Có thể thi tuyển công chức nhiều nơi hay không ? Hiện nay, tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển và xét tuyển. Vậy liệu rằng một người có được thi tuyển công chức ở nhiều nơi hoặc nhiều vị trí không?
Nội dung chính:
Có được thi tuyển công chức ở nhiều nơi không?
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện hành, công chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển trừ một số trường hợp thì được tuyển dụng qua xét tuyển. Qua đó để chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Trong khi đó, Điều 36 Luật này quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức có nêu rõ, những đối tượng không được đăng ký dự tuyển công chức gồm:
– Người không cư trú tại Việt Nam;
– Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích;
– Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Như vậy, có thể thấy, quy định này không cấm một người đăng ký dự thi công chức ở nhiều nơi cũng như nếu đang làm công chức thì cũng không bị cấm đăng ký thi công chức ở vị trí khác hoặc ở địa phương khác miễn chỉ cần đáp ứng điều kiện của vị trí tuyển dụng:
– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
– Đủ 18 tuổi trở lên;
– Có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng;
– Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
– Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ…
Kết quả thi công chức không được bảo lưu cho lần thi sau?
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP, thi tuyển công chức được thực hiện theo 02 vòng:
1/ Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính các môn kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học với thời gian lần lượt là 60 phút, 30 phút và 30 phút.
Nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên của từng phần thi thì người dự tuyển sẽ được thi tiếp vòng 2.
2/ Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. Trong vòng này, người dự thi sẽ thi kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Hình thức thi vòng này là phỏng vấn hoặc thi viết.
Thang điểm để chấm là 100 điểm và nếu thi bằng hình thức phỏng vấn thì không thực hiện phúc khảo.
Sau khi thi vòng 2, cơ quan tuyển dụng sẽ chọn người có số điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng gồm điểm thi vòng 2 (đạt từ 50 điểm trở lên) cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Nếu có 02 người trở lên có kết quả bằng nhau và chỉ cần tuyển 01 vị trí thì sẽ chọn người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn. Nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan tuyển dụng sẽ quyết định.
Đặc biệt, về việc bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi lần sau, khoản 3 Điều 11 Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP nêu rõ:
“Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau”
Kết luận
Nói tóm lại, theo quy định hiện hành, một người vẫn được dự thi công chức ở nhiều nơi và nếu không trúng tuyển thì kết quả thi tuyển sẽ không được bảo lưu cho lần thi sau.