[Chia sẻ] Hành trình 3 năm làm việc trong Startup

[Chia sẻ] Hành trình 3 năm làm việc trong Startup. Mình vừa nộp đơn xin nghỉ sau hơn 3 năm gắn bó với công ty. 3 năm ở đây, mình có cơ hội trải nghiệm nhiều tình huống dở khóc dở cười, trong đó có không ít những bài học đắt giá – phải trả bằng những mối quan hệ, tiền bạc và công sức của cá nhân lẫn tập thể. Bài viết này mình chỉ muốn chia sẻ những bài học làm mình thay đổi tư duy trong thời gian làm việc ở công ty cũ. Hi vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích đối với những bạn mới ra trường.

[Chia sẻ] Hành trình 3 năm làm việc trong Startup
[Chia sẻ] Hành trình 3 năm làm việc trong Startup

1 – Luôn “đứng giữa” mọi câu chuyện được kể trong công ty

Khi mình làm được 6 tháng, công ty bắt đầu có lục đục nội bộ.

Mâu thuẫn xảy ra do sự ức chế của vài thành viên “lớn tuổi” vì chế độ phúc lợi của công ty. Ban đầu chỉ là vài lời vu vơ giữa những người cùng cảnh ngộ, dần dần sự ức chế như một con virus, “lây lan” khắp nơi và làm ảnh hưởng cả những người không liên quan – trong đó có mình.

Những câu chuyện bắt đầu được kể, nội dung cũng từ từ được “nâng cấp” lên: từ than vãn, chuyển sang trách móc, rồi nói xấu và cuối cùng là chửi – tất cả đều nhắm vào anh sếp. Vì mình lúc đó chỉ là một đứa thấp cổ bé họng, nên chỉ biết lắng nghe và gật đầu cho có lệ. Mình chỉ biết tập trung làm việc để nâng cao kĩ năng, không hề có ý nghĩ gì khác. Tuy nhiên, việc phải nghe những lời chê trách mỗi ngày, mình dần bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông. Mình bắt đầu tin những câu chuyện đó, và nghi ngờ sếp mình.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi cả công ty quyết định yêu cầu một cuộc “tranh luận” với sếp để đòi lại công bằng.

Nhưng khi có mặt đông đủ, anh sếp hỏi “Ai muốn đưa ra yêu cầu trước?” thì không một cánh tay nào giơ lên. Mọi người bắt đầu nhìn nhau dò xét, và lúc đó một tiếng nói của người anh “lớn tuổi” vang lên: “Phúc, em có ý kiến gì nói đi kìa”.

Buổi họp kết thúc mà không có ý kiến nào đưa ra, chỉ có những lời nhận xét của anh sếp về thái độ và công việc của mỗi người. Sau vụ đó anh sếp có kêu mình vào nói chuyện riêng. Ảnh biết ai bày đầu và cũng biết mình không có gan để làm chuyện đó.

Từ đó về sau, mình luôn chọn là người đứng giữa mọi chuyện. Đứng giữa, là không từ chối, nhưng cũng không chấp nhận.

2 – Lợi ích công ty > Lợi ích tập thể > Lợi ích cá nhân

Đây là quan điểm của mình một khi mình vẫn còn làm thuê. Trừ khi bạn xác định sau này sẽ làm chủ hoặc làm việc chơi chơi, thì có thể bỏ qua đoạn này.

Quay lại câu chuyện ở trên, người khởi xướng cho “phong trào đòi quyền lợi” là T – một người đã có 2 năm kinh nghiệm về Copywriting và có thể coi là “lão làng” trong công ty lúc bấy giờ. Anh này rất có kỹ năng, nhưng một điểm trừ là ảnh luôn đòi hỏi lợi ích cá nhân trước khi làm bất kì việc gì.

Nếu sếp giao việc mới, thì ảnh sẽ nghĩ ngay “Em làm thêm vậy liệu lương có tăng không?”; đúng 6 giờ là tắt máy về dù công việc chưa giải quyết xong và cần gấp; luôn yêu cầu tăng lương, phúc lợi và thường xuyên so sánh công ty này với công ty khác.

Ngược lại với T là A – một người luôn đặt lợi ích của công ty luôn hàng đầu. Việc nào cũng xung phong làm, không yêu cầu tăng lương hay bất kì quyền lợi gì. Thứ mà bạn nhắm đến là kinh nghiệm và cơ hội phát triển bản thân.

Hai năm sau đó, T với “bề dày” 4 năm kinh nghiệm Copywriting vẫn là nhân viên bình thường với mức lương bảy-con-số. Còn A mặc dù xuất phát điểm chậm hơn, nhưng đã đạt được thành công nhất định và hiển nhiên, thu nhập hơn T x3 lần.

Không chỉ ở công ty cũ của mình, mình còn chứng kiến rất nhiều trường hợp có người sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân của mình để hoàn thành công việc. Và kết quả luôn luôn xứng đáng.

Kể cả khi cố gắng của bạn bị người khác phủ nhận, thì bạn cũng tích lũy cho mình những trải nghiệm đáng nhớ. Mà tuổi trẻ thì có gì quý hơn trải nghiệm đâu?

3 – Đồng nghiệp là đồng nghiệp, không hơn

Kể cả khi bạn và người đó có tâm đầu ý hợp trong công việc đến đâu, mình nghĩ là bạn vẫn nên vạch ra ranh giới.

Sau hơn hai năm làm việc, cuối cùng mình cũng lên được vị trí trưởng phòng (giữa 2019). Lúc đó mình được cấp trên giao quyền tuyển dụng và quản lý một nhóm nhỏ.

Trong quá trình tìm kiếm thành viên cho nhóm, mình có nhận được CV của hai bạn – nữ tên Tr và nam tên Th. Cả hai học cùng ngành và cùng trường ĐH với mình. Chỉ sau một vòng phỏng vấn, mình nhận cả hai bạn. Một phần vì hai bạn giỏi, phần nữa vì có cảm tình từ trước.

Lần đầu được giao toàn quyền quản trị nhân sự, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Và sai lầm của mình là đã quá thân thiết với 2 bạn này.

Mình xem cả hai như em trai em gái trong nhà và tận tâm hướng dẫn hết mình. Chính vì sự nhiệt tình đó mà mình vô tình phạm phải sai lầm. Ngoài chỉ bảo trong công việc, mình còn tin tưởng tâm sự chuyện cá nhân với cả hai, đi nhậu cùng, lập group riêng…

Và rồi cả hai từ từ ỷ lại (đi trễ, trễ deadline thường xuyên, nghỉ nhiều…) và mình cũng “ngại” trách mắng nặng lời vì một chữ “thân”. Cho đến khi công ty gặp khó khăn và quyết định cắt giảm những nhân sự không làm được việc, mình quyết định cho hai bạn nghỉ và chủ động tìm một công việc khác tốt hơn cho Th và Tr.

Tuy nhiên thay vì chấp nhận quyết định của mình và ra đi nhẹ nhàng để sau này còn nhìn mặt nhau, hai bạn lại dùng những chuyện mình từng chia sẻ và chỉ bảo làm thứ chống lại mình. Khi đọc được những tin nhắn đó mình rất choáng, nhưng sau đó cũng xem như một bài học cay đắng vì chung quy lỗi cùng tại mình.

Xong việc là hết, ai về nhà nấy. Cho dù bạn và người đồng nghiệp đó có thân thiết tới đâu, thì cũng nên vạch ra ranh giới và biết cách giữ im lặng đúng lúc. Họa hoằn lắm nếu có nghỉ việc thì lâu lâu gọi nhau ra cà phê vài lần, tới đó rồi thôi.

4 – Không có sếp dở, chỉ là bạn chưa biết họ giỏi chỗ nào

Trở lại khoảng thời gian cuối 2017, đầu 2018, mình lúc này đã có chút kiến thức chuyên môn, đồng thời cũng nhận ra những bất ổn trong việc vận hành của công ty.

Mình bắt đầu cảm thấy khó hiểu với nhiều quyết định của anh sếp (tạm gọi là anh Đ). Tại sao anh không làm cái này; tại sao anh làm vậy; sao anh không làm cái kia… nhưng mình cũng không dám ý kiến, chỉ biết im lặng làm theo.

Khoảng giữa 2018 thì anh Đ nghỉ, một anh khác vào thay. Anh này tên A. Trong thời gian làm việc chung, công việc chính của anh A là lên văn phòng lúc 12g trưa, rủ cả phòng chơi game và về lúc 5g chiều. Lúc đó mình đã nghĩ: “Má, sếp mẹ gì đ’ biết gì cả, lên văn phòng toàn ngồi chơi, chỉ giỏi chém gió”.

Khoảng 1 năm sau thì anh A bị sa thải, mình lên thay. Lúc này mình mới nhận ra là anh A rất giỏi trong việc kết nối mọi người và thuyết phục người khác. Mặc dù trong quá trình làm việc, kết quả anh A không tốt, nhưng không khí trong công ty lúc nào cũng vui vẻ, mọi người thân thiết và cởi mở với nhau hơn; và một cái hay nữa của anh A là rất biết động viên và khen thưởng cấp dưới.

Khi ở vị trí của anh Đ và anh A, mình mới hiểu tại sao hai người lại có quyết định như vậy.

Khi người khác có vị trí cao hơn mình, chắc chắn họ sẽ giỏi hơn mình một thứ gì đó. Và thứ đó là thứ mà công ty – hoặc ít nhất là những người tuyển dụng họ – đang cần (trừ một số trường hợp cá biệt COCC thì không bàn tới).

Vì ức chế với những quyết định của sếp và có cái nhìn phiến diện về chuyên môn của họ, nên mình vô tình phớt lờ mặt tốt của họ. Việc này làm mình mất đi rất nhiều cơ hội để học hỏi, và đó cũng là thứ khiến mình hối hận nhất.

**Tóm lại là: không có sếp nào dở mọi mặt, chỉ là mình chưa đủ trình ngồi ở vị trí của họ để hiểu họ giỏi chỗ nào.**

Kể hết thì chắc thành bài sớ mất, nên mình xin phép dừng ở đây. Hi vọng rằng những bạn chuẩn bị đi làm sẽ không mắc phải những sai lầm giống mình. Cám ơn mọi người vì đã đọc tới đây 😊

FB : Nguyễn Minh Phúc

Có thể bạn quan tâm:

Giới thiệu Blog

Cuộc sống - cho đi là còn mãi- chia sẻ và yêu thương!

Chào các bạn- Mình là Ngô Hải Long - Ceo công ty Giải pháp số LBK- Chuyên seo web, quảng cáo Google , Facebook, Zalo và lập trình web wordpress, App (ứng dụng) IOS, Android. Các blog lập ra với mục đích chia sẻ kiến thức cuộc sống, thủ thuật máy tính, việc làm, tài liệu miễn phí. Trong quá trình đội ngũ biên soạn không tránh khỏi thiếu sót hoặc trùng lặp nội dung với các quý blog khác, thành thật xin lỗi nếu có sự cố đó xảy ra - Vậy bạn Vui lòng liên hệ giúp tới ngolonglbk@gmail.com nếu có bất cứ ý kiến, thắc mắc , yêu cầu xóa bài nào! Trân trọng cám ơn các bạn!

Chào mừng các bạn đến với  ngolongnd.net - Blog thư giãn và chia sẻ kiến thức, tài liệu miễn phí! 

Liên hệ quảng cáo- mua back link tại đây

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);