Những thay đổi mới nhất trong luật cán bộ công chức hiện nay- hay gặp trong đề thi- cần nhớ để ôn thi công chức 2019 cho chuẩn. Luật Cán bộ, công chức và những nội dung đáng chú ý nhất 2018. Cuối năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức và sắp xếp những vấn đề liên quan đến nhân sự trong bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ đời sống nhân dân. Dưới dây, LuatVietnam đã tổng hợp 9 điểm nổi bật, đáng chú ý của Luật Cán bộ, công chức mới nhất.
Nội dung chính:
1. Cán bộ, công chức khác nhau thế nào?
Cán bộ và công chức là hai khái niệm thường gặp nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Theo Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ và công chức được giải thích như sau:
– Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh và cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; thuộc Công an nhân dân và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước…
2. Chế độ tập sự của công chức
Đối tượng phải thực hiện chế độ tập sự:
Theo nội dung Điều 40 Luật Cán bộ, công chức 2008 và cụ thể hơn tại Điều 20 Nghị định 24/2010/NĐ-CP thì người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Một số trường hợp quy định tại Điều 12 Thông tư 13/2010/TT-BNV được miễn thực hiện chế độ tập sự như: Đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự; trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng.
Thời gian tập sự:
– 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C; 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D;
– Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội và thời gian nghỉ ốm đau, bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
Chế độ lương trong thời gian tập sự:
– Người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng;
– Ngừời tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng;
– Người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.
3. Lương của cán bộ, công chức
Theo quy định tại Điều 12 của Luật Cán bộ, công chức, cán bộ, công chức được hưởng lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu làm việc ở những vùng, ngành đặc thù còn được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo từng vùng, ngành nghề cụ thể.
Bên cạnh đó, CBCC còn được hưởng tiền làm thêm giờ, làm đêm, công tác phí và các chế độ khác như chế độ thai sản, ốm đau, tử tuất… Đặc biệt, gần đây Chính phủ đã chính thức thông qua Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở mới theo hướng tăng mức lương đối với CBCC, viên chức và lực lượng vũ trang.
4. Đánh giá cán bộ, công chức
Đánh giá cán bộ, công chức là quy định mới của Luật Cán bộ, công chức mà Pháp lệnh Cán bộ, công chức chưa quy định. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ; bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác. Về nguyên tắc, thủ tục cũng như thẩm quyền đánh giá và phân loại cán bộ, công chức hàng năm được quy định chi tiết tại Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BNV.
Trong đó, riêng việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, quản lý không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
5. Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức
CBCC là những người trực tiếp làm việc với nhân dân, vừa đảm bảo sự vận hành thông suốt của nền hành chính nhà nước vừa là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân. Do đó, thái độ của CBCC khi làm việc với người dân phải đúng mực, phù hợp với Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan và tạo niềm tin, uy tín với nhân dân.
Tuy nhiên, thái độ và phong cách làm việc của những người ở “cửa quan” vẫn còn lắm những nhiêu khê khiến cho người dân phải “cảm thán”. Bám sát với thực tế cuộc sống, Luật Cán bộ, công chức đã quy định về văn hóa ứng xử của CBCC tại Điều 17 làm tiêu chuẩn để CBCC tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình trong quá trình làm việc với nhân dân.
Theo đó, CBCC khi tiếp xúc làm việc với nhân dân phải có thái độ đúng mực, lịch sự, khiêm tốn và không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.
6. Giáng chức với công chức
Điểm d Khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức bổ sung thêm hình thức kỷ luật “giáng chức” so với Pháp lệnh Cán bộ, công chức 1998. Theo đó, giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn.
Tại Điều 12 Nghị định 34/2011/NĐ-CP có giải thích cụ thể về việc áp dụng hình thức giáng chức như sau:
Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi:
– Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
– Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật;
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
7. Những điều cấm đối với cán bộ, công chức
Mỗi ngành nghề đều có những quy định đặc thù về những điều mà người làm trong ngành nghề đó không được làm. Đối với CBCC, những điều cấm này đã được luật hóa tại Điều 18 và 19 của Luật Cán bộ, công chức. Đó là những quy định liên quan đến đạo đức công vụ và bí mật nhà nước mà CBCC cần hết sức lưu ý để không vi phạm.
Theo đó, CBCC không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ; không được sử dụng trái pháp luật tài sản của Nhà nước và nhân dân; không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi và không được phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, tôn giáo dưới mọi hình thức. Đặc biệt, nghiêm cấm CBCC tiết lộ bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, tại Điều 20 Luật CBCC cũng nêu rõ, CBCC không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng.
8. Về thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức
Thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức quy định tại Điều 66 Luật Cán bộ, công chức. Trong việc thực hiện quản lý cán bộ, công chức, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chức. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018, Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, dừng việc giao bổ sung biên chế. Theo đó, nhiều đối tượng có nguy cơ bị tinh giản biên chế trong năm 2018, đặc biệt, đẩy mạnh tinh giản biên chế ngành giáo dục.
9. Về chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức hiện tại là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật vẫn cho phép cán bộ, công chức được nghỉ hưu trước tuổi. Nếu đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì cán bộ, công chức nghỉ hưu “non” vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng.Thủ tục nghỉ hưu đối với cán bộ công chức được quy định chi tiết tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP.
Nguồn: Luật Việt Nam