nên học neu hay ftu: Đừng chọn trường Ngoại Thương nếu … là một bài viết khá hay được Robin chia sẻ. Mình xin share lại để mọi người chọn trường cùng với Kinh Tế Quốc Dân, Học viện Tài chính, hoặc Ngân Hàng. Sau chuỗi ngày mòn mỏi chờ điểm, 97-ers đang vô cùng phân vân trước việc chọn trường, chọn nguyện vọng. Trước khi đặt bút viết cái tên “Ngoại thương” vào hồ sơ, hi vọng các em đã chắc chắn với sự lựa chọn của mình. Bởi đừng chọn Ngoại thương nếu…
Nội dung chính:
1, Nếu em đã tìm thấy đam mê
Đừng nghĩ rằng em sẽ có cảm giác thích thú như nhau khi đứng giữa giảng đường Bách khoa, Kiến trúc hay Ngoại thương. Em chỉ có thể giỏi thứ mà mình thích cũng như nhận được thành công xứng đáng ở thứ mà em giỏi. Tin vào việc mình sẽ làm tốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc đắn đo xem đó có phải trường top đầu hay không.
Hãy để bố mẹ em biết rằng thành công của người khác ở môi trường này vốn không đảm bảo cho thành công của em. Cảm giác chán nản, lạc lõng cũng sẽ giày vò em chứ không phải bố mẹ.
Đam mê kỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc… thường bộc lộ khá rõ ràng khi em còn học phổ thông. Nhưng nếu em chưa tìm thấy đam mê thì kinh tế và Ngoại thương sẽ là những lựa chọn không tồi. FTU-ers làm truyền thông, làm nhà văn hay dấn thân vào showbiz… đó đều là nhờ môi trường “mở”, năng động và không ngại thử thách.
Sự tự do, lối sống “dám nghĩ dám làm” của cộng đồng chắc chắn sẽ thúc đẩy em làm được những điều bản thân chưa từng nghĩ đến. Đó là điều tuyệt vời nhất em sẽ nhận được ở FTU.
2, Nếu em yêu thích học thuật
… thì hãy chọn Kinh tế Quốc dân thay vì FTU. Có một điều khá “đau lòng” đó là mặt bằng kiến thức của sinh viên Ngoại thương sau khi ra trường thường không được đánh giá cao bằng sinh viên nhiều trường kinh tế khác.
So với KTQD, chúng ta thua hẳn về số lượng giáo sư tiến sỹ, số lượng công trình nghiên cứu (Liệu sự chênh lệch số lượng sinh viên có khỏa lấp hết điểm khác biệt này?) Ngành Tài chính ngân hàng của FTU dĩ nhiên không “chính quy” như sinh viên Học viện Ngân hàng, Học viện tài chính. Ngay cả chuyên ngành mũi nhọn là Kinh tế Đối ngoại cũng bị những “người trong cuộc” nhận xét là dàn trải, dạy rất rộng nhưng “mỗi thứ một tý thành ra chả biết rõ cái nào”.
Nhưng chính hiểu biết rộng từ việc được học “mỗi thứ một tý “sẽ cho em nhiều cơ hội tìm kiếm đam mê của mình hơn. Quá trình đi làm cũng sẽ không huy động toàn bộ lý thuyết mà em nhận được từ sách vở.
Chính con người em – thứ được rèn luyện từ môi trường đại học – sẽ quyết định thành công của em. Quan trọng hơn, nếu em ưa thích nghiên cứu chuyên sâu, Internet và các nguồn tài liệu từ thư viện sẽ luôn chờ đón em tự tìm tòi.
3, Nếu em “kiêu”
Hầu như FTU-ers đều là những “ngôi sao” từ trường cấp 3. Cái mác Ngoại thương với điểm đầu vào cao chót vót và thương hiệu năng động khiến nhiều sinh viên lầm tưởng: “Mình là FTU-ers và mình cũng sẽ xuất sắc như vậy”.
Trên thực tế, giáo trình giảng dạy ở các trường đại học là như nhau và như đã nói thì xét về kiến thức chuyên ngành, FTU không được đánh giá cao như nhiều trường đại học khác. Những vụ lùm xùm về cái mác “kiêu chảnh” sẽ gây bất lợi cho em trước nhiều nhà tuyển dụng. Vì vậy hãy xác định mình sẽ phải liên tục cố gắng và tự rèn luyện ở môi trường này.
Vào Ngoại thương, các cuộc thi rầm rộ từ các CLB sẽ cho em rất nhiều cơ hội để tỏa sáng. Đừng ngại ngần nắm bắt cơ hội để chứng tỏ bản thân mình, tuy vậy cũng đừng vội ngủ quên trên chiến thắng.
4, Nếu em không tự vượt qua được chính mình
Em sẽ shock khi những ngày đầu năm nhất bị bao vây giữa một rừng dân chuyên, giải quốc gia, những bạn nữ quá xinh, quá tài năng và cả ngoại ngữ cứ “vèo vèo”. GPA của em có thể không cao, sẽ có một lúc nào đó em cảm thấy lạc lõng giữa môi trường, em tự hỏi liệu mình có chọn nhầm ngành, nhầm trường, hoặc tại sao bản thân lại không xuất sắc và nhiều thành tích như những người khác.
Hãy đến và khám phá FTU theo cách của riêng em!
Nhưng rồi ai cũng sẽ tìm được con đường thành công của riêng mình. Nếu em muốn mình xinh đẹp, hãy đọc về mỹ phẩm và học cách yêu bản thân mình. Nếu em muốn trở nên nổi trội, hãy cống hiến hết mình ở một vài CLB và tham gia vào những cuộc thi rầm rộ trong trường.
Hãy học thêm Photoshop, ngoại ngữ, đọc về Copywriting, SEO… để tự hoàn thiện hiểu biết của chính mình. Đừng “không làm gì cả” và nghĩ rằng “mình không hòa hợp với môi trường”.
Nguồn: Robin.
Một tâm sự khác:
1 người trẻ ảo vọng rằng Ngoại Thương là đích đến, đâu ngờ rằng nó chỉ là trạm dừng. Cái đích mới quan trọng chứ trạm dừng nó mãi mãi chỉ là trạm dừng thôi. Ngoại Thương hay bất kì trường chuyên lớp chọn nào khác không làm cho em trở thành ngôi sao.
Vài năm khi ra trường người ta nhìn cái xe em đi, nhìn cái nhà em ở, nhìn cái chức em làm chứ chẳng ai quan tâm lắm tới em thi được bao nhiêu điểm và học trường nào đâu.