Kinh nghiệm ôn thi ngân hàng vị trí Hỗ trợ tín dụng. Hỗ trợ tín dụng là vị trí ở bộ phận back, ít tuyển hơn so với QHKH và GDV. Vì thế, việc chuẩn bị tốt cho vòng thi là rất quan trọng nếu muốn nắm bắt được các cơ hội việc làm từ vị trí này.
Đề thi của các ngân hàng hiện nay thường xoay quanh các mảng kiến thức: IQ, Anh văn, EQ (các câu về tình huống, kỹ năng, ứng xử), hiểu biết chung (kiến thức xã hội, hiểu biết về ngân hàng, hệ thống ngân hàng), kiến thức kinh tế chung (vi mô, vĩ mô, lý thuyết tài chính, tài chính tiền tệ, kinh tế công,…), luật (văn bản luật chung của ngân hàng và riêng của từng vị trí), kiến thức nghiệp vụ của vị trí.
Hình thức thi chủ yếu hiện nay là trắc nghiệm toàn bộ. Còn rất ít các ngân hàng có đề thi tự luận. Phần tự luận nếu có thường cũng chỉ có trong đề nghiệp vụ. Phần tự luận trong đề nghiệp vụ nếu có thường dưới hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Với vị trí Hỗ trợ tín dụng, chỉ có Agribank và Eximbank có đề nghiệp vụ tự luận toàn bộ.
Căn cứ vào các mảng kiến thức có trong đề thi hiện nay, kinh nghiệm ôn tập chung nhất với vị trí HTTD như sau:
Nội dung chính:
1. Hiểu biết về vị trí Hỗ trợ Tín dụng
Gì thì gì, đầu tiên cần phải hiểu rõ Vị trí này làm gì, làm ra sao, như thế nào.
Các bạn hoàn toàn có thể đọc trong các bản Mô tả công việc & Yêu cầu công việc trong các tin tuyển dụng của Ngân hàng.
Tuy nhiên, BQT Diễn đàn đã biên soạn lại dễ đọc, và dễ hiểu hơn tại: Hỗ trợ tín dụng là gì? Nghề hỗ trợ tín dụng có thật sự phù hợp với bạn?
2. IQ
Đây là phần có trong đề thi của khoảng 70-80% các ngân hàng. IQ là phần chỉ cần chịu khó luyện là sẽ tăng khả năng tư duy, phản xạ và hướng suy luận. Mỗi ngày dành khoảng 15-30p luyện IQ, sau một thời gian chắc chắn khả năng làm IQ sẽ được cải thiện rõ rệt.
3. Anh văn
Tương tự IQ, Anh văn cũng là phần có trong đề thi của khoảng 70-80% các ngân hàng. TA trong đề HTTD của hầu hết các NH là TA học thuật (ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu,…), rất ít NH có TA chuyên ngành, nếu có cũng chỉ đan xen một vài câu. Đề TA của vị trí HTTD hầu hết ở mức độ cơ bản. Trừ đề TA của Vietcombank được coi là khó hơn hẳn. Vì vậy, kinh nghiệm chung là hệ thống lại các chủ điểm ngữ pháp thông dụng, cải thiện vốn từ vựng và thường xuyên luyện các dạng bài tập trắc nghiệm.
4. EQ
các câu tình huống, kỹ năng, ứng xử: có trong đề thi của một số ngân hàng. Các câu hỏi về EQ thường đa dạng, có thể có trong vòng thi và cả vòng PV. Kinh nghiệm chung là chịu khó sưu tầm, tư duy, quan sát các tình huống thường gặp và tư duy cách trả lời. Thường chọn đáp án có tính tích cực.
5. Hiểu biết chung
Có trong đề thi của một số ngân hàng.
> Với các câu kiến thức xã hội: chịu khó đọc tin tức, làm các bài trắc nghiệm cải thiện vốn kiến thức. Đi thi vận dụng linh hoạt, nhiều câu phải random, thử vận may vì kiến thức ở mảng này là vô cùng.
> Với các câu hiểu biết về ngân hàng, về hệ thống ngân hàng: thường xuyên tìm hiểu thông tin trên website của ngân hàng nộp hồ sơ, đọc tin tức chung về hệ thống NH, về từng ngân hàng để có thêm thông tin, hiểu biết về từng NH và về hệ thống.
Đây là các câu hỏi cũng hay có trong vòng PV của một số ngân hàng hiện nay. Việc ôn thi cũng đồng thời là sự chuẩn bị cho vòng PV.
6. Kiến thức kinh tế chung
Có trong đề thi của nhiều ngân hàng. Việc cần làm là đọc lại giáo trình, slide, kết hợp với làm các câu hỏi trắc nghiệm để ghi nhớ kiến thức đã học.
7. Luật
Rất phổ biến trong đề thi của vị trí HTTD. Vị trí HTTD có một số văn bản luật chung cần trang bị như QHKH
Cần tập trung vào các quy định về Tài sản đảm bảo, đăng ký giáo dịch đảm bảo, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra là một số bộ luật chung như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai.
Bám vào mô tả công việc, yêu cầu công việc của vị trí để tìm hiểu thêm. Chịu khó đọc tin tức, cập nhật những thay đổi trong chính sách điều hành của các CQNN, các văn bản pháp luật mới, thay thế, sửa đổi, bổ sung cho văn bản cũ.
8. Kiến thức nghiệp vụ của vị trí
Đây là phần trọng tâm nhất trong đề thi của hầu hết các ngân hàng. Với HTTD, kiến thức nghiệp vụ nền tảng là các môn NHTM, tín dụng ngân hàng. Ngoài ra là kiến thức về Quản trị rủi ro trong ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp, kế toán ngân hàng và một số mảng kiến thức liên quan.
Các câu nghiệp vụ trong đề của hầu hết các ngân hàng là dưới dạng lý thuyết. Chỉ có một số ngân hàng có phần bài tập như BIDV, LienVietPostBank, ACB, Vietcombank (ít),… Các câu bài tập xoay quanh các dạng tính toán lãi suất, hạn mức tín dụng, chỉ số tài chính, chỉ số thẩm định dự án đầu tư. Thi thoảng có thêm các dạng tính giá cổ phiếu, trái phiếu, lợi suất, chi phí sử dụng vốn bình quân, chiết khấu giấy tờ có giá.
Kinh nghiệm: Ôn bao quát kiến thức, nhớ kiến thức nền tảng cả lý thuyết và bài tập, vận dụng linh hoạt vào một số dạng bài tập.
Ghi chú:
Các phần 4, 5, 6, 7, 8 thường có trong đề nghiệp vụ theo xu hướng đề thi kiến thức nghiệp vụ tổng hợp hiện nay của hầu hết các ngân hàng. Không phải đề thi nghiệp vụ nào cũng có đầy đủ 5 phần này, có thể có một số sự kết hợp nào đấy giữa 5 phần này trong đề nghiệp vụ của một ngân hàng.
Một số ngân hàng vị trí HTTD thi chung đề với QHKH (ví dụ BIDV). Với các NH không chung đề, vẫn có những mảng kiến thức giống nhau, ngoài ra phần nghiệp vụ cũng có nhiều mảng tương đồng.
Chúc các bạn thành công!