Đằng sau mức lương chục triệu của công nhân tại nhà máy Samsung. Vài ngày trước, bài viết “Nhà máy Samsung tại Việt Nam đang khiến người dân như sống trong mơ” được VnReview chuyển ngữ từ bài viết của trang tin tài chính Bloomberg đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía bạn đọc. Đa số không tin câu chuyện “sống sung sướng” của một nữ công nhân nhà máy Samsung Thái Nguyên: ở ký túc xá tiện nghi như khách sạn, thu nhập 470 USD (10 triệu đồng) mỗi tháng. Để rõ thực hư câu chuyện này cũng như giải đáp thắc mắc của độc giả, phóng viên VnReview đã trực tiếp tới nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Sau gần 2 giờ đồng hồ đi xe khách từ Hà Nội, tôi đến tổ hợp công nghệ của Samsung Thái Nguyên đặt tại KCN Yên Bình, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Cách trục đường chính khoảng 3 km và khá xa khu tập trung dân cư, nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) gây choáng ngợp bởi diện tích mặt bằng rộng lớn (lên tới 100 ha) với số lượng lao động dự kiến khoảng 60.000, vốn đầu tư 3,2 tỷ USD (hiện là 2 tỷ USD nhưng Samsung có thể đầu tư thêm 1,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ hai về vi xử lý và mạch tích hợp), đây sẽ là điểm sản xuất thiết bị công nghệ lớn nhất của Samsung trên toàn thế giới. Tuy nhiên tất cả những con số to lớn kể trên có thật sự khiến người dân nơi đây được “đổi đời” hay không thì đó lại là câu chuyện khác.
Nội dung chính:
Mức thu thập
Trong vai ứng viên nộp hồ sơ thi tuyển công nhân (ở Samsung gọi là nhân viên sản xuất), tôi tình cờ tiếp xúc với một nữ công nhân đang trên đường trở về khu ký túc xá. Hoài sinh năm 1994, con út trong một gia đình có 3 chị em, bố mẹ đều là nông dân ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Cô hiện đang trọ cùng với 7 nữ công nhân khác tại một phòng thuộc khu ký túc xá của Samsung. (Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Hoài cho biết, cô vừa đi làm ca đêm về. Hôm nay các chị em trong phòng đều đã đi làm, chỉ có Hoài và cô bạn tên Mai (sinh năm 1990) là được nghỉ tại ký túc xá do được chia việc làm ca đêm. Cả hai đều là những công nhân từng làm việc tại nhà máy Samsung Bắc Ninh nhưng nay được điều chuyển sang SEVT. Hoài hiện là công nhân lắp mainboard cho điện thoại, còn Mai đứng trong dây chuyền lắp các linh kiện khác trên smartphone.
Tiếp tục cuộc nói chuyện, tôi cho biết lý do mình nộp hồ sơ là bởi mức thu nhập hấp dẫn (10 triệu đồng/tháng) và được làm việc trong môi trường không độc hại như nhiều người mách nước. Nhưng tôi lấy làm tò mò bởi mức lương mà công ty niêm yết trên các thông báo tuyển dụng cho vị trí nhân viên sản xuất chỉ là 6,5 triệu đồng/tháng (mức lương cho vị trí kỹ thuật viên là 7,5 triệu đồng/tháng). “Vậy có thực lương công nhân là 10 triệu một tháng không, và những ai có thể có mức lương như vậy?”, tôi hỏi Hoài.
Hoài cho biết, công việc của cô không quá phức tạp nhưng vì đứng trong dây chuyền sản xuất nên sẽ liên tục phải làm một công việc hàng trăm nghìn lần. Con số 6,5 triệu là tổng lương trên lý thuyết cho một công nhân làm đủ 8 tiếng/ngày, không tăng ca (làm việc ca tối, làm việc ngày Thứ bảy, Chủ nhật). Do sống trong ký túc nên công nhân được Samsung hỗ trợ khá nhiều: họ chỉ phải trả 50 ngàn đồng/tháng tiền trọ (không tính tiền điện, nước), mỗi bữa ăn là 10 ngàn đồng… vì thế sau khi trừ các khoản chi (tiền ăn, tiền trọ, tiền điện, tiền bảo hiểm) thì trung bình thu nhập thực tế của công nhân SEVT sẽ dao động trong khoảng từ 4 – hơn 5 triệu đồng/tháng.
Nữ công nhân trẻ kể, cô vẫn còn may mắn hơn nhiều công nhân khác vì được sống trong ký túc và ăn uống trong căng tin. Hiện ký túc đã hết chỗ nên nhiều công nhân vào sau sẽ phải tìm chỗ gần nhà máy để trọ. “Phòng trọ rẻ nhất ở đây là khoảng 1 triệu/tháng, có thể ở ghép 2 người để giảm chi phí. Nhưng nếu ăn uống bên ngoài thì rất tốn kém. Nhà máy ở cách khu chợ, quán ăn khoảng 2 km. Mỗi lần muốn ăn bên ngoài, chúng em đều phải đi xe ôm. Một lượt xe ôm giá 30 ngàn, bữa trưa trung bình từ 25 – 35 ngàn. Tính ra thì mỗi lần đi ăn sẽ tốn gần 100 ngàn. Nếu cả tháng ăn bên ngoài thì tiền lương cũng không đủ trả tiền ăn uống”, cô gái 20 tuổi chia sẻ.
Vì sao chi phí ăn/ở, phí đi lại, phí dịch vụ ở khu công nghiệp Yên Bình lại cao hơn hẳn so với các vùng phụ cận? Đầu tiên, người dân địa phương đã hiểu sai về mức thu nhập của công nhân Samsung Thái Nguyên. Họ vẫn rỉ tai nhau về mức lương trên chục triệu mà những người đứng trong dây chuyền sản xuất điện thoại dễ dàng nhận được. Với tâm lý đó, cánh xe ôm và chủ các quán ăn cho rằng việc “chặt chém” là điều hết sức bình thường và cần phải được áp dụng triệt để.
Nhưng có lẽ họ không hình dung ra quá trình người công nhân làm việc để nhận được mức thu nhập “trong mơ” 470 USD (gần 10 triệu đồng) như trường hợp của chị Nguyễn Thanh Hải trong bài viết Nhà máy Samsung tại Việt Nam đang khiến người dân “sống trong mơ”. Theo Hoài, trong trường hợp công nhân làm thêm ca tối, ca đêm (150% ngày công), hai ngày cuối tuần (200% ngày công) và các ngày nghỉ lễ (300% ngày công), với tần suất trung bình 12 giờ làm việc/ngày thì mức thu nhập có thể lên tới 9-10 triệu đồng. Tuy nhiên,”ngay cả các công nhân nam cũng không đủ sức “cày cuốc” chứ huống hồ là các lao động nữ”, Hoài cho biết.
Quy định về công việc
Một ngày làm công nhân ở nhà máy Samsung Thái Nguyên diễn ra trong một quy trình khép kín. Mỗi ngày các nữ công nhân thường thức dậy từ lúc 7h sáng để làm vệ sinh cá nhân. Ăn điểm tâm lúc 7h30 rồi tập hợp đến chỗ làm để 8h bắt đầu công việc. Giữa các ca làm việc công nhân được nghỉ 20 phút. Thời gian để họ ăn và nghỉ trưa là 50 phút, được tính và chia thành các phiên từ 12h – 12h20 tùy từng bộ phận. Hoài cho biết quãng thời gian 50 phút bao gồm cả ăn và nghỉ trưa là quá ngắn. Bởi riêng việc xếp hàng chờ lấy đồ ăn đã mất từ 10-15 phút, ăn trưa 10 phút thì thời gian nghỉ ngơi còn lại cũng chẳng được bao nhiêu.
Giờ ăn trưa
Sau thời gian làm việc chiều, nếu không có tăng ca, thì Hoài và bạn bè thường đi mua sắm ở siêu thị tại chỗ, lướt web hoặc gọi điện về quê thăm hỏi bố mẹ. Theo quy định của nhà máy, công nhân được tăng ca cho đủ 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng khi có thiết bị “hot” cần được lắp ráp, Hoài bảo rằng phải tăng từ 14-16 tiếng thì công nhân mới được cho về nghỉ ngơi.
Theo Điều 106 Bộ luật Lao động Việt Nam quy định về giờ làm thêm: “tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; tổng số giờ làm thêm không quá 30 giờ trong 01 tháng và không quá 200 giờ trong 01 năm”, nếu Samsung yêu cầu công nhân làm thêm 14-16 giờ một ngày và liên tục yêu cầu làm thêm trong nhiều ngày thì tổng số giờ làm thêm có thể vượt quá 30 giờ/tháng.
Galaxy S5, Galaxy Note 4 khiến công nhân phải làm tăng ca trong thời gian qua
Điều đáng nói là, công nhân phải làm việc trong nhiều giờ như vậy với một cường độ rất lớn và phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo của nhà máy. Ngay cả việc đi vệ sinh của công nhân cũng được kiểm soát chặt chẽ. Người lao động bị bó buộc chỉ được ra ngoài đi vệ sinh trong một khoảng thời gian nhất định. Thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, số lượng lao động lại lớn nên công nhân chỉ có duy nhất một lựa chọn là ngồi ngủ gục tại chỗ ăn, hiện công ty chưa bố trí được khu nghỉ ngơi riêng biệt cho toàn bộ công nhân trong nhà máy.
Do đặc thù sản xuất, trong giờ làm việc, đa số công nhân phải đứng, không được ngồi bởi có camera theo dõi. Nếu họ mắc lỗi hoặc làm sai một công đoạn thì sẽ bị mắng chửi thậm tệ, nặng hơn là bị trừ lương. Do phải làm liên tục một việc hàng trăm nghìn lần qua nhiều ngày nên đã có không ít trường hợp công nhân bỏ việc vì không chịu nổi cường độ công việc khủng khiếp tại đây.
Ký túc xá tiện nghi
Công trình ký túc xá “tiện nghi hiện đại không khác gì khách sạn” (theo lời kể của nữ công nhân Hải trong bài viết của Bloomberg) nằm phía sau khu công xưởng trông khá sặc sỡ và bề thế với 9 tòa nhà chung cư (8 tòa nhà dành cho nữ, 1 tòa nhà cho công nhân nam). Có lẽ BTV của trang tin tài chính – kinh doanh Bloomberg đã quá phóng bút khi cho rằng ký túc xá của SEVT là môi trường sống lý tưởng như một khách sạn. Khu ký túc xá này được bảo vệ rất nghiêm ngặt với hàng rào cao và lực lượng bảo vệ luôn túc trực 24/24. Nhưng ngay bên ngoài hàng rào cao kia lại là điểm đến của hàng loạt túi nilon, vỏ nước giải khát, túi sữa, hộp đồ ăn… tuy không chất thành đống nhưng lại nằm rải rác gây mất mỹ quan của “khách sạn”.
Mỗi căn phòng trong hệ thống ký túc xá được thiết kế khá đẹp mắt, sạch sẽ nhưng không hẳn là quá tiện nghi. Do khá đông công nhân nên cứ 8 người lại được xếp vào chung một phòng. Căn phòng gần 20 m2 chỉ vừa đủ để kê 4 giường tầng đôi và 8 tủ đồ cá nhân. Không tivi, không mạng internet, nên sau khi trở về từ nhà máy, các nữ công nhân thường nghỉ ngơi, giải trí bằng việc ngồi nói chuyện, đọc báo, chat với bạn rồi đi ngủ.
Việc mất điện, thiếu nước là gây không ít phiền hà cho những công nhân sống trong ký túc xá của nhà máy Samsung Thái Nguyên. Vào những ngày hè nắng nóng, “thảm cảnh” này kéo dài trong vài ngày khiến cuộc sống của những người trong ký túc xá bị đảo lộn. Với 2 năm từng sống trong ký túc xá ở Samsung Bắc Ninh, một nữ công nhân khác tên Bình (sinh năm 1988) cho biết những người chung phòng thường phải chủ động tìm mọi cách tích trữ nước uống khi cần thiết.
Những người sống trong khu ký túc xá “tiện nghi” cũng không ít lần đối mặt với tình trạng ngập úng do vỡ đường ống nước và do… mưa lớn. Và cứ mỗi lần xảy ra sự cố như vậy, trang fanpage được thành lập bởi các công nhân SEVT lại “dậy sóng” với những hình ảnh chứa hàng trăm lượt like và comment.
An ninh trong khu vực ký túc xá luôn được đảm bảo. Nhưng bên ngoài thì lại là câu chuyện khác. Các nữ công nhân rất sợ đi chơi tối, ngay cả khi đi cùng với người yêu. Nguyên nhân là bởi vì xung quanh khu công nghiệp Yên Bình vẫn rất hoang sơ, đến nhà dân còn hiếm chứ nói gì đến các hàng quán, công viên hay các khu vui chơi, giải trí. Nhiều công nhân sống trong ký túc xá cho biết việc đi chơi tối nơi đây khá nguy hiểm bởi đã xảy ra khá nhiều vụ trộm cướp, thậm chí án mạng ở khu vực này.
Một số đánh giá mới nhất mình sưu tập được tại các forum
Review tại 123job.vn
Review tại https://www.balancejob.com/