Sự thật về việc tiêm vắc xin làm trẻ em kém khỏe mạnh- bài của GS-Nguyễn Văn Tuấn gửi đến cả nhà.
Vấn đề chích ngừa ở trẻ em đã từng gây ra nhiều tranh cãi không cần thiết. Những tranh cãi này thường xuất phát từ những nghiên cứu dỏm của những chuyên gia thật. Điển hình là vụ “vaccine gây chứng tự kỉ” của Bs Andrew Wakefield công bố trên Lancet làm cho biết bao nhiêu bà mẹ hoang mang. Bài báo sau này phải bị rút lại và Wakefield bị rút giấy hành nghề. Nhưng tác động tiêu cực của bài báo thì vẫn còn cho đến nay.
Mới đây, lại thêm một bài báo trên một tập san dỏm cũng cho rằng chích ngừa có liên quan đến dị ứng và các rối loạn về tăng trưởng thần kinh (NDD). Tác giả bài báo này là một chuyên gia về dịch tễ học, giữ chức vụ giáo sư tại trường đại học nhỏ có tên là Jackson State University (Mĩ). Bài này cũng bị rút lại 2 lần, nhưng trước khi bị rút xuống nó cũng đã là cái phao cho nhiều người nghi ngờ vaccine có lí do để không chích ngừa cho con mình. Bài viết dưới đây của Bs Thạch giải thích tại sao bài báo này không đáng tin cậy, và giới báo chí tiếng Việt cần phải cẩn thận đưa tin tức liên quan đến y học.
Có thể nói rằng trong y văn có rất nhiều thông tin rác rưởi xuất hiện dưới danh nghĩa “nghiên cứu khoa học”. Trong nhiều trường hợp, phân biệt giữa thật và giả không phải đơn giản, nhất là những bài báo nằm giữa lằn ranh giữa khoa học chính thống và ngụy khoa học. Trong những trường hợp đó, để đánh giá đúng thông tin có khi cần đến người am hiểu về nghiên cứu y khoa, và bài viết dưới đây là của một người trong nghiên cứu y khoa.
===
Nội dung chính:
Có thật chích ngừa làm trẻ em kém khỏe mạnh?
Gần đây có một số “tin đồn” [1,2] lan truyền trên mạng về nguy cơ lâu dài cho những trẻ được chích ngừa. Trong bài này tôi sẽ giải thích rằng đây là một tin đồn nguy hiểm, và công chúng không nên tin vào những thông tin loại này. Chích ngừa là một hình thức bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và giúp trẻ em tăng trưởng đúng tiềm năng.
Những lời đồn đại này xuất phát từ kết quả một “nghiên cứu” của tác giả AR Mawson [3] vừa được xuất bản trên “Journal of Translational Science” vào tháng 4/2017. Một điều rất quan trọng cần phải biết là bài báo này đã bị 2 tập san khoa học rút lại 2 lần. Tập sanFrontiers in Public Health vào năm 2016 [4] và ngày 8/5/2017 từ chính tập san Journal of Translational Science. Đây là 2 tập san được xếp loại “dỏm” hay gần dỏm.
Sau khi đọc kĩ bài báo đó, tôi thấy có quá nhiều sai sót về phương pháp, từ khâu thiết kế, chọn mẫu, thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Với những sai sót về phương pháp thì kết quả cũng chẳng có giá trị khoa học nào để chúng ta quan tâm. Điều này cũng có nghĩa là bài báo không đủ tin cậy để đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng của chích ngừa. Dưới đây, tôi chỉ giải thích vắn tắt những vấn đề của cái gọi là “nghiên cứu” này:
Vấn đề 1: chọn mẫu thiên lệch
Điều bất bình thường đầu tiên là nhóm tác giả chọn những trẻ học tại nhà (homeschooling children) làm đối tượng nghiên cứu. Ở Mỹ, nhóm trẻ học tại nhà, tức không đến trường, là rất ít. Chỉ có 3% trẻ ở Mỹ là học tại nhà. Một điểm quan trọng là những trẻ em học ở nhà thường không muốn chích ngừa.
Nhóm nghiên cứu chọn 131 cơ quan địa phương quản lý trẻ học tại nhà (local homeschool organizations) tại 4 bang (Florida (84 cơ quan), Louisiana (18), Mississippi (12) và Oregon (17)). Nghiên cứu đã thu thập được tổng cộng 415 bảng trả lời với thông tin của 666 trẻ trong suốt 3 tháng tiến hành, tức là tính trung bình chỉ thu thập được 3 bảng trả lời (hay chỉ 5 trẻ) tại một địa phương.
Do đó, mẫu nghiên cứu được chọn để nhằm tăng số trẻ em không chích ngừa, và ngay cả trong số này thì số trả lời cũng rất thấp. Với cách chọn mẫu thiên lệch như vậy, rõ ràng là kết quả này không thể ứng dụng được cho trẻ 6-12 tuổi học tại nhà ở Mỹ, chứ chưa nói gì đến cho trẻ em cùng tuổi ở Mỹ (như tác giả đặt tựa cho bài báo của minh) và các nước khác vốn có những đặc điểm rất khác biệt so với nhóm trẻ được chọn “thuận tiện” vào nghiên cứu này.
Vấn đề 2: thông tin thu thập theo định hướng tiêu cực
Bảng câu hỏi bắt đầu bằng những thông tin có định hướng bao gồm những câu hỏi mang thông tin tiêu cực phản ánh định kiến của nhóm nghiên cứu. Ví dụ ngay trong lời giới thiệu nhóm nghiên cứu đã bỏ qua rất nhiều nghiên cứu công phu và viết rằng:
“Nghiên cứu này quan tâm đến một vấn đề sức khỏe rất quan trọng, đó là liệu chích ngừa có liên quan đến tình trạng sức khỏe lâu dài của con bạn không. Dù chích ngừa được đánh giá là một phát kiến vĩ đại trong y học nhưng những ảnh hưởng lâu dài của chích ngừa lên sức khỏe còn chưa được biết đến”.
Ngoài ra, do đây là một dạng đánh giá trực tuyến với bản hỏi được xây dựng “thuận tiện” bằng các câu hỏi đóng chỉ cho phép trả lời có/không, người trả lời buộc lòng phải chọn lựa trả lời nào gần đúng hơn. Trong những tình huống chưa rõ ràng, những định hướng tiêu cực như vậy sẽ làm tăng khả năng người phỏng vấn chọn câu trả lời tiêu cực về ảnh hưởng của chích ngừa.
Vấn đề 3: thông tin thu thập không kiểm chứng và thiên lệch theo hướng có lợi cho định kiến của người nghiên cứu
Tất cả các thông tin thu thập được là do người mẹ tự trả lời và nhóm nghiên cứu không hề kiểm tra mức độ chính xác của thông tin. Nhóm nghiên cứu khuyến khích người mẹ sử dụng sổ chích ngừa của con khi trả lời câu hỏi nhưng họ không thực hiện những biện pháp để thúc đẩy người mẹ buộc phải sử dụng thông tin trong sổ chích ngừa để có thể hoàn tất câu hỏi. Thực tế họ lại loại bỏ những thông tin, ví dụ ngày chích ngừa mà người mẹ không thể trả lời được nếu không có sổ chích ngừa của con với lý do để “thuận tiện” và “tránh báo cáo sai”. Tôi không tin có nhà nghiên cứu nào lại đặt thuận tiện trong thu thập thông tin quan trọng hơn độ tin cậy của thông tin trừ khi họ có chủ ý riêng.
Kết quả trẻ chủng ngừa có nhiều bệnh hơn có thể đơn giản là do trẻ được chích ngừa đến khám bác sĩ nhiều lần hơn và do đó có nhiều cơ hội để phát hiện các tình trạng bất thường về sức khỏe hơn. Ngược lại trẻ không chích ngừa có nhiều bệnh lý không phát hiện ra do không đi khám chứ không nhất thiết là ít có bệnh hơn. Ngoài ra do thông tin về mức độ nặng của bệnh không được thu thập và trẻ không chích ngừa ít đi khám bệnh hơn, vẫn có khả năng là trẻ không chích ngừa mắc phải bệnh ở giai đoạn nặng hơn dù “số lượng” bệnh là ít hơn trẻ được chích ngừa.
Vấn đề 4: phân tích theo định hướng của nghiên cứu viên và nhà tài trợ
Nhóm nghiên cứu không giải thích lý do tại sao phương thức phân tích thay đổi so với dự tính ban đầu. Như trình bày trong phần phương pháp nghiên cứu, chích ngừa sẽ được phân tích dưới dạng ba nhóm: không chích ngừa, chích ngừa một phần và chích ngừa hoàn toàn. Điều này hoàn toàn hợp lý với mục tiêu phân tích để thấy được “những ảnh hưởng lâu dài của chích ngừa sẽ rõ ràng hơn trong nhóm chích ngừa hoàn toàn so với nhóm chích một phần, và sẽ ít (hay không gặp) trong nhóm không chích ngừa”. Với cách chọn mẫu thuận tiện, mẫu nghiên cứu bao gồm 30% trẻ chích ngừa hoàn toàn, 31% chích một phần và 39% không chích ngừa, vốn hoàn toàn đủ cho phân tích đã lên kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên ngoại trừ trong phân tích mô tả, nghiên cứu đã gộp cả nhóm chích ngừa đủ và chích một phần thành một nhóm duy nhất mà không có bất kỳ một lời giải thích nào về sự thay đổi này.
Người đọc có quyền nghi ngờ đây là chỉ dấu của một dạng thiên lệch (confirmation bias) khi người phân tích (đồng thời cũng là người xây dựng đề cương và tiến hành nghiên cứu) cố gắng “ép” kết quả phân tích ra theo định kiến ban đầu của bản thân và thuận lợi cho nhà tài trợ. Nói như Coase R “Nếu bạn tra tấn số liệu đủ lâu bạn sẽ có được kết quả minh mong muốn” (If you torture the data long enough, it will confess to anything).
Ngoài ra ảnh hưởng của sinh non lên mối quan hệ giữa chích ngừa và rối loạn phát triển thần kinh chưa được giải quyết rõ ràng trong phân tích. Dù phải công nhận là “sinh non được đánh giá là yếu tố quan trọng dẫn đến rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ” và” không thể đánh giá ảnh hưởng riêng biệt của sinh non và chích ngừa” lên bệnh lý của trẻ, nhưng nhóm tác giả vẫn “mạnh dạn” khẳng định “chích ngừa là yếu tố góp phần gây bệnh”.
Vấn đề 5: tổ chức tài trợ
Nghiên cứu này được hai tổ chức chống lại chích ngừa cho trẻ em tài trợ. Đó là Generation Recue Inc. và the Children’s Medical Safety Research Institute. Thực tế tổ chức Age of Autism thậm chí tiến hành những chương trình kêu gọi tài trợ cho nghiên cứu này5 với kinh phí lên đến nửa triệu USD. Tôi thật sự không hiểu một đánh giá trực tuyến đơn giản với chỉ 415 bảng câu hỏi thu thập được lại cần đến một kinh phí cao đến như vậy. Tương tự như vấn đề về ảnh hưởng bất lợi của công ty thuốc trong các nghiên cứu khoa học được họ tài trợ, người đọc cũng cần cảnh giác với những ảnh hưởng của nhà tài trợ trong kết quả nghiên cứu này.
Vấn đề 6: lịch sử xuất bản
Nghiên cứu này có một lịch sử xuất bản khá đặc biệt. Bài báo được xuất hiện lần đầu trên tạp chí Frontiers in Public Health [4] vào năm 2016 sau khi được một chuyên gia về vật lý trị liệu (chiropractor) vốn không có kinh nghiệm gì về dịch tể học, bệnh rối loạn thần kinh và chích ngừa “bình duyệt”. Ngay khi vừa xuất bản tập san đã phải trấn an “bài báo này mới chỉ được chấp nhận trên nguyên tắc chứ chưa thật sự được xuất bản” (the article was provisionally accepted but not published). Kết quả là bài báo được rút lại sau đó chỉ vài ngày.
Đến tháng 3/2017 bài báo được gửi lại cho tạp chí Journal of Translational Science và được đăng trực tuyến chỉ trong vòng 1 tháng tính từ ngày gửi (ngày gửi: 22/3/2017, ngày đăng: 24/4/2017). Không có thông tin gì về bình duyệt và chỉnh sửa sau bình duyệt dù tạp chí này khẳng định là có hệ thống bình duyệt. Tại chính tạp chí Journal of Translational Science, bài báo này bị rút lại một lần vào ngày 8/5/2017 và sau đó xuất hiện lại vào ngày 18/5/2017.
Cần chú ý là cả hai tạp chí này đều bị xếp vào dạng tạp chí dỏm (predatory journals) [6]và số đầu tiên của tạp chí Journal of Translational Science mới ra mắt vào tháng 7/2015.
Với những sai sót và thiên lệch trong tất cả các qui trình nghiên cứu bao gồm chọn mẫu thiên lệch, thu thập thông tin không kiểm chứng và phân tích số liệu có chủ ý, rõ ràng kết quả của công trình “nghiên cứu” của Mawson hoàn toàn không đủ độ tin cậy để đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng của chích ngừa lên sức khỏe của trẻ tại Hoa Kỳ và các nước khác. Những vấn đề liên quan đến cơ quan tài trợ và lịch sử xuất bản của bài báo này là những chỉ dấu để người đọc cần thận trọng hơn.
Tôi nghĩ rằng các nhà báo Việt Nam cần tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm của nguồn tin và tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia trong ngành nhằm tránh truyền đạt cho công chúng những thông tin sai lệch vốn có thể đưa đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bài báo này, tốt nhất chỉ nên được xem như một ví dụ mà bất cứ nhà nghiên cứu nào không được làm nếu muốn công trình nghiên cứu của mình được chấp thuận trên một tạp chí có bình duyệt. Các bạn có thể chọn một trong các nghiên cứu bất kỳ trong danh sách tài liệu tham khảo của nghiên cứu này (ví dụ hai công trình gần đây đều không cho thấy mối liên quan giữa chích ngừa và bệnh tự kỷ [7-8]) sẽ thấy rõ khác biệt cả về hình thức và nội dung so với bài báo của Mawson.
====
[1] http://trithucvn.net/suc-khoe/nghien-cuu-tre-em-khong-tiem-phong-co-the-khoe-manh-hon-tre-duoc-tiem.html [2] http://info.cmsri.org/the-driven-researcher-blog/vaccinated-vs.-unvaccinated-guess-who-is-sicker [3] http://www.oatext.com/Pilot-comparative-study-on-the-health-of-vaccinated-and-unvaccinated-6-to-12-year-old-U-S-children.php [4] http://newamericannews.com/wp-content/uploads/2017/02/MAWSON-STUDY.pdf [5] http://archive.is/Nz5XR [6] http://wayback.archive.org/web/20170103170850/https://scholarlyoa.com/publishers/ [7] http://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2275444 [8] http://pediatrics.aappublications.org/content/early/2010/09/13/peds.2010-0309GS. Nguyễn Văn Tuấn là một nhà khoa học lớn của thế giới và là một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực. Hiện nay, ông là là giáo sư y khoa tại Khoa Y, Đại học New South Wales, Sydney, Australia. Ông còn là thành viên của Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu y tế và y khoa, và lãnh đạo một chương trình nghiên cứu về loãng xương tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Bệnh viện St Vincent’s. Ông là một nhà khoa học nổi tiếng trong thế giới loãng xương quốc tế, qua những đóng góp cho chuyên ngành và hội đoàn chuyên môn. Ông đã công bố trên 200 công trình khoa học trên các tập san danh tiếng trên thế giới như New England Journal of Medicine, JAMA, Annals of Internal Medicine, British Medical Journal, Lancet, Nature, Nature Genetics, Nature Review Endocrinology, JBMR, JCEM. Tổng số trích dẫn của các công trình của ông là trên 15,000 (tính đến ngày 28/2/2013). Tính trung bình, chỉ số trích dẫn là 66, với 40 công trình có trên 100 trích dẫn, 5 công trình >500 trích dẫn, và chỉ số H là 65. Hầu hết các công trình của ông thuộc loại SCI (theo phân loại của ISI), được xếp hạng nhất theo Quy định số 584/2013/TĐT-QĐTT về Tiêu chuẩn đánh giá công bố khoa học quốc tế của Trường đại học Tôn Đức Thắng; và nhiều công trình được xếp hạng ngoại hạng theo Quy định số 584/2013/TĐT-QĐTT. Có thể xem thêm về công bố khoa học của ông trên Google Scholar.