Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Vừa qua, một số Cục Thuế thuộc hệ thống Tổng cục Thuế có đề nghị về việc xếp lương đối với công chức mới tuyển dụng qua kỳ thi công chức Tổng cục Thuế năm 2010 đã có thời gian đóng BHXH. Ngày 08/02/2012, Bộ Tài chính có Công văn số 1502/BTC-TCCB về việc xếp ngạch, bậc lương đối với công chức khi được tuyển dụng đã có thời gian đóng BHXH, Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Về đối tượng áp dụng:
Công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần không phân biệt công tác tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các tổ chức đơn vị khác trước khi được tuyển dụng.
2. Về chế độ tập sự đối với công chức mới được tuyển dụng đã có thời gian đóng BHXH thực hiện theo nguyên tắc sau:
Tại Khoản 2 Công văn số 1502/BTC-TCCB ngày 08/02/2012 của Bộ Tài chính nêu trên hướng dẫn: “Những thí sinh trúng tuyển đã có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc, nếu đáp ứng đủ các điều kiện; Đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 24/2010/NĐ-CPtương ứng với ngạch công chức được tuyển dụng. Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, người được tuyển dụng được bố trí làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ theo đúng trình độ chuyên môn của chuyên ngành đã được đào tạo phù hợp với ngạch công chức được tuyển dụng thì được miễn chế độ tập sự”. Theo đó, nguyên tắc xác định thời gian tập sự cụ thể như sau:
Ví dụ 1: Ông Trần Văn A, tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân năm 2006, chuyên ngành kế toán, trúng tuyển vào ngạch chuyên viên. Tính đến thời điểm ông Trần Văn A được tuyển dụng vào ngạch chuyên viên của Tổng cục Thuế, ông Trần Văn A đã có 3 năm đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp xã hội một lần (theo sổ BHXH của ông Trần Văn A có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền). Công việc của ông Trần Văn A trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc là nhân viên kế toán. Như vậy, ông Trần Văn A đáp ứng đủ điều kiện:
– Thời gian đóng BHXH bắt buộc là 03 năm (lớn hơn thời gian tập sự của ngạch chuyên viên theo quy định là 01 năm).
– Công việc trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của ông Trần Văn A phù hợp với trình độ chuyên môn của chuyên ngành đã được đào tạo: chuyên ngành kế toán; đồng thời, phù hợp với chuyên ngành ngạch công chức được tuyển dụng, nên ông Trần Văn A được xác định miễn chế độ tập sự.
Ví dụ 2: Bà Lê Thị B, tốt nghiệp Viện đại học Mở, trình độ cao đẳng, chuyên ngành kế toán. Bà Lê Thị B trúng tuyển vào vào ngạch cán sự và kiểm thu viên thuế kỳ thi tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2010. Tính đến thời điểm bà Lê Thị B được tuyển dụng vào cơ quan Thuế, bà Lê Thị B đã có 5 năm đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp xã hội một lần (theo sổ BHXH của bà Lê Thị B có xác nhận của cơ quan cơ quan thẩm quyền). Công việc của bà Lê Thị B trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc là nhân viên lễ tân. Như vậy, bà Lê Thị B không đáp ứng đủ 2 điều kiện, cụ thể như sau:
– Thời gian đóng BHXH bắt buộc là 05 năm (lớn hơn thời gian tập sự của ngạch tuyển dụng cán sự và tương đương theo quy định là 06 tháng).
– Công việc trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của bà Lê Thị B là nhân viên lễ tân không phù hợp với trình độ chuyên môn của chuyên ngành đã được đào tạo: chuyên ngành kế toán; đồng thời, không phù hợp với chuyên ngành ngạch công chức được tuyển dụng, nên bà Lê Thị B không được miễn chế độ tập sự.
3. Về việc xếp ngạch, bậc lương đối với công chức khi được tuyển dụng đã có thời gian đóng BHXH:
a) Nguyên tắc xếp ngạch, bậc lương:
Tại Điểm b, Khoản 1 Công văn số 1502/BTC-TCCB ngày 08/02/2012 của Bộ Tài chính nêu trên hướng dẫn: “b. Cách thức xếp ngạch, bậc lương: Căn cứ quy định tại tiết a, b điểm 10, mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, việc xếp lương cho các đối tượng đã nêu tại mục a được thực hiện theo nguyên tắc: Công chức được tuyển dụng vào ngạch nào thì xếp lương vào ngạch đó; việc chuyển xếp lương vào ngạch công chức được căn cứ vào thời gian công tác có đóng BHXH (trừ thời gian tập sự theo quy định đối với ngạch tương ứng) để xếp vào bậc lương trong ngạch, cách tính như sau:
– Đối với ngạch chuyên viên và tương đương: Tính từ bậc 1 của ngạch tuyển dụng, cứ sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng), nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn, được xếp xếp lên 1 bậc lương trong ngạch tuyển dụng. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong ngạch công chức, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng thì số tháng này được tính vào thời gian giữ bậc cũ để xét nâng bậc lương lần sau.
– Đối với ngạch Cán sự và tương đương: Tính từ bậc 1 của ngạch tuyển dụng, cứ sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng), nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn, được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch tuyển dụng. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong ngạch công chức, nếu có số tháng chưa đủ 24 tháng thì số tháng này được tính vào thời gian giữ bậc cũ để xét nâng bậc lương lần sau”.
Theo đó, nguyên tắc xếp lương đối với công chức khi được tuyển dụng đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc, cách thức xếp ngạch, bậc lương như sau:
– Thí sinh trúng tuyển vào ngạch nào thì phải được xếp lương vào ngạch đã trúng tuyển. Trường hợp đang hưởng ngạch, bậc lương khác với ngạch, bậc lương được trúng tuyển phù hợp với vị trí tuyển dụng thì đơn vị xếp lương lại theo quy định.
– Căn cứ xác định xếp lại bậc lương là thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, chưa hưởng chế độ BHXH, trừ thời gian tập sự theo quy định đối với ngạch tuyển dụng (1 năm đối với ngạch chuyên viên và tương đương; 06 tháng đối với ngạch cán sự và tương đương). Sau đó, xác định bậc lương theo nguyên tắc như Công văn số1502/BTC-TCCB ngày 08/02/2012 nêu trên hướng dẫn.
b) Nguyên tắc xác định thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc làm căn cứ xếp lại bậc lương:
– Trường hợp đã có bằng Đại học trở lên (đối với ngạch chuyên viên và tương đương) hoặc có bằng Trung cấp trở lên (đối với ngạch cán sự và tương đương) trước khi tham gia đóng BHXH bắt buộc thì tính từ ngày tham gia BHXH bắt buộc, nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn, trừ đi thời gian tập sự theo quy định đối với ngạch tương ứng.
– Trường hợp trong thời gian tham gia đóng BHXH bắt buộc mới có bằng Đại học trở lên (đối với ngạch chuyên viên và tương đương) hoặc có bằng Trung cấp trở lên (đối với ngạch cán sự và tương đương) thì tính từ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc tương ứng với trình độ đào tạo phù hợp với ngạch tuyển dụng, nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn, trừ đi thời gian tập sự theo quy định đối với ngạch tương ứng.
c) Xác định bậc lương khởi điểm:
– Đối với ngạch chuyên viên và tương đương: bắt đầu tính từ bậc 1 đối với trường hợp trình độ Đại học, bậc 2 đối với trường hợp trình độ Thạc sĩ, bậc 3 đối với trường hợp trình độ Tiến sĩ.
– Đối với ngạch cán sự và tương đương: bắt đầu tính từ bậc 1 đối với tất cả các trường hợp.
Ví dụ 3: Bà Nguyễn Thị C, tốt nghiệp đại học Ngoại Thương tháng 01 năm 2006, trúng tuyển vào ngạch chuyên viên và kiểm tra viên thuế kỳ thi tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2010. Tính đến 01/09/2011, khi bà Nguyễn Thị C trúng tuyển và nhận việc vào Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị C đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc từ tháng 01/7/2006 đến 01/9/2011 (chưa nhận được trợ cấp BHXH một lần) là 5 năm 2 tháng và được xác định miễn tập sự. Theo hướng dẫn tại Điểm b, Mục 3 Công văn này, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc làm căn cứ xếp lại bậc lương của bà Nguyễn Thị C là 4 năm 2 tháng (trừ thời gian tập sự theo quy định đối với ngạch chuyên viên và tương đương là 1 năm), nên bà Nguyễn Thị C được bổ nhiệm ngạch chuyên viên, mã ngạch 01.003, hưởng lương bậc 2, hệ số lương 2,67. Thời gian để tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/7/2010.
Ví dụ 4: Ông Trần Ngọc D, là nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp cổ phần, tốt nghiệp đại học Thương mại tháng 6 năm 2008, trúng tuyển vào ngạch 2010. Tính đến ngày 01/09/2011, khi ông Trần Ngọc D trúng tuyển và nhận việc vào Tổng cục Thuế, ông Trần Ngọc D có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc từ tháng 02/2006 đến tháng 01/09/2011 (chưa nhận trợ cấp BHXH một lần) là 5 năm 7 tháng, cụ thể như sau:
– Từ tháng 02/2006 đến tháng 06/2008: làm công việc ở trình độ cao đẳng;
– Từ tháng 7/2008 – đến tháng 01/09/2011: sau khi tốt nghiệp đại học, làm công việc ở trình độ Đại học;
Như vậy, trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc ông Trần Ngọc D làm công việc phù hợp với trình độ đào tạo của ngạch tuyển dụng (trình độ Đại học) chỉ là 3 năm 3 tháng. Theo hướng dẫn tại Điểm b, Mục 3 Công văn này, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc làm căn cứ xếp lại bậc lương của ông Trần Ngọc D là 2 năm 3 tháng (trừ thời gian tập sự theo quy định đối với ngạch chuyên viên và tương đương là 1 năm).
Theo hướng dẫn tại Công văn số 1502/BTC-TCCB ngày 08/02/2012 nêu trên, ông Trần Ngọc D được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên, mã ngạch 01.003, hưởng lương bậc 1, hệ số lương 2.34. Thời gian để tính nâng bậc lương lần sau kể từ ngày 01/6/2009.
Lưu ý khi thực hiện: Tất cả các trường hợp áp dụng cách xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hướng dẫn tại Công văn này được tính thống nhất kể từ ngày ký quyết định xếp lại bậc lương và không tính truy lĩnh tiền lương, không tính đóng bảo hiểm xã hội phần chênh lệch giữa kết quả xếp lại lương.
Căn cứ quy định, hướng dẫn nêu trên và theo phân cấp quản lý công chức của Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khi thực hiện xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội trong phạm vi quản lý của đơn vị.
Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế triển khai thực hiện.
Nơi nhận:- Như trên;
– Lưu: VT, TCCB.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Bùi Văn Nam