo:
+ Ông Trần Anh Tuấn: Ủy viên HĐQT, phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT thay ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ 01/09/2016 (xem thêm tại: Hội đồng Quản trịÔng Trần Bắc Hà nghỉ hưu, BIDV có tướng mới)
+ TGĐ: Phan Đức Tú
Ngoài các thông tin chung về ngân hàng, nên tìm hiểu thêm về lãnh đạo chi nhánh (Giám đốc), các hoạt động nổi bật và địa bàn (lĩnh vực chủ đạo, khách hàng tiềm năng, các dự án lớn, cụm/khu công nghiệp, tình hình kinh tế xã hội của địa phương). BIDV và các ngân hàng lớn khác (big4) thường tuyển cho các chi nhánh cụ thể, khi PV, HĐPV có xu hướng hỏi thêm các thông tin về chi nhánh, địa bàn bên cạnh các thông tin chung về ngân hàng.

– Slogan: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công

Được công bố lần đầu tiên vào Hội nghị Khách hàng quốc tế ngày 15/12/2006, slogan của BIDV đề cao mối quan hệ giữa khách hàng và Ngân hàng với mong muốn được chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng trong mọi thời điểm, khi có cơ hội cho đến những giai đoạn khó khăn – đây cũng chính là mấu chốt để tạo dựng nên sự thành công vững mạnh cho cả đôi bên.

– Logo:

Biểu tượng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức được công bố vào ngày 25/9/1991. Đến nay, trải qua bao thời gian xây dựng và phát triển, ngân hàng vẫn giữ nguyên logo ấy.

Logo của BIDV bao gồm những chữ cái đầu tên gọi của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển bằng tiếng Anh (BIDV). Ba chữ IDb được bố trí thành một khối chặt chẽ lồng ghép với nhau. Chữ D màu xanh là biểu tượng của tương lai, hy vọng và phát triển. Chữ I màu đỏ là màu của cờ Tổ quốc Việt Nam, chữ b được lồng ghép từ chữ I và chữ D có hai màu xanh đỏ. Chữ V có màu đỏ là màu cờ Tổ quốc và đỡ gọn cả khối ba chữ trên trong lòng một cách chặt chẽ.

Việc bố trí cấu trúc của khối chữ và màu của nó đã tự nói lên ý nghĩa của biểu tượng: Tổ quốc Việt nam như một con tàu, như cái nôi của người mẹ Tổ quốc (chữ V) đang nâng niu, dìu dắt đứa con BIDV (khối chữ IDb); và IDb sẽ góp phần đưa con tàu tới đích cũng như con tàu (chữ V) người mẹ Việt Nam sẽ đưa, lãnh đạo IDb tới bến vinh quang.

Xem thêm tại: Nhận diện thương hiệu BIDV

– Sự kiện nổi bật:
+ Nhận sáp nhập MHB vào ngày 22/05/2015 (NHNN chấp thuận vào ngày 25/04)
+ Tổng tài sản lớn nhất hệ thống (> 1 triệu tỷ đồng: Tổng tài sản của BIDV vượt 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2016 ước hơn 7.500 tỷ, Vietin > 900 nghìn tỷ, Vietcom ~ 800 nghìn tỷ), lợi nhuận trước thuế & sau thuế cao thứ 3 hệ thống năm 2016, cao nhất hệ thống năm 2015 (LNTT: 7.949 tỷ, LNTT sau khi tính đủ phần lỗ lũy kế khi tiếp nhận MHB: 7.473 tỷ, LNST: 6.382 tỷ)
+ Tăng vốn điều lệ sau khi nhận sáp nhập MHB
+ Đạt giải thưởng ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp 2014-2016 do Tạp chí The Asian Banker trao tặng
+ Được định giá là thương hiệu ngân hàng đứng đầu Việt Nam (xem chi tiết tại đây)
+ Năm 2017: Kỷ niệm 60 năm thành lập

– Sản phẩm: xem thêm tại: BIDV Internet – Trang chủ

Có thể hỏi thêm người quen (trực tiếp hoặc gián tiếp) làm ở BIDV các thông tin về sản phẩm chủ đạo, định hướng phát triển, nội tình của các chi nhánh,…

Về lâu dài, hãy tạo thói quen đọc/xem tin tức. Có một số trang tin hay về kinh tế, tài chính như CafeF, VnEconomy, Bizlive, mục Kinh doanh của VnExpress. Xem bản tin tài chính kinh doanh cũng là một cách rất hay để cập nhật tin tức nhanh chóng, trực quan, sinh động. Tin về xã hội các bạn có thể đọc từ một số trang tin chính thống như VnExpress, Vietnamnet, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên,… và xem thời sự, chuyển động 24h,… Về cơ bản, các sự kiện nổi bật, các trang đều đưa tin với nội dung khá giống nhau, chỉ cần có cho mình một vài trang tủ là được. Mỗi ngày dành 15-30 phút cập nhật thông tin. Thông tin rất nhiều, nên chọn lọc để tiết kiệm thời gian làm những việc quan trọng khác.

Tìm hiểu những thông tin này để chuẩn bị cho các câu hỏi thường gặp sau:

+ Sự kiện kinh tế gần đây mà em quan tâm?
+ Sự kiện ngành tài chính ngân hàng gần đây mà em quan tâm?
+ Xu hướng phát triển của ngành NH?
+ Cơ hội và thách thức của việc sáp nhập ngân hàng?
+ Em cho biết về tình hình KT- CT – XH thời gian qua?
+ Sự kiện gì được cả xã hội quan tâm thời gian gần đây?
+ Tuần qua tình hình trong nước và thế giới có gì nổi bật,…
+ Em biết gì về BIDV?
+ BIDV cổ phần hóa năm nào? Cá nhân em thấy BIDV thế nào?
+ Các thành tích nổi bật của BIDV trong thời gian vừa qua?
+ Em có bết gì về chi nhánh không, ngân hàng BIDV không?
+ Trong các phòng ban của BIDV em thích làm phòng nào? Tại sao?
+ Có cách nào làm tăng hình ảnh BIDV không?
+ Tại sao em lại thi vào BIDV? (Tại sao em lại thi vào BIDV mà không phải VietinBank, Vietcombank hay các NH nước ngoài? Nếu trúng tuyển cả BIDV và Vietcombank/VietinBank/… em chọn NH nào?)
+ Em có để ý gì tới hoạt động của BIDV hay hệ thống ngân hàng thời gian qua không?
+ Các sản phẩm, dịch vụ của BIDV
+ Sản phẩm của BIDV cho KHCN/KHDN
+ Sản phẩm chủ đạo của BIDV
+ Lãi suất huy động của BIDV thế nào?
+ Nêu thế mạnh và cạnh tranh của BIDV so với các tổ chức tín dụng khác?
+ Tổng giám đốc BIDV là ai? Chủ tịch HĐQT là ai? Bí thư tỉnh ủy?
+ Anh/chị hiểu biết gì về mạng lưới hoạt động của BIDV?
+ Tỷ lệ nợ xấu BIDV, thống đốc hiện tại là ai, TGĐ BIDV là ai, em biết gì về chi nhánh?
+ BIDV có những chi nhánh/PGD đại diện tại nước nào?
+ BIDV đã làm gì theo xu hướng ngân hàng bán lẻ?
+ …
(Đây là các câu hỏi xuất hiện thường xuyên trong vòng PV của BIDV các đợt tuyển đã qua. Với các NH khác, chỉ việc thay tên ngân hàng).

3/ Kỹ năng: bao gồm kỹ năng làm việc cơ bản như làm việc độc lập, làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch,… Ngân hàng còn đánh giá cao những kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, có khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, chủ động, có nhiều kinh nghiệm sống.

Với riêng BIDV, yếu tố này nằm trong đánh giá chung về tác phong, cử chỉ, kiến thức (tình huống liên quan đến công việc của vị trí) và cả thái độ nữa.

4/ Thái độ: Đây là yếu tố QUAN TRỌNG NHẤT. Dù bạn giỏi, nhưng thái độ không tốt, không cầu thị thì cơ hội chưa chắc đã rộng mở với bạn, so với những bạn khá, nhưng thái độ cầu thị, lắng nghe và chịu khó học hỏi. Ngân hàng quan niệm, kiến thức đuối có thể trang bị thêm, kỹ năng chưa tốt có thể cải thiện, nhưng thái độ tiêu cực thì rất khó thay đổi. Giữa những bạn có nền tảng kiến thức như nhau, kỹ năng tựa tựa như nhau, HĐPV chắc chắn sẽ chọn những bạn có thái độ tích cực hơn. Vì vậy, hãy luôn thể hiện thái độ vui vẻ, tích cực và cầu thị trước HĐPV.

Các nhà tuyển dụng thường ứng dụng một mô hình cơ bản trong đánh giá năng lực ứng viên, đó là ASK (Attitude – Skill – Knowledge). Một ứng viên có Thái độ phù hợp – Kiến thức chắc chắn – Kỹ năng thành thạo là ứng viên có năng lực tốt.

– A: Attitude: thái độ
– S: Skill: Kỹ năng
– K: Knowledge


Trong tam giác ASK, thái độ là yếu tố nằm ở cuối cũng đã thể hiện tầm quan trọng của Thái độ, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống.

5/ Các nội dung cần chuẩn bị khác (chính là sườn phỏng vấn của các ngân hàng hiện nay)

– Giới thiệu bản thân: bên cạnh việc gây ấn tượng ban đầu bằng trang phục, hình thức, diện mạo, tác phong thì giới thiệu bản thân là phần tiếp theo giúp gây ấn tượng tích cực hoặc mờ nhạt hoặc tiêu cực với HĐPV. Đây là phần rất quan trọng trong buổi PV, cần chuẩn bị tốt. 
Để có phần giới thiệu bản thân tốt, cần viết ra nháp. Đây là phần gây ấn tượng ban đầu, nên tạo sự khác biệt, phù hợp với thế mạnh và những điểm thú vị của bản thân, không nên giới thiệu theo bài. Luyện tập trước để nói cho tự nhiên, chỉ nghĩ trong đầu sẽ không nói tốt được. Giới thiệu cần có cảm xúc, thể hiện sự chân thành, tránh trả lời theo kiểu học thuộc lòng.

Lời khuyên: nên luyện tập trước gương để quan sát biểu cảm của gương mặt, cơ miệng, làm sao để tưới tắn, tự nhiên là được.

Một số HĐPV có thể không yêu cầu giới thiệu bản thân mà đi thẳng vào các câu hỏi luôn. Trong trường hợp này, tùy tình hình mà chủ động xin giới thiệu ngắn gọn đôi nét về bản thân hoặc thể hiện sự sẵn sàng cho các câu hỏi của HĐPV.

– Hiểu CV:
 mỗi thông tin điền vào CV, hãy luôn đặt ra câu hỏi: Hội đồng PV có thể hỏi mình điều gì từ thông tin này?

– Các câu hỏi về vị trí ứng tuyển

+ Em biết gì về công việc của 1 CV Quản lý Khách hàng/ Giao dịch viên/ CV Quản trí tín dụng/… ở BIDV? (Hoặc QHKH/ GDV/ … nói chung)
+ Theo em tố chất/ kỹ năng/ điểm mạnh nào quan trọng nhất với công việc của vị trí ______ (chỗ trống là vị trí ứng tuyển của bạn)
+ Em có điểm gì đáp ứng được yêu cầu của vị trí? Hoặc: Tại sao em lựa chọn vị trí này mà không phải vị trí khác?
+ Với QHKH: các câu hỏi về chỉ tiêu, kế hoạch triển khai công việc, nghiệp vụ cơ bản (hồ sơ KHCN, KHDN; thẩm định KHCN, KHDN,…), tình huống với 1 CVQHKH
+ Với GDV: các câu hỏi về nghiệp vụ, tình huống thường gặp với 1 GDV
+ Với HTTD (BIDV gọi là CV Quản trị tín dụng), TTQT (BIDV hay tuyển CV Tài trợ Thương mại), thẩm định,…: các câu hỏi về nghiệp vụ đặc thù của vị trí

Xem thêm các câu hỏi tại file đính kèm và bài viết: Danh sách các câu hỏi thường gặp trong vòng Phỏng vấn của Vietcombank, BIDV, VietinBank và các ngân hàng

– Các câu hỏi cá nhân

+ Các bạn sinh viên mới/ sắp ra trường: thường sẽ được hỏi về các hoạt động trong thời đại học: làm thêm, thực tập, tham gia các CLB, tổ chức đoàn thể, xã hội, những thành công, thất bại, những trải nghiệm đáng nhớ, môn học yêu thích, khóa luận tốt nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, khả năng đặc biệt,…
+ Với các bạn đã có kinh nghiệm (nói chung, không riêng gì trong ngân hàng): hỏi về công việc cũ/ hiện tại, tại sao lại nghỉ việc, tại sao lại chuyển sang ngân hàng, thành công, thất bại trong công việc,…
+ Ngoài ra là các câu hỏi chung cho cả 2 nhóm ứng viên: gia đình, người yêu, dự định lập gia đình, khả năng hát hò, uống rượu bia, năng khiếu, thể thao,…

– Các câu hỏi hiểu biết về ngân hàng, về ngành (xem ở phần 2 phía trên)

– Các câu hỏi kiến thức xã hội (xem ở phần 2 phía trên)

– Các câu hỏi khác

+ Em có câu hỏi gì cho Hội đồng không?
+ …

– Dự phòng bị hỏi tiếng Anh bằng cách chuẩn bị sẵn một bài giới thiệu bản thân (tương tự như giới thiệu bản thân bằng tiếng Việt)

Tham khảo thêm tại các câu hỏi thường gặp tại topic: [HOT] Bộ câu hỏi Phỏng vấn vào MB 2016 và những lưu ý quan trọng

6/ Tinh thần trước mỗi vòng phỏng vấn

Đừng nghĩ đến kết quả của buổi PV, đừng tạo áp lực cho mình là phải thành công ngay trong lần này, lần kia. Hãy nghĩ về buổi PV đơn giản là 1 buổi nói chuyện, trao đổi, là dịp để mình thể hiện sự hiểu biết, vốn sống, quan điểm và những gì thú vị nhất về mình với HĐPV. Buổi PV được coi là thành công nếu PV xong mình thấy hài lòng với phần thể hiện của mình, mình đã chia sẻ được những gì muốn chia sẻ với HĐPV. Kết quả ra sao không quan trọng. Kết quả PV còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Mấu chốt của một buổi PV thành công là sự chuẩn bị, tâm lý vững vàng, tự tin, ứng biến linh hoạt, cầu thị, tích cực, chân thành và sự sẵn sàng cao với công việc được giao. Ngân hàng thích những người: “Thú vị + Vui vẻ + Lạc quan + Nhanh nhẹn + Có khả năng nắm bắt vấn đề + Có thái độ tích cực, cầu thị“. Họ không cần những người quá giỏi về nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng nhưng thiếu đi Tinh thần và Thái độ.

PV xong là lúc mình còn nhớ nhất về những gì vừa trải qua. Vì vậy, ghi chép lại tất cả những trải nghiệm, những điểm được và điểm cần cải thiện là việc cần làm lúc này.

Có thể bạn quan tâm:

2 thoughts on “Tổng hợp Đề thi phỏng vấn BIDV và cách trả lời

  1. Pingback: https://revive.pamatyklietuvoje.lt/live/www/delivery/ck.php?ct=1&oaparams=2__bannerid=14__zoneid=6__cb=01fa46d3e4__oadest=https://devs.ng/soccer6-nigeria-review/

  2. Pingback: vikki ebbeling silicone dolls

Leave a Reply

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);