10 câu hỏi lý thuyết chọn lọc môn kiến thức chung (lưu hành nội bộ)- ôn thi công chức thuế vòng 2- kho bạc nhà nước

10 câu hỏi lý thuyết chọn lọc môn kiến thức chung (lưu hành nội bộ)- ôn thi công chức thuế vòng 2- kho bạc nhà nước. Đây là tài liệu hay do PGS.TS Hoài – (dạy hay) – biên soạn và chia sẻ tới mọi người. Tài liệu update mới nhất hiện nay ôn thi kho bạc- công chức thuế 2019

Câu 1: Theo anh (chị) để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cần phải làm gì?

Nội dung đáp án
1. Để tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương cần phải:
– Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp.
– Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
– Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
2. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới:
– Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ.
– Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước.
– Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
– Tổng kết việc thực hiện “nhất thể hoá” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp. Thực hiện bầu cử, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo theo hướng cấp trưởng giới thiệu cấp phó để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 

Câu  2: Anh (chị) hiểu thế nào là nền công vụ?

Nội dung đáp án
Khái niệm: Nền công vụ là một hệ thống gồm tất cả công vụ và các điều kiện (quyền lực pháp lý) để cho công vụ được tiến hành.
– Hệ thống pháp luật quy định các hoạt động của các cơ quan thực thi công vụ (cơ quan thực thi quyền hành pháp). Hệ thống này bao gồm Hiến pháp, các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác do các cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền ban hành.
– Hệ thống văn bản pháp quy quy định cách thức tiến hành công vụ (thủ tục, quy tắc, quy chế, điều kiện) do Chính phủ hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ban hành.
– Công chức – hạt nhân của nền công vụ – chủ thể tiến hành các công vụ cụ thể
– Công sở – nơi tổ chức tiến hành các công vụ
 

Câu 3: Anh (chị) hiểu thế nào là công vụ?

Nội dung đáp án
Khái niệm:  Công vụ là một yếu tố quan trọng của nền hành chính quốc gia. Nó bao gồm các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, để thi hành luật pháp, đưa pháp luật vào đời sống và để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người, tài sản và ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển mọi mặt đời sống xã hội của đất nước.
Khác với các loại hoạt động thông thường khác, công vụ là hoạt động dựa trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước. Nó được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước và nhằm sử dụng quyền lực đó để thực hiện các nhiệm vụ quản lý của nhà nước. Hoạt động công vụ là hoạt động có tổ chức và tuân thủ những quy chế bắt buộc, theo trật tự có tính chất thứ bậc chặt chẽ thủ tục, chính quy và liên tục
Công vụ là một loại lao động xã hội, là công việc nhà nước (hoạt động nhà nước) mang tính tổ chức, quyền lực – pháp lý được thực thi bởi đội ngũ công chức hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền nhằm bảo đảm thực hiện các chức năng của nhà nước trong quá trình quản lý các mặt hoạt động của đời sống xã hội và mang tính phục vụ xã hội, phục vụ công dân. Công vụ trong hành chính nhà nước là một bộ phận của công vụ nói chung
   Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực công, tính  pháp lý của tất cả các công chức (người làm công cho Nhà nước) nhằm bảo đảm cho xã hội vận hành có điều hoà, điều chỉnh
   Hoạt động công vụ của công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định pháp luật khác có liên quan

 Câu 4: Anh (chị) hãy trình bày nghĩa vụ của công chức ?

Nội dung đáp án
1. Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân
 + Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
  + Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân
 + Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
    + Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước
  2. Trong thi hành công vụ.
+ Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao
+ Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước
+ Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
+ Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ trên, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của công chức
+ Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
 

Câu 5: Theo anh (chị) làm gì để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay?

Nội dung đáp án
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
+ Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
+ Tiếp tục đổi mới chế độ tuyển dụng công chức. Đổi mới cơ chế quản lý, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ công chức hành chính.
+ Thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác.
+ Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
+ Tăng cường thanh tra công vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là những nơi có nhiều mối quan hệ đến quyền, lợi ích của công dân và doanh nghiệp.

 

Câu 6: Theo anh (chị) để tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình hiện nay cần phải làm gì?

Nội dung đáp án
– Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
– Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh CCHC phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.
– Nghiên cứu phân cấp, quy định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp Nhà nước. Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ.
– Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định
– Cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí
– Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Xây dựng chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân
– Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn vinh những tấm gương liêm chính. Tổng kết, đánh giá cơ chế và mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có chủ trương, giải pháp phù hợp
– Coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động viên phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng
 

 Câu 7: Anh (chị) hãy trình bày công chức và nghĩa vụ của công chức?

 
Nội dung đáp án
1. Công chức
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Căn cứ xác định công chức (Điều 2, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP, ngày 25/01/2010: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định (tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP).
2. Nghĩa vụ của công chức
 – Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân:
+ Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
+ Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
+  Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
+ Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
– Trong thi hành công vụ:
+ Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
+ Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
+ Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ trên, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của công chức
+ Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức;Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
 


 Câu 8: Anh (chị) hãy trình bày quyền lợi của công chức và những việc công chức không được làm?
Nội dung đáp án
1. Quyền lợi của công chức
– Quyền lợi của công chức được xác định bằng pháp luật trên cơ sở thống nhất, bình đẳng, công khai. Quyền lợi của công chức là những gì công chức được nhận từ Nhà nước và đó chính là nghĩa vụ Nhà nước phải thi hành.
– Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.
– Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.
– Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
– Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.
– Được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
– Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
– Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
– Được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Những việc công chức không được làm
– Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
– Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
– Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
– Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
– Không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
– Ngoài những việc không được làm quy định trên, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền
 

Câu 9: Quản lý và đánh giá  công chức phải dựa trên những tiêu chí nào?

Nội dung đáp án
1. Quản lý cán bộ công chức
– Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công chức;
– Xây dựng kế hoạch, quy hoạch công chức;
– Quy định ngạch, chức danh, mã số công chức; mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức;
– Xác định số lượng và quản lý biên chế công chức;
– Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng công chức;
– Tổ chức thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức;
– Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức;
– Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức;
– Thực hiện chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức;
– Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và quản lý hồ sơ công chức;
– Thanh tra, kiểm tra việc thi hành quy định của pháp luật về công chức
– Chỉ đạo, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chức. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công chức. Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân công, phân cấp của Chính phủ. Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý công chức theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chính phủ
 
2. Đánh giá   công chức
Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Đánh giá công chức cần phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo khách quan, công bằng; Gắn với tiêu chuẩn chức danh; Dựa vào kết quả thực thi công vụ; Gắn liền với các hình thức xử lý kỷ luật hoặc khen thưởng.
Công chức nói chung được đánh giá theo các nội dung sau:
– Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
– Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
– Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
– Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
– Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
– Thái độ phục vụ nhân dân
Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được phân loại đánh giá theo các mức:
– Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
– Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;
– Không hoàn thành nhiệm vụ.

Câu 10: Chuyển ngạch và nâng ngạch công chức là gì?

 
Nội dung đáp án
Chuyển ngạch và nâng ngạch công chức
Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Thực hiện chuyển ngạch công chức khi công chức thay đổi vị trí việc làm hoặc theo quy định phải chuyển đổi vị trí công tác mà ngạch công chức đang giữ không phù hợp với yêu cầu ngạch công chức của vị trí việc làm mới.
Công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn thì có thể được nâng ngạch. Việc nâng ngạch cho công chức phải thông qua kỳ thi nâng ngạch theo quy định.
 

Có thể bạn quan tâm:

1 thoughts on “10 câu hỏi lý thuyết chọn lọc môn kiến thức chung (lưu hành nội bộ)- ôn thi công chức thuế vòng 2- kho bạc nhà nước

  1. Pingback: sig 320

Leave a Reply

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);