Các di chứng sau cơn đột quỵ khiến người bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào người nhà. Những năm gần đây số lượng người bệnh mắc đột quỵ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa, bởi vậy bạn cần bổ sung kiến thức về loại bệnh này để bảo vệ chính mình và người thân trong gia đình. Cùng ngolongnd tìm hiểu nhé!
Nội dung chính:
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ.
Khi đó, lượng ôxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí gây tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm…
Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
- Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.
Ai dễ có nguy cơ đột quỵ?
Các nhóm đối tượng dễ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường bao gồm:
- Ít vận động, ít tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe;
- Thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá;
- Ít ăn rau xanh nhưng thường xuyên dùng đồ ăn có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao;
- Nam giới và cả phụ nữ khi bước qua tuổi trung niên;
- Gia đình từng có người bị đột quỵ;
- Đang mắc hoặc đang điều trị các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp;
- Người bị tiểu đường;
- Người thừa cân, béo phì.
5 dấu hiệu của đột quỵ
- Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.
- Đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường.
- Đột ngột mất thị lực: Mờ mắt, nhìn không rõ
- Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
Ngoài ra có những triệu chứng ở người bị đột quỵ có thể kể đến như:
- Lẫn lộn, sảng, hôn mê;
- Khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhìn thấy là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể rõ hơn.
- Chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững;
- Đau đầu;
- Buồn nôn, nôn ói,….
Nguyên nhân gây ra đột quỵ
Nguyên nhân chính gây ra đột quỵ được cho là do xơ vữa động mạch. Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, vì vậy mà tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não. Tình trạng tắc nghẽn mạch máu não này có thể xảy ra do cục máu đông. Nó gây nên đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Xơ vữa động mạch khiến cho các cục máu đông dễ dàng hình thành hơn. Đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra nếu tình trạng huyết áp cao của người bệnh không được kiểm soát dẫn tới động mạch bị vỡ.
Sơ cứu tại nhà cho người có dấu hiệu đột quỵ
- Không để người bệnh té và gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn để bảo vệ đường thở và an toàn cho người bệnh.
- Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, phản ứng của bệnh nhân như suy giảm ý thức, nôn mửa…
- Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, đánh gió, châm cứu.
- Không cho bệnh nhân ăn uống vì có thể gây hít sặc chất nôn vào đường hô hấp, tắc đường thở, rất nguy hiểm.
- Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
Phòng tránh bệnh đột quỵ
Giữ huyết áp ở mức ổn định
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ. Để duy trì huyết áp ở mức lý tưởng dưới 135/85 mmHg, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5 g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2-3 phần cá mỗi tuần.
Bên cạnh đó, bạn cần tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo. Người bệnh có thể dùng thêm thuốc ổn định huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
Giữ ấm cơ thể
Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.