Toán Soroban là gì? Soroban ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy của trẻ như thế nào? Soroban hay finger math gần đây đang làm mưa làm gió. Rất nhiều trung tâm dạy toán tư duy quảng cáo, rất nhiều phụ huynh tham khảo cho con đi học.
Nội dung chính:
Phương pháp học toán Soroban là gì?
Phương pháp Soroban là phương pháp tính nhẩm siêu tốc hay phương pháp tính nhẩm nhanh được người Nhật nghĩ ra dựa trên chiếc bàn tính cổ soroban, xuất xứ từ Trung Quốc và được nhập khẩu vào Nhật Bản từ những năm 1600. Nó trở thành công cụ tính toán rất phổ biến thời bấy giờ tại châu Á.
Tác hại của học Soroban – Có nên cho trẻ học toán Soroban?
Có giáo viên kể với tôi rằng học sinh cũ của bạn khi vào lớp 1 bị cô giáo gõ vào tay sau mỗi lần cố gắng sử dụng cách thức của fingermath hay soroban để tính toán. Tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về bàn tính soroban và finger math để hiểu được người bạn của tôi.
Và những thông tin sau đây sẽ khiến bạn bất ngờ:
– Bạn thử gõ từ khóa soroban sẽ không thấy trang nước ngoài nào nói về điều này, toàn bộ là các trang tiếng việt, các trung tâm dạy toán viết về nó. Thậm chí đổi thành ngôn ngữ tiếng Anh trên máy tính bạn cũng vẫn có kết quả tương tự.
– Thế giới không nói về soroban, chỉ có wikipedia tiếng Anh, tuy nhiên không có dòng nào khẳng định soroban giúp trẻ thông minh, phát triển cả hai bán cầu não như quảng cáo ở Việt Nam.
– Ngay cả tại Nhật Bản – quê hương của soroban thì nó cũng được áp dụng một cách hết sức hạn chế, và không nhằm mục đích dạy toán, mà chỉ để duy trì văn hóa truyền thống và rèn thói quen làm việc theo nhịp điệu.
– Các tài liệu tiếng Anh cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu lịch sử của soroban và hướng dẫn cách sử dụng. Không hề nhắc đến tác dụng của soroban lên bộ não của người sử dụng.
– Bàn tính gảy có nguồn gốc từ Trung Quốc. Xa xưa, khi chưa có máy tính hiện đại, người ta dùng máy tính gảy như vậy để tính toán. Khi các loại máy tính hiện đại ra đời, người ta ít dùng bàn tính gảy, loại bàn tính này tự nhiên biến mất. Ngay cả trong chương trình môn Toán của Bộ GD&ĐT cũng không còn bàn tính gảy mà thay vào đó là máy tính cầm tay.
Đến đây có thể khẳng định những quảng cáo về soroban rằng nó có thể giúp cho người học trở lên thông minh hơn là hoàn toàn không có cơ sở.
Nếu chỉ dừng lại ở đây thì ta mới chỉ khẳng định rằng soroban giúp cho người học thông minh hơn chứ chưa khẳng định được rằng soroban có ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy toán học của trẻ.
Hãy lấy một ví dụ nhỏ sau đây:
Bạn muốn rèn luyện sức khỏe bằng việc chạy bộ 5km mỗi ngày. Sau đó bạn vì muốn đạt mục tiêu 5km mà chọn đi xe đạp thay vì chạy bộ cho đỡ mất thời gian mà vẫn đạt được mục tiêu 5km. Bạn đang quá tập trung vào con số 5km mà quên đi mục tiêu chính của mình là rèn luyện sức khỏe.
Bạn có thấy rằng bạn đang rời xa mục tiêu ban đầu của mình là “rèn luyện sức khỏe bằng việc chạy bộ” và thay vào đó bằng mục tiêu đạt được 5km đường mỗi ngày, bạn đạp xe cho nhanh mà không bị chán.
Soroban chính là cái xe đạp đó. Bạn dùng nó để tính toán nhanh hơn, nhưng học toán đâu phải chỉ dừng lại ở tính toán. Toán học rèn luyện tư duy con người thông qua việc giải quyết các vấn đề mà mỗi bài toán đưa ra. Bằng việc giải quyết các vấn đề đó, bạn rèn luyện được tư duy cho mình.
Mục tiêu chính của môn toán trong nhà trường không phải giúp cho học sinh mỗi việc tính toán mà rèn luyện cho học sinh tư duy logic, óc phân tích, sự nhẫn nại, kiên trì, không bỏ cuộc trước những thử thách khó, giúp chúng ta nhìn ra những quy luật vận động của xã hội, của vũ trụ.
Tôi gặp rất nhiều học sinh, người trưởng thành, thậm chí giáo viên hay nói là học đạo hàm để làm gì, sau này có dùng đến đâu? Nếu suy nghĩ như thế thì môn toán đã bị dừng dạy trên toàn thế giới rồi, tại sao đến giờ nước nào cũng dạy toán. Thậm chí khi bạn cầm quyển sách toán tương ứng lớp 11 của Đức, bạn sẽ thấy nó dày gấp 3 – 4 lần quyển đại số – giải tích 11 của Việt Nam.
Thầy tôi đi New Zealand dự giờ môn toán một lớp cấp 2. Lớp học về dãy số theo quy luật. Họ dạy học sinh đi từ dãy số dễ, đến những dãy khó. Việc của học sinh là tìm ra quy luật của dãy đó và điền thêm các số hạng ở phía sau. Cuối giờ thầy hỏi các bạn học dãy số để làm gì? Chúng là làm bao nhiêu việc cả 1 tiết vừa qua chỉ để điền các con số còn thiếu thôi sao? Câu trả lời là Không, chúng ta đang rèn cho bộ não của mình tư duy phân tích, dự đoán những điều sắp xảy ra thông qua việc quan sát một vài dấu hiệu trước đó. Nếu sau này em làm về thời trang, em phải biết cách dự đoán xu hướng sắp tới. Nếu em kinh doanh, việc dự đoán các xu hướng thông qua phân tích tình hình thực tế là điều bắt buộc để em có thể thành công…
Những bài tập toán chỉ là cái cớ để người dạy đặt người học vào những thử thách, buộc người học phải động não để xử lý vấn đề. Thông qua quá trình đó, khả năng tư duy của người học sẽ trở lên sắc bén hơn. Như Albert Einstein – nhà vật lý học nổi tiếng nhất thế kỉ 20 đã nói “Education is not learning of facts but the training of the mind to think” – Giáo dục không phải là học kiến thức mà là rèn luyện cho bộ não cách tư duy.
Trong khi đó những công cụ như soroban hay finger math không hướng tới mục đích rèn luyện tư duy. Chúng là những công cụ để tính toán, mục đích của chúng là tìm ra đáp số nhanh. Chúng khiến người học xa rời mục đích ban đầu của việc học toán. “Tư duy phát triển khi người ta dạy cho các cháu tìm ra lời giải chứ không phải là dạy các cháu nhẩm ra đáp số” (TS Lê Thống Nhất).
Soroban hay finger math tước đi cơ hội để rèn luyện trí não, rèn luyện tư duy logic, lập luận. Học sinh của tôi học lớp 12, khi làm bài tập gặp một phép tính (-2).(1/4). Các em hồn nhiên lấy máy tính ra bấm để có kết quả. Các em nói rằng đã sử dụng máy tính từ năm lớp 8 nên bây giờ những phép tính như vậy các em không bao giờ nhẩm, và cũng không tự tin nhẩm tính. Thế đấy, máy tính hiện đại đã tước đi cơ hội được rèn luyện tư duy của các em. Với phép toán trên, học sinh lớp 6 đã có thể nhẩm được, lẽ ra lớp 12 phải nhẩm nhanh hơn gấp nhiều lần. Và hiển nhiên những học sinh phải bấm máy tính nhiều, thì khi kiểm tra phần tư duy, các em kém hơn hẳn.
Đó chính là cách bàn tính soroban hay finger math tác động lên bộ não người học. Khi người học ỉ lại vào công cụ, bộ não sẽ trở lên lười tư duy và dần dần lệ thuộc vào công cụ. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi một em bé lệ thuộc vào bán tính soroban không thể làm nổi một phép toán đơn giản.
Dạo quanh một vài hội nhóm face book ta sẽ bắt gặp không ít giáo viên và phụ huynh than phiền về việc con học soroban sau đó lên lớp cứ ngồi ngây ra. Tất nhiên những ý kiến đó không đại diện cho tất cả. Tuy nhiên chúng rất đáng tham khảo nếu bạn có ý định cho con theo học soroban hay finger math.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu bạn có thể gọi tên đối tượng và viết được tên đối tượng ra giấy thì bạn sẽ dễ dàng nhớ chúng hơn rất nhiều. Ngược lại nếu bạn không thể gọi tên đối tượng hoặc sử dụng kí hiệu nào đó để thể hiện thì nhiều khả năng bạn sẽ không thể nhớ được nó. Đấy là lí do mà mọi chương trình giáo dục đều khuyến khích người học đọc to bài học lên và sử dụng ghi chép dưới nhiều dạng. Khi làm phép toán 5 + 6, học sinh sẽ phải hình dung hoặc viết ra giấy, làm việc với các số hạng này. Thậm chí trẻ lớp 1 còn phải lấy que tính, hay đồ vật để hiểu thế nào là phép cộng, làm việc với các con số. Khi nhìn thấy kí tự “5” học sinh sẽ phải hình dung được nó là gì, là số lượng năm cái (5 ngón tay, 5 cái kẹo…). Tuy nhiên ở finger math, số 5 là 1 ngón tay cái. Với trẻ tiểu học, số 5 lại là 1 ngón tay cái, vậy khả năng hình dung, hiểu bản chất số 5 đã bị mất đi. Hay bàn tính soroban, học sinh không làm việc với con số mà làm việc với các nút tròn giống nhau nhưng đại diện cho các giá trị khác nhau. Vẫn là hai nút tròn, nhưng lúc thì là 2, lúc lại là 101. Điều này vô tình làm trẻ nhỏ không hiểu được bản chất của các con số.
Theo quảng cáo, nhiều cháu sau khi luyện quen với bàn tính, các cháu có thể hình dung “bàn tính ảo” trong đầu và nhẩm tính mà không cần dùng bàn tính. Trường hợp này cũng như trường hợp những người thợ gõ văn bản, gõ cực nhanh cực chuẩn mà không cần nhìn bàn phím và cũng chẳng cần hiểu nội dung. Chuyện gõ văn bản nhanh và hiểu được nội dung văn bản là khác hẳn nhau. Cũng như chuyện gảy bàn tính thuần thục để nhẩm nhanh trong đầu với chuyện hiểu bản chất con tính là khác hẳn nhau.
Kết luận lại chúng ta có hai luận điểm
1. Những quảng cáo rằng bàn tính soroban kích thích trí thông minh cho người học là hoàn toàn vô căn cứ
2. Bàn tính soroban cũng như máy tính cầm tay khiến trẻ nhỏ ỉ lại vào công cụ, mất đi cơ hội được rèn luyện phát triển não bộ từ khi còn nhỏ.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò, tác dụng của soroban hay finger math. Tuy nhiên hãy nghĩ đến mục tiêu của bạn là gì! Nếu là phát triển tư duy và rèn luyện trí não, chúng ta có nhiều cách khác hay hơn nhiều. Hãy tham khảo các chuyên gia về phát triển tư duy trẻ ở các trường đại học sư phạm lớn như Đại học sư phạm Hà Nội. Không một chuyên gia nào hướng bạn đến soroban cả. Còn nếu muốn có một công cụ tính toán nhanh, muốn nhẩm nhanh một dãy tính, bạn hãy tham khảo soroban.
Có nên cho con học toán siêu tốc? Ý kiến của chuyên gia về học tính nhẩm siêu tốc
“Nên nhớ rằng tính nhẩm là một tiêu chuẩn cần thiết song không phải là tiêu chuẩn quan trọng trong toán học. Cái cần là các cháu cần biết kỹ năng phân tích giả thuyết. Phối hợp kiến thức đã có để tìm ra cách giải. Đấy mới là tư duy, là toán học chứ không ai gọi một mớ phép tính ấy là tư duy toán học. Người ta chỉ xếp tính nhẩm vào kỹ năng tính toán. Còn về tư duy, con người đã phân loại rõ, có tư duy tổng hợp, tư duy phân tích… Mỗi tư duy như vậy người ta có một giải pháp để rèn luyện. Tính nhẩm không hề rèn luyện tư duy, nó chỉ là kỹ năng. Trong kỹ năng đó người ta sẽ kết hợp với các công cụ như máy tính gảy, máy tính cầm tay… Để luyện sự tập trung khi suy nghĩ có nhiều cách khác hấp dẫn hơn.” Lê Thống Nhất – Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Toán, Phó Tổng Thư ký Hội giảng dạy Toán học phổ thông.
– Để phát triển tư duy có nhiều con đường. Đối với một bài toán, tư duy nằm ở tìm ra đường lối giải chứ không phải ở tính. Tư duy phát triển khi người ta dạy cho các cháu tìm ra lời giải chứ không phải là dạy các cháu nhẩm ra đáp số. Bởi chuyện làm tính ra đáp số có sự hỗ trợ của máy tính.
Còn để các cháu luyện khả năng tập trung, không nhất thiết phải tính nhẩm như vậy. Hơn thế, để rèn luyện khả năng tập trung mà để các cháu phải “đánh vật” với các con số và hàng loạt phép tính như vậy là không có lợi. Nó chỉ làm các cháu thêm rối đầu.
Còn để các cháu luyện khả năng tập trung, không nhất thiết phải tính nhẩm như vậy. Hơn thế, để rèn luyện khả năng tập trung mà để các cháu phải “đánh vật” với các con số và hàng loạt phép tính như vậy là không có lợi. Nó chỉ làm các cháu thêm rối đầu.