Người sếp đầu tiên trong đời bạn rất quan trọng! Đó là người thầy trường đời đầu tiên!

Người sếp đầu tiên trong đời bạn rất quan trọng! Đó là người thầy trường đời đầu tiên!. Qua một câu chuyên trên báo Đại Kỉ Nguyên của bạn Mai:
“Mai đi làm chỗ khác cũng giống như ta gả một đứa con gái đi xa vậy. Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào muốn quay về, công ty cũng luôn mở rộng cửa chào đón Mai”. Cuộc sống đưa con người đến rồi lại đi thật vô tình, nhưng nghe được những lời này của ông cũng khiến tôi thấy lòng mình ấm áp…

Sự rộng lượng và nhẫn nại của sếp mở đầu cho mối nhân duyên gần chục năm giữa chúng tôi

Còn nhớ gần chục năm về trước, ngày ấy chúng tôi háo hức đến trường nhận tấm bằng cử nhân và chụp ảnh kỷ yếu. Cầm tấm bằng trong tay, thấy lòng mình thật lạ, vừa hạnh phúc nao nao, chuẩn bị bước vào một hành trình mới; vừa lo lắng, ngơ ngác trước trường đời lạ lẫm. Rời xa vòng tay thân yêu của thầy cô, rời xa sự ấm áp của bè bạn, mỗi người rẽ sang mỗi ngả. Bất giác trong lòng thấy trống trải, như có một điều gì đó đang đổ vỡ trong tôi. Một chút sợ hãi len lỏi: Lại chuẩn bị hành trình tìm việc rồi!

Tính tôi vốn nhút nhát, lại cả nghĩ, trong lòng cứ bần thần, ngổn ngang trăm mối tơ vò. Vừa hay có cô bạn giới thiệu một ông sếp người Đài Loan đang tìm phiên dịch nhưng không ở trong nội thành, mà ở khu công nghiệp khá xa. Lúc ấy trong đầu tôi chỉ là một khoảng trống, cô bạn thân cười cười bảo tôi: “Cậu đi làm không? Mình gọi giúp cậu nhé?”. Tôi đang phân vân chưa biết phải trả lời ra sao thì cô ấy đã nhanh tay nhấc điện thoại lên. Tôi nghe thấy tiếng “A lô” ở đầu bên kia. Cô bạn nhanh chóng đưa điện thoại cho tôi. Tôi luống cuống trả lời: “Chào ông!”. Ông ấy nói một thôi một hồi nhưng tôi nghe như gió thoảng qua tai, chỉ bập bõm nghe được thông tin đại khái là công ty ông ấy ở một khu công nghiệp ở Bắc Ninh và hẹn ngày xuống phỏng vấn.

 

Mai đến công ty phỏng vấn và thực sự ấn tượng với tính cách phóng khoáng và sự tốt tính của ông chủ.
“Ý, Bắc Ninh là nơi thấm đẫm tình người. Trong nội thành phố xá lúc nào cũng đông đúc, ồn ào và bụi bặm. Không khí ở đó chắc trong lành và thanh bình hơn. Hay mình thử xuống đó vài năm nhỉ? Thử cảm giác xa nhà xem thế nào!”. Bỗng nhiên tôi thấy thú vị và tôi muốn đi phỏng vấn thử xem thế nào. “Ông sếp này cũng có vẻ tốt tính đấy nhỉ? Mình nghe không rõ hỏi lại ông ấy mấy lần mà ông ấy không giận, vẫn hồ hởi như vậy”.

Một tuần sau tôi đã có mặt và trò truyện với ông một lúc. Ông phải nói từ từ tôi mới hiểu ông đang nói gì, hễ tăng tốc độ là tôi lại ngơ ngác. Ông vui vẻ hẹn tôi tuần sau nữa tới làm việc và hỏi tôi có mang theo sơ yếu lý lịch không? Lúc này tôi mới chợt nhớ mình chẳng mang theo hồ sơ gì cả. Mới ra trường cảm giác như mọi thứ đều thật mới lạ, tôi cứ ngô nghê như một đứa trẻ. Nhưng ông ấy cũng không phàn nàn hay khó chịu gì, chỉ vui vẻ bảo tôi nhanh chóng sắp xếp thời gian tới công ty làm việc. Tôi thực sự ấn tượng với tính cách phóng khoáng và sự tốt tính của ông.

Sếp im lặng bảo vệ và nhẫn nại chờ đợi tôi trưởng thành trong công việc

Hai tháng đầu thử việc thi thoảng tôi mới gặp sếp ở văn phòng, vì đa phần sếp tôi đi suốt. Tôi phát hiện ra khả năng nghe của mình không ổn lắm. Mỗi khi nói chuyện với sếp và con trai ông ấy (cũng là người Đài Loan, bằng tuổi tôi) câu cửa miệng của tôi là: “Ông có thể nói lại được không?”. Những lời tôi nói đều đặc sệt mùi văn viết. Những từ khẩu ngữ tôi nghe thấy thật lạ lẫm. Một phần cũng là vì tôi học giọng Bắc Kinh, nhưng sếp tôi lại là người Đài Loan, nói theo một khẩu âm khác. Thời ấy kỹ năng máy tính của tôi cũng không được thành thạo lắm, mọi thứ đều phải học lại từ đầu. Thấy bộ dạng luống cuống và ngô nghê của tôi, chị quản lý cũng phải bực mình than phiền, thậm chí còn lộ vẻ ghét bỏ ra mặt.

Tôi cũng không dám oán trách chị, bởi tôi nghĩ nguyên nhân chính là do mình không biết việc nên gây phiền toái cho chị ấy. Đôi khi tôi thấy thật nản, chỉ muốn chuyển chỗ làm khác. Nhưng tôi chợt nghĩ làm ở đâu thì áp lực cũng như nhau, nếu làm ở đây tôi không trụ được thì làm ở chỗ khác cũng vậy thôi. Vậy nên tôi nhẫn chịu hết thảy những lời trách mắng và lặng lẽ học những kỹ năng công việc cần thiết.

Thi thoảng sếp cũng gọi tôi lên giao một vài việc đơn giản. Công việc khá bận rộn và tôi không giao tiếp với ông được nhiều nên ông cũng ít nói chuyện với tôi. Nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng hiện ra vẻ hiền hòa, đôn hậu. Ông cũng rất ít phàn nàn hay tỏ thái độ không hài lòng về tôi. Đây có lẽ là điều khiến tôi thấy ấm áp và được an ủi nhiều nhất trong khoảng thời gian khó khăn này, trong những bước đi chập chững đầu đời, lơ ngơ ngoài xã hội.

Thế rồi mối quan hệ giữa tôi và chị quản lý bị đẩy lên đến cao trào, khi một lần vợ ông ấy bắt gặp tôi nước mắt lã chã chạy ra ngoài từ phòng ăn. Bà ấy cũng là người Đài Loan nên không hiểu giữa chúng tôi đang xảy ra chuyện gì. Tối hôm ấy con trai bà bắt đầu lân la hỏi han tình hình của tôi và nói chuyện với sếp tôi. Ngày hôm sau một cuộc họp nhỏ nhanh chóng diễn ra, ông ấy không có mặt. Nhưng tôi biết ông ấy là người đứng sau cuộc họp ấy. Từ đó chị quản lý bắt đầu dè chừng và không dám nói năng gì động chạm đến tôi. Tôi không còn phải phập phồng lo sợ bị chị ấy trách mắng nữa, mà chỉ tập trung học thật nhanh những gì cần thiết cho công việc của mình.

Hiểu được lòng tốt của ông chủ, Mai đã cố gắng học tốt những kỹ năng cần thiết trong công việc để giúp ông chủ.
Thật tuyệt là hai tháng sau tôi đã có thể quen với khẩu âm của những người Đài Loan trong văn phòng và nghe hiểu đa phần những gì họ nói. Quả là trời chẳng phụ lòng người, tôi cứ miệt mài với công việc và không ngừng học hỏi, cuối cùng cũng trở thành một trợ thủ đắc lực của ông. Chị quản lý cũng bắt đầu thay đổi thái độ và đối xử với tôi tốt hơn. Tôi bắt đầu hòa nhập với môi trường ở đây và cảm thấy nơi đây rất thân thuộc, gần gũi như mái nhà thứ hai của mình vậy. Giữa đồng nghiệp không có sự bon chen, giành giật hay kết bè, kết phái, nói xấu lẫn nhau, chỉ có sự chan hòa và cùng nỗ lực phối hợp vì công việc chung.

Trong thời gian làm việc ở đây, tôi cũng học được từ ông cách làm việc, cách làm người. Ấn tượng này đã theo tôi đi suốt cả chặng đường sau này. Mỗi lần nhớ tới ông ấy và quãng thời gian làm việc ở công ty cũ, lòng tôi lại dâng lên niềm xúc động và biết ơn đối với ông.

Cách đối nhân xử thế của ông khiến tôi biết cách trân quý mọi người xung quanh mình hơn

Mặc dù tôi là nhân viên của sếp, nhưng mỗi lần sai tôi việc gì ông đều nói rất lịch sự: “Mai, lên đây ta nhờ chút việc!”, hay “Mai có đang bận gì không?”, “Hợp đồng này cần gấp chịu khó vất vả một chút nhé!…”. Không chỉ đối với bản thân tôi, mà với tất cả mọi người trong công ty, từ mấy cô tạp vụ dưới nhà ăn, tới các anh em công nhân trong xưởng ông đều rất thân thiện như vậy. Mỗi năm khi mùa đông đến, ông lại cho người đi kiểm tra và mua thêm chăn đệm cho công nhân ngoài công trường.

Khi gặp mặt nhân viên sếp tôi đều hồ hởi hỏi han trước. Có khi ông gọi to tên người ấy giữa văn phòng, đặc biệt là những anh kỹ thuật làm ở công trình xa lâu ngày mới về. Ông nói tiếng Việt không được nhiều, nhưng mỗi lần nghe cái giọng ngọng líu ngọng lô của ông ấy khi nói tiếng Việt mọi người ai nấy đều thấy rất vui vẻ.

Tôi còn khá ấn tượng khi thấy nhiều lần ông ra ngoài ăn cơm và mang về một bọc xương. Ông ra phía sau xưởng và gọi mấy chú chó ra cho chúng ăn và nhìn chúng với vẻ mặt hiền từ và hứng khởi. Không chỉ bản thân ông mà những người trong gia đình ông đều đối xử với chúng tôi như vậy. Vậy nên bầu không khí trong công ty tôi khá thân thiện và hòa đồng. Đôi khi tôi còn cảm thấy nơi đây như một gia đình lớn của mình vậy.

Mỗi khi công ty có khách ông đều tiếp đón rất niềm nở và nhiệt tình. Ông dạy tôi pha trà, tiếp khách phòng khi ông bận việc. Đa số khách của ông là người nước ngoài, nên ông lo liệu rất chu đáo từ việc ăn ở, đi lại. Khi ông không thể đích thân tiếp đón họ, thì ông giao lại cho tôi đưa đón họ ở sân bay và dẫn họ đi chơi trong nội thành. Lần nào ông cũng dặn dò tôi phải tiếp đãi thật chu đáo. Đôi khi tôi cảm thấy khá lúng túng khi tiếp chuyện với họ. Nhưng sự tin tưởng của ông đã khiến tôi được khích lệ rất nhiều. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là tôi thường nghe được những lời ông khen ngợi tôi từ miệng bạn bè và khách hàng của ông. Họ cũng thường khen tôi nói tiếng Trung thật tốt và cứ ngỡ tôi đi du học nước ngoài về hay học một thầy giáo bản địa nào đó. Tôi chỉ mỉm cười cảm ơn và nói rằng tôi học khẩu ngữ từ sếp của mình.

Nhờ học từ ông chủ mà Mai có thể nói rất tốt tiếng Đài Loan, khiến khách hàng bất ngờ về khả năng nói của mình.
Mỗi lần công ty có người xin nghỉ việc ông lại cho gọi họ lên văn phòng, hỏi han rất ân cần xem công việc hay cuộc sống có vướng mắc gì không. Nếu là vì công việc thì thường mọi người đều bị ông thuyết phục và cảm động trước sự chân thành của ông mà ở lại. Nếu vì ổn định cuộc sống thì ông cũng thực lòng chúc họ gặp may mắn và tìm được công việc tốt hơn. Vậy nên mặc dù mọi người trong công ty đa phần đều đến từ các tỉnh thành trong cả 3 miền đất nước nhưng vẫn gắn bó với công ty khá lâu. Mặc dù ông không chỉ mặt đặt tay chỉ bảo tôi phải hành xử như thế nào, nhưng cách hành xử của ông đã nói lên điều đó sinh động và chân thực nhất.

Niềm đam mê công việc, tinh thần trách nhiệm của sếp cũng truyền cảm hứng cho nhân viên chúng tôi

Sếp thường khuyến khích chúng tôi học hỏi nhiều hơn. Ông thường nói: “Dẫu sau này không làm việc ở đây nữa thì cũng có cơ hội lựa chọn công việc và đãi ngộ tốt hơn”.

Ở đây tôi học được cách phối hợp hết mình trong công việc. Công việc của chúng tôi thường liên quan đến nhiều phòng ban khác nhau và thường làm theo dự án nên phải thật khẩn trương. Chỉ cần sếp đưa ra mục tiêu là các phòng ban chúng tôi từ trên xuống dưới khẩn trương hoàn thành thật nhanh chóng. Thường thì hồ sơ sẽ phải sửa đi sửa lại nhiều lần cho tới khi khách hàng ưng ý mới thôi. Mỗi khi cầm bộ hồ sơ hoàn thiện trên tay trao lại cho sếp, tôi đều cảm thấy rất mãn nguyện với thành quả chung.

Mỗi khi công ty gặp khó khăn, ông đều chia sẻ với chúng tôi và luôn coi chúng tôi như một phần quan trọng của công ty. Cũng chính vì vậy nên mọi người đều làm việc bằng cả trái tim của mình. Chúng tôi coi công ty như ngôi nhà lớn đầy yêu thương và gắn bó. Khi tiếp xúc với rất nhiều cán bộ người Đài Loan sang Việt Nam công tác, tôi mới biết ở Đài Loan việc gắn bó với công ty 10 năm hay vài chục năm, thậm chí cả đời là một chuyện rất đỗi bình thường. Nhân viên làm việc hết mình vì lợi ích chung của công ty, và công ty chăm lo không chỉ đời sống vật chất, mà cả tinh thần cho nhân viên của mình.

Trong quá trình ấy sếp cũng dẫn dắt chúng tôi vượt qua những giới hạn của mình. Có nhiều điều tôi nghĩ rằng mình không thể làm được, nhưng lần nào lên báo cáo sếp cũng bảo: “Thử tìm cách khác xem!”. Điều này đã tạo cho chúng tôi thói quen thay đổi lối mòn suy nghĩ và tìm nhiều cách khác nhau để hoàn thành mục tiêu công việc của mình. Trong công việc ắt sẽ không tránh khỏi những lúc tôi làm việc không tập trung hay hiệu quả kém. Những lúc ấy sếp thường gọi tôi lên nói chuyện, hỏi han xem có phải tôi đang gặp vấn đề gì không, rồi ông phân tích một hồi và bảo tôi quay về suy nghĩ thêm.

Cũng không ít khi ông nổi giận với tôi, nhưng khi rảnh rỗi ông lại ân cần bảo tôi: “Ta biết là làm phiên dịch như ăn cơm quanh nồi ý. Khen thì không đến lượt, mà lại bị chê trách, mắng mỏ thay cho mọi người. Có những khi ta không kiềm được nóng giận, không phải là ta mắng Mai đâu nhé”. Ban đầu nhiều khi tôi cũng cảm thấy thật tủi thân vì toàn phải nghe mắng thay người khác. Nhưng quá trình này lại giúp tôi nhẫn nhịn tốt hơn và suy nghĩ cách giải quyết công việc linh hoạt và điều tiết tốt hơn mối quan hệ giữa sếp và mọi người khi có mâu thuẫn xảy ra.

Ngày tôi xin nghỉ, chuyển về nhà làm việc, mặc dù khá bận, ông vẫn gọi tôi lên dặn dò cẩn thận: “Ta biết là Mai đã quyết định điều gì thì khó lòng có thể thay đổi được nên ta cũng không giữ Mai lại nữa. Mai vừa ra trường đã vào đây làm việc. Mai rất lương thiện, nhưng Mai cần chuẩn bị tâm lý là không phải ở đâu cũng có môi trường làm việc thân thiện như ở đây đâu nhé! Mai phải biết tự bảo vệ bản thân mình. Mai đi làm chỗ khác cũng giống như ta gả một đứa con gái đi xa vậy. Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào muốn quay về, công ty cũng luôn mở rộng cửa chào đón Mai”.

Tôi biết rằng một khi đã cất bước ra đi thì chẳng khi nào còn về làm lại ở công ty sếp nữa, cuộc sống đưa con người đến rồi lại đi thật vô tình. Nhưng nghe được những lời này của ông cũng khiến tôi thấy lòng mình ấm áp.

Sếp đã trở thành người thầy giáo đầu tiên trong trường đời của tôi, dạy tôi cách làm người, dạy tôi cách làm việc. Điều quan trọng nhất là ông luôn khiến tôi cảm thấy tôi đang làm việc vì bồi dưỡng kỹ năng và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của chính mình, chứ không phải chỉ để kiếm tiền lo cho cuộc sống. Ông quả thực giống như một người cha tôn kính trong lòng tôi.

Hiểu Mai

Có thể bạn quan tâm:

Giới thiệu Blog

Cuộc sống - cho đi là còn mãi- chia sẻ và yêu thương!

Chào các bạn- Mình là Ngô Hải Long - Ceo công ty Giải pháp số LBK- Chuyên seo web, quảng cáo Google , Facebook, Zalo và lập trình web wordpress, App (ứng dụng) IOS, Android. Các blog lập ra với mục đích chia sẻ kiến thức cuộc sống, thủ thuật máy tính, việc làm, tài liệu miễn phí. Trong quá trình đội ngũ biên soạn không tránh khỏi thiếu sót hoặc trùng lặp nội dung với các quý blog khác, thành thật xin lỗi nếu có sự cố đó xảy ra - Vậy bạn Vui lòng liên hệ giúp tới ngolonglbk@gmail.com nếu có bất cứ ý kiến, thắc mắc , yêu cầu xóa bài nào! Trân trọng cám ơn các bạn!

Chào mừng các bạn đến với  ngolongnd.net - Blog thư giãn và chia sẻ kiến thức, tài liệu miễn phí! 

Liên hệ quảng cáo- mua back link tại đây

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);