Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Một số nội dung về nghị quyết trung ương 4 khóa xi về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”
Nội dung chính:
Lý do Trung ương ban hành Nghị quyết:
(1). Vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc được rút ra trong suốt quá trình cách mạng hơn 80 năm của Đảng, đồng thời cũng là lý luận khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đảng, nhiều nước trên thế giới. Trong Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Đây là vấn đề trước kia đã như vậy, hiện nay như vậy, và sau này cũng như vậy.
(2). Yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng là nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề và rất khó khăn. Nhiệm vụ đó đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
(3). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh những mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy, bản thân Đảng cũng còn nhiều khuyết điểm, yếu kém chậm được khắc phục. Cụ thể là:
– Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đất nước phát triển kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế, thực tế đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường XHCN, dao động, thiếu niềm tin; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí còn phụ hoạ với những quan điểm sai trái; không còn ý thức hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, không làm tròn chức trách, bổn phận được giao; sống ích kỷ, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; tình trạng bè phái, cục bộ, mất đoàn kết và phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Tình hình đó đã làm xói mòn và suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.
– Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là ở cấp Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được chỉ đạo và xây dựng một cách cơ bản nên dẫn đến tình trạng hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ.
– Việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng không được chặt chẽ và còn bị vi phạm, đã dẫn đến tình trạng không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân. Do đó, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho các việc làm tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Những khuyết điểm, yếu kém của công tác xây dựng Đảng nêu trên: xét về tính chất là nghiêm trọng, kéo dài; về phạm vi là tương đối phổ biến ở các cấp, các ngành; về xu hướng là diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được; về hậu quả là làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng; làm suy giảm uy tín, vai trò, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Những khuyết điểm đó, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của Đảng và chế độ.
(4). Sự chống phá điên cuồng, quyết liệt của các thế lực thù địch, bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” rất tinh vi, thâm độc và xảo quyệt. Mục tiêu của chúng là làm cho nội bộ Đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và cuối cùng là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Như vậy, trong bối cảnh và tình hình nêu trên, nếu Đảng không giữ vững được bản chất cách mạng và khoa học của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì Đảng không thể đứng vững và đủ sức để lãnh đạo đưa đất nước đi lên.
Nội dung, mục tiêu và phương châm thực hiện Nghị quyết
2.1. Nội dung Nghị quyết: Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng tình hình Đảng và công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 3 vấn đề cấp bách nhất của công tác xây dựng Đảng hiện nay là: (1). Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2). Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3). Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong 3 vấn đề trên, Nghị quyết xác định vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
2.2. Mục tiêu của Nghị quyết:
Tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
2.3. Phương châm tiến hành:
(1). Phải nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém, không nể nang, né tránh và đề ra các giải pháp sửa chữa khuyết điểm. Những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm nhưng tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa thì có thể xem xét, giảm nhẹ hoặc không xử lý với phương châm “trị bệnh cứu người”; những người có khuyết điểm nhưng không tự giác, thành khẩn thì phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của Điều lệ Đảng.
(2). Phải có các giải pháp đồng bộ, khả thi và tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp “chống để xây” và “xây để chống”; thực hiện nói đi đôi với làm; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất;
(3). Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích, gây rối nội bộ.
Giải pháp thực hiện Nghị quyết
Để giải quyết 03 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng nêu trên, Nghị quyết Trung ương đề ra 04 nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện là:
(1). Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên;
(2). Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng;
(3). Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách;
(4). Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Trong 04 Nhóm giải pháp trên, thì nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kết quả thực hiện Nghị quyết.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm