Ruby là loại đá quý có giá trị cao nên rất hay bị làm giả. Không những thế, công nghệ làm giả đá quý hiện nay lại vô cùng tân tiến mà những ai không có nhiều kinh nghiệm sẽ rất khó lòng phân biệt được. Cùng đón đọc chia sẻ của Ngolongnd để biết thêm chi tiết nhé!
Nội dung chính:
Ruby là gì?
Ruby (Hồng ngọc) là một trong 4 loại đá quý nhất của thế giới đá, cùng với Kim cương, Sapphire và Emerald (Ngọc lục bảo). Người mẹ – Đá Corundum sinh được 2 người con, đều rất đẹp đẽ, đó chính là Ruby và Sapphire. 2 loại ngọc này thực ra là 1, chỉ khác nhau về màu sắc. Corundum có màu thuộc sắc đỏ gọi là Ruby, các màu còn lại gọi là Sapphire. Chúng thực chất là một dạng tinh khiết của Oxit nhôm với một lượng tạp chất Crôm nhất định. Ruby đều là những hợp chất quý hiếm, sở hữu vẻ đẹp rực rỡ.
Nguồn gốc của đá Ruby
Đá Ruby là loại đá thuộc họ Corundum và có màu đỏ, chính vì thế nói tới đá Corundum màu đỏ nghĩa là bạn đang nói về đá Ruby. Mặc dù đá Ruby có màu đỏ tuy nhiên trong tự nhiên màu sắc của đá Ruby dao động từ đỏ hồng, đỏ tím, đỏ nâu cho tới đỏ đậm, tuy nhiên màu sắc được yêu thích và có giá trị cao nhất là đỏ huyết bồ câu.
Đá Ruby được tìm thấy phổ biến trên thế giới, phân bổ rộng ở nhiều quốc gia như Australia, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Nam Phin, Mỹ… và Việt Nam. Tại Việt Nam đá Ruby được tìm thấy chủ yếu ở Nghệ An và Yên Bái và đây cũng là nơi được đánh giá là có chất lượng đá Ruby cao nhất. Một viên đá Ruby thô nặng tới 2.1kg đã được tìm thấy tại Yên Bình (Yên Bái) và được đặt tên là “ngôi sao Việt Nam”.
Đá Ruby có ở đâu?
Đá Ruby có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, các mỏ khai thác có khắp ở các châu lục trừ châu Nam Cực. Và nó được tìm thấy nhiều nhất ở khu vực châu Á. Các nước như Myanma, Thái Lan, Sri Lanka là các nước xuất khẩu quan trọng nhất và có giá trị nhất. Ngoài ra, loại ngọc này còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Lục Yên (Việt Nam).
Hồng Ngọc được phát hiện ở một số nước ở Châu Phi như: Kenya, Tanzania cũng có giá trị cao. Tuy nhiên ở Châu Mỹ và châu Đại Dương người ta chỉ tìm thấy những quặng mỏ hồng ngọc, không có giá trị cao.
Một số nước ở châu Âu như Phần Lan, Na Uy và Macedonia cũng có các mỏ khai thác loại đá quý này.
Các loại Ruby
Về mặt tính chất thì thường chỉ phân ra 2 loại
- Ruby thịt: Loại bình thường, không có hiệu ứng sao trên bề mặt
- Ruby sao: Khi soi đèn sẽ thấy trên bề mặt đá có 3 tia sáng cắt nhau tại 1 điểm, tạo nên ngôi sao 6 cánh.
Nếu phẩm chất tương đương, thì Ruby sao bao giờ giá trị cũng cao hơn Ruby thịt.
Đá Ruby có mấy màu?
Đá Ruby tự nhiên có màu sắc trải dài từ hồng đậm đến đỏ sẫm. Sở dĩ Ruby có màu sắc như vậy là do cấu tạo hóa học rất đặc biệt của viên đá.
Cụ thể, đá Ruby được cấu tạo từ khoáng chất corundum – một dạng của nhôm oxit (Al2O3). Corundum có nhiều màu nhưng chỉ những loại có màu đỏ mới được gọi là Ruby. Màu đỏ của Ruby là do tạp chất Crom có trong corundum tạo thành. Những khoáng chất corundum có màu sắc khác như: xanh, hồng, tím, cam…thì được gọi là Sapphire.
Đặc điểm của đá Ruby
Ruby hay Sapphire đều là biến thể của cùng một loại khoáng chất Corundum. Trong đó chỉ những khoáng vật Corundum có màu đỏ (do có chứa 1 phần của nguyên tố Crom) được gọi là Ruby, còn các màu sắc khác được gọi là Sapphire. Hồng Ngọc có màu đặc trưng từ hồng đến đỏ đậm. Màu Ruby đẹp nhất là màu đỏ huyết bồ câu. Theo thang độ cứng Mohs (Thang đo độ cứng khoa học) – Ruby có độ cứng 9/10 chỉ đứng sau kim cương.Được phân bố ở rất nhiều các châu lục, nhưng màu sắc của Ruby tại Việt Nam (Yên Bái) nổi tiếng trên bản đồ đá quý của thế giới, ngang tầm với Ruby Myamar.
Giá trị của Ruby
- Phụ thuộc vào xuất xứ: Được ưa chuộng nhất hiện nay trên thị trường là Ruy có xuất xứ từ Myanmar; Lục Yên, Quỳ Châu Việt Nam; Sri laka.
- Phụ thuộc độ trong, ít vết rạn nứt, ít tạp chất, sao nhiều hay ít, kiểu sao mấy cánh, mấy sao trên 1 viên đá.
- Phụ thuộc vào màu sắc: Đỏ huyết bồ câu, Đỏ tươi, Đỏ nâu, Đỏ nhạt, Đỏ ánh tím.
- Phụ thuộc vào trọng lượng Carat: Viên đá có trọng lượng càng lớn sẽ có giá trị hơn.
- Phụ thuộc vào kiểu mài cắt: Kiểu mài cắt được chia thành 2 dạng chính là Facet (Mài giác) và Cabochon (Mài tròn). Mài facet thường dùng cho đá trong, mài cabochon thường dùng cho đá bán trong hoặc đục.
Thông thường thợ mài sẽ dựa theo hình dạng đá thô để lựa chọn hình dáng và kiểu mài cắt phù hợp. Các hình dạng mài cắt khác nhau không ảnh hưởng nhiều tới giá trị viên đá. Để một viên đá mài facet đạt được hiệu ứng quang học tốt nhất (“lấp lánh” nhất), người ta đã tính toán được tỷ lệ tương quan giữa chiều dài – rộng – dày cũng như số mặt cắt tương ứng với từng kiểu mài. Một viên đá được mài cắt không đúng chuẩn (Quá mỏng, quá dày, các mặt cắt không đều, không đủ số mặt cắt …) sẽ kém lấp lánh hơn, có thể giảm giá trị. Viên đá có khối lượng lớn nhưng mài không theo chuẩn có thể sẽ có giá thấp hơn viên đá có khối lượng nhỏ nhưng được mài cắt đúng tiêu chuẩn.
Tại sao Ruby dễ bị làm giả?
Sở dĩ Ruby dễ bị làm giả là do, viên đá này hội tụ rất nhiều yếu tố của một viên đá đẹp và quý hiếm. Nếu làm giả và bán ra thị trường sẽ thu được nguồn lợi nhuận rất cao.
Các yếu tố làm nên sức hút vạn người mê của Ruby bao gồm:
Màu sắc đẹp, thu hút: Ruby có màu từ đỏ hồng đến đỏ sẫm. Màu đỏ của Ruby tượng trưng cho sự ấm áp và huyền bí. Hơn nữa đây cũng là màu của may mắn nên những ai mang Ruby bên mình sẽ gặp nhiều vận may trong công việc và cuộc sống.
Độ cứng cao: Ruby có độ cứng 9/10, rất cứng nên khó bị trầy xước. Những viên Ruby sau một thời gian sử dụng vẫn giữ được độ thẩm mỹ đẹp vốn có.
Hiệu ứng quang học đặc biệt: Một số viên Ruby có hiệu ứng sao lấp lánh hoặc hiệu ứng mắt mèo. Tuy nhiên hiệu ứng mắt mèo khá hiếm gặp. Nhờ có hiệu ứng quang học đặc biệt mà trang sức Ruby giúp người đeo trở nên lôi cuốn và thu hút mọi ánh nhìn hơn.
5 phương pháp phân biệt Ruby thật – giả
- Ruby thiên nhiên thường có sọc khía nằm theo chiều ngang trên mặt đá. Ngay trên vết vỡ cũng có sọc khía thể hiện rõ nhưng mịn hơn sọc khía ở ngoài tinh thể. Các sọc khía này là dấu vết rất đặc biệt và đặc trưng cho Ruby, có thể làm bí quyết để phân biệt Ruby thật và giả. Ruby tự nhiên thì phải có vết (ẩn dấu hay đường sinh trưởng của đá quý thiên nhiên), vết càng rõ thì càng có khả năng là Ruby thiên nhiên, còn vết mờ, có bong bóng là Ruby xử lý phủ thủy tinh.
- Một điều thú vị và kỳ lạ là ngọc quý Ruby có màu đỏ nhưng màu bột đá rạch (khi ta gọt hay rạch) lại có màu trắng chứ không còn màu đỏ nữa. Điều này các nhà buôn Ruby cũng thường dùng làm bí quyết để thử Ruby thật hay giả.
- Nếu muốn mua Ruby thì bạn cần phải biết một điều: Ruby dù có 6 cạnh hay 3 cạnh, ánh sáng của nó bao giờ cũng gồm 2 tia: khi ta xoay viên ruby thì thấy tia phóng ra màu đỏ sậm còn 1 tia nữa màu đỏ nhạt. Đây là một phép thử thông dụng để nhận biết Ruby thật hay giả và cũng là bí quyết nhà nghề để phân biệt Ruby thật hay Ruby nhân tạo.
- Tất cả hồng ngọc – Ruby trong tự nhiên đều bị lỗi như màu tạp và các tinh thể dạng kim của rutil. Các nhà nghiên cứu đá quý dùng dấu hiệu rutil để phân biệt hồng ngọc tự nhiên và loại tổng hợp hoặc loại có đặc điểm giống như hồng ngọc. Các bao thể dạng lụa của rutil là nguyên nhân gây nên hiệu ứng “sao” trong ruby và saphia.
- Ngâm viên Ruby vào nước để nhìn những tia khúc xạ. Những người sành sỏi về Ruby thường dùng cách này để phân biệt Ruby là thật hay giả. Đây là phương pháp dễ thực hiện nhất và quan sát cũng tiện lợi nhất: lúc này các tia khúc xạ càng thể hiện rõ nét hơn.