Đừng để “già trước khi giàu”! Đây là một vấn đề kinh tế-xã hội lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới khi dân số ngày càng già nhanh nên tôi thấy cần có cái nhìn đúng hơn về vấn đề này với những hiểu biết rõ hơn từ lý thuyết tới thực tiễn. Bằng không, nhìn thực trạng với một quan điểm sai lệch sẽ dẫn tới những chính sách không phù hợp.
Đầu tiên, cần phân biệt người cao tuổi (NCT)/người già với già hoá dân số. NCT bây giờ với NCT tương lai (ví dụ trong 30-40 năm sau) rất khác nhau. NCT hiện nay, đặc biệt những người rất cao tuổi (từ 80 trở lên như nhiều hình ảnh trong các bài viết của phương tiện truyền thông nêu ở trên) là những người trẻ tuổi vào những năm chiến tranh khốc liệt, kinh tế đất nước còn khó khăn nên không có tích luỹ, không có chế độ hưu trí, không có điều kiện chăm sóc sức khoẻ bản thân cũng như học tập nên sức khoẻ yếu, cơ hội việc làm không nhiều… Điều đó khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại, những NCT tương lai (trong vòng vài chục năm tới) lại chính là những người trẻ tuổi bây giờ – thế hệ có nhiều cơ hội hơn về giáo dục, y tế và đời sống cải thiện nhiều.
Như thế, chúng ta có thể hy vọng đời sống của họ cải thiện rất nhiều khi về già. Nghĩa là, những hình ảnh NCT sống chật vật, sức khoẻ yếu sẽ ngày càng ít đi. Số liệu thống kê từ điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy tỷ lệ NCT sống trong nghèo đói giảm gần 7 lần, từ hơn 70% năm 1998 xuống khoảng 11% năm 2014. Như vậy, nếu nói trong tương lai thì tỷ lệ này sẽ còn giảm xuống nhiều nữa khi thu nhập được cải thiện.
Thực chất, cho tới nay, khi nói tới cụm từ “chưa giàu đã già”, học giả quốc tế đều hàm ý chung rằng thu nhập bình quân đầu người của một nước chưa đạt mức cao (giàu) mà dân số nước đó đã bước vào ngưỡng già (chứ không phải là người già không giàu). Cụ thể: khi tỷ lệ NCT (những người từ 65 trở lên) đạt 7% tổng dân số, người ta gọi là “dân số bắt đầu già” (aging), còn đạt 14% tổng dân số thì người ta gọi là “dân số già” (aged). Hiện giờ, Việt Nam có dân số “đang già” vì tỷ lệ người từ 65 tuổi đã chiếm hơn 7% tổng dân số. Tương tự, để phân loại thu nhập các nước, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra các ngưỡng – thường đo bằng GDP bình quân đầu người theo ngang bằng sức mua và giá cố định quốc tế của năm nào đó. Dưới 2.000 USD là thu nhập thấp; 2.000-5.000 USD là thu nhập trung bình thấp; 5.000-10.000 USD là thu nhập trung bình; từ 20.000 USD trở lên mới được coi là cao.
Từ các định nghĩa này, và số liệu năm 2015, báo cáo Các chỉ số phát triển thế giới (WDI) năm 2016 rồi tìm mối quan hệ giữa tỷ lệ dân số cao tuổi với GDP bình quân đầu người thì thấy tình trạng rất khác nhau: chưa giàu đã bắt đầu già (Việt Nam, Trung Quốc); chưa già nhanh nhưng rất giàu (Mỹ); rất/siêu già và giàu (Nhật); chưa quá già nhưng cực giàu (Singapore). Những thách thức còn thể hiện ở quy mô dân số từ 65 tuổi trở lên như Trung Quốc (gần 131 triệu), Việt Nam (gần 7 triệu), Thái Lan (gần 7,2 triệu)….
Theo các tiêu chí này, Việt Nam là nước chưa già nhưng dân số đang già. Nếu thu nhập bình quân đầu người tăng chậm hơn và không vượt được ngưỡng “thu nhập trung bình” thì kịch bản “chưa giàu đã già” không có gì đáng ngạc nhiên!
Cơ cấu dân số của Việt Nam. (Nguồn: giadinh) |
Vậy phải làm gì để tránh tình trạng này? Việt Nam hiện đang có “cơ cấu dân số vàng”, tức là tỷ lệ dân số trong tuổi lao động sẽ tiếp tục tăng và quy mô lực lượng lao động ngày càng lớn. Nếu lực lượng này có kiến thức, kỹ năng và sức khoẻ tốt thì họ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện nhanh thu nhập và cũng như chuẩn bị tốt cho chính họ khi trở thành NCT trong tương lai. Nói cách khác, bản thân mỗi người cần “lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” và Nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có thể làm được việc đó.
PGS. TS. Giang Thanh Long
“Thế giới & Việt Nam”