Đề cương giới thiệu Luật Dự trữ quốc gia- ôn thi Tổng cục dự trữ nhà nước

Đề cương giới thiệu Luật Dự trữ quốc gia- ôn thi Tổng cục dự trữ nhà nước. Nằm trong Series những tài liệu mới ôn thi tổng cục dự trữ quốc gia do mình và Anh Hoàng cùng nhau tập hợp từ thuở sơ khai chưa có gì ( cái này dở cái là mấy năm chưa thi rồi nên giờ không biết ra sao)

Ngày 20 tháng 11 năm 2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật dự trữ Quốc gia (DTQG). Ngày 03 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 24/2012/L-CTN công bố Luật dự trữ quốc gia. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA

1. Khắc phục những hạn chế tồn tại của Pháp lệnh Dữ trữ Quốc gia

Pháp lệnh DTQG được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 khoá XI ngày 29 tháng 4 năm 2004, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2004. Pháp lệnh DTQG được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG. Qua đó, đã khắc phục được tính không đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý DTQG trước đây, tạo điều kiện để công tác quản lý DTQG theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, bí mật, an toàn, chủ động, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác quản lý hoạt động DTQG từ nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, cho đến thực hiện nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, cứu đói, bình ổn giá, phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, giúp Chính phủ chủ động điều hành ổn định tình hình kinh tế – xã hội trong thời gian qua. Hệ thống pháp luật về DTQG đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật chung tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động theo pháp luật; góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, Pháp lệnh đã không theo kịp với những diễn biến thực tiễn của hoạt động DTQG trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp, trong đó các vấn đề chính cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp như sau:
Thứ nhất, khoanh vùng mục tiêu của dự trữ quốc gia quy định tại Pháp lệnh DTQG để tránh dàn trải, đảm bảo hiệu quả của hoạt động DTQG đối với kinh tế-xã hội.
Thứ hai, Pháp lệnh DTQG mới chỉ quy định nguồn lực DTQG hình thành từ Ngân sách Nhà nước; chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động DTQG như: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa DTQG, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản.
 Thứ ba, quy định về bố trí ngân sách chi cho DTQG còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động DTQG và quy trình quản lý ngân sách, cụ thể: kinh phí mua tăng, mua bù hàng DTQG hàng năm được bố trí từ chi đầu tư phát triển nhưng không làm tăng cơ sở vật chất; toàn bộ quy trình cấp phát, sử dụng và quyết toán áp dụng giống như chi thường xuyên. Việc bố trí vốn mua hàng DTQG trong chi đầu tư phát triển chưa tạo được sự linh hoạt trong điều hành sử dụng ngân sách, thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các khâu trong quy trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, cơ chế quản lý, điều hành quỹ DTQG còn một số bất cập, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm, cụ thể như sau:
Phương thức mua, bán chưa đảm bảo tính kịp thời, gây khó khăn trong thực hiện việc luân phiên đổi hàng DTQG hàng năm. Một số phương thức mua, bán hàng DTQG có tính đặc thù quy định tại Pháp lệnh DTQG ban hành năm 2004 không phù hợp với Luật Đấu thầu ban hành sau (năm 2005) và có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định các trường hợp mua hàng phải đấu thầu. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong mua hàng DTQG, các Bộ, ngành đã phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tạm thời áp dụng phương thức mua khác để thực hiện.

2. Khắc phục những quy định chưa đồng bộ với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hoạt động dự trữ quốc gia trong điều kiện mới

Một số quy định tại Pháp lệnh DTQG không còn phù hợp với quy định của luật khác mới ban hành như: quy định về phương thức mua hàng DTQG chưa đồng bộ với quy định của Luật Đấu thầu; các quy định về quản lý hàng DTQG đối với doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại; một số quy định về quản lý tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm, thời hạn bảo quản hàng DTQG không còn phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật… Những tồn tại này không thể giải quyết được bằng Pháp lệnh mà cần phải được nghiên cứu, quy định dưới hình thức pháp lý cao hơn.
Để đáp ứng những yêu cầu trên, cần phải đổi mới và thể hiện cơ chế quản lý dự trữ quốc gia bằng Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý trong quá trình áp dụng; luật hóa đầy đủ, đúng đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của Nhà nước về: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ nhà nước; xây dựng lực lượng dự trữ nhà nước vững mạnh với cơ cấu hợp lý, có khả năng chủ động tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai và những biến cố bất thường xảy ra.”

3. Bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả

Để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các quốc gia trong đó có Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức to lớn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, thảm họa môi trường, những nguy cơ tiềm ẩn về khủng bố quốc tế, tranh chấp lãnh thổ và xung đột chính trị trên thế giới…, đe dọa đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần phải hình thành DTQG đủ mạnh, tổ chức quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, minh bạch, đúng đối tượng và tiết kiệm chi phí trong chỉ đạo điều hành phối hợp ứng cứu, bảo vệ người dân, tài sản và môi trường.
Từ thực tiễn quản lý, điều hành dự trữ quốc gia thời gian qua cho thấy hoạt động DTQG mang tính đặc thù về mức độ khó khăn trong tác nghiệp, yêu cầu khẩn trương, có lúc gặp nguy hiểm, gần giống với hoạt động an ninh, quốc phòng, do đó cần phải có cơ chế quản lý thích ứng và đồng bộ từ tổ chức bộ máy, con người, phương thức thực hiện để bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực DTQG của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả. Những vấn đề trên cần phải được luật hóa.
Vì những lý do nêu trên, ban hành Luật DTQG để thay thế Pháp lệnh DTQG là cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA

1. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật

Việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau:
Một là, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện được tính đặc thù của hệ thống DTQG, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, từng bước thực hiện được mục tiêu, định hướng về phát triển DTQG phục vụ đường lối, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong giai đoạn mới.
Hai là, kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định của Pháp lệnh DTQG vẫn còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khắc phục được những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam và sự hài hoà giữa các quy định của pháp luật liên quan, nhưng vẫn tôn trọng đặc thù của DTQG.
Ba là, góp phần bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, tình hình kinh tế – chính trị – xã hội trong nước và quốc tế trong những năm tới. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật về DTQG ở các nước, vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

2. Mục tiêu xây dựng Luật DTQG

1. Bảo đảm hoạt động DTQG giữ vững và phát huy vai trò quan trọng trong việc chủ động đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Nhà nước trong mọi tình huống.
2. Tạo cơ chế hình thành, quản lý, điều hành, sử dụng đúng mục đích, đối tượng, đúng quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi phí; bí mật, an toàn.nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
3. Phân công, phân cấp quản lý DTQG đảm bảo rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giữa trung ương và địa phương; giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng, quản lý, điều hành, sử dụng DTQG.
4. Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong một số hoạt động DTQG như: đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật, quản lý, bảo quản, bảo vệ tài sản, nghiên cứu khoa học.
 5. Hiện đại hóa công nghệ quản lý, bảo quản, nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng công nghệ bảo quản, công nghệ tin học tiên tiến của các nước trong khu vực, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế – xã hội của Việt Nam nhằm bảo đảm chất lượng hàng DTQG.

III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DTQG

1. Bố cục của Luật:

Luật DTQG bao gồm 6 Chương và 66 Điều.
– Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 22 Điều (từ Điều 1 đến Điều 22) quy định về phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Mục tiêu của dự trữ quốc gia; Giải thích từ ngữ; Chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia; Nguồn hình thành dự trữ quốc gia; Nguyên tắc quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia; Tổ chức dự trữ quốc gia; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác dự trữ quốc gia; Nội dung quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; Thanh tra chuyên ngành về dự trữ quốc gia; Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính; Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách; Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự trữ quốc gia; Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản; Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia; Các hành vi bị cấm.
– Chương II: Chiến lược, kế hoạch DTQG
Chương này gồm 5 Điều (từ Điều 23 đến Điều 27) quy định về Chiến lược DTQG; Kế hoạch DTQG; Tổng mức DTQG; Phương thức DTQG; Danh mục hàng DTQG
– Chương III: Ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia
 Chương này gồm 5 Điều (từ Điều 28 đến Điều 32) quy định về Ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia; Ngân sách nhà nước chi cho mua hàng dự trữ quốc gia; Ngân sách nhà nước chi cho đầu tư xây dựng cơ bản của dự trữ quốc gia; Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động quản lý dự trữ quốc gia; Cơ chế tài chính; chế độ kế toán, kiểm toán; chế độ thống kê, báo cáo về dự trữ quốc gia
– Chương IV: Quản lý, điều hành DTQG. Chương này gồm 5 Mục và 25 Điều (từ Điều 33 đến Điều 57). Cụ thể:
+ Mục 1: Nhập, xuất hàng DTQG
 Mục này quy định về nguyên tắc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; Các trường hợp nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách; Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo kế hoạch, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia; Điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia; Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp khác.
+ Mục 2: Mua, bán hàng DTQG
 Mục này quy định về phương thức mua hàng dự trữ quốc gia; Mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Điều kiện chỉ định thầu; Mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng; Phương thức bán hàng dự trữ quốc gia; Bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; Bán chỉ định, bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng; Thanh lý hàng dự trữ quốc gia; Thẩm quyền quyết định phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia.
+ Mục 3: Giá mua, giá bán, chi phí nhập, chi phí xuất và chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Mục này quy định về giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia; Định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
+ Mục 4: Bảo quản hàng DTQG
 Mục này quy định về nguyên tắc bảo quản hàng dự trữ quốc gia; Trách nhiệm bảo quản hàng dự trữ quốc gia; Điều kiện được thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia; Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia.
+ Mục 5: Sử dụng hàng dự trữ quốc gia
 Mục này quy định về nguyên tắc sử dụng hàng dự trữ quốc gia; Trách nhiệm xuất cấp, tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia; Quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia
– Chương V: Kho dự trữ quốc gia, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ bảo quản hàng DTQG
Chương này gồm 7 Điều (từ Điều 58 đến Điều 64) quy định về quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia; Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia; Quy hoạch quỹ đất sử dụng xây dựng kho dự trữ quốc gia; Yêu cầu đối với kho dự trữ quốc gia; Tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia; Hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia; Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và ứng dụng công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Chương VI: Điều khoản thi hành
Chương này gồm 2 Điều (Điều 65 và Điều 66) quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành Luật.

2. Những nội dung cơ bản của Luật

2.1. Về những quy định chung (Chương I)
– Mục tiêu DTQG (Điều 1):
 Luật DTQG về cơ bản kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh DTQG đã thực hiện trong 8 năm qua, tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, đã bổ sung thêm mục tiêu “khắc phục thảm hoạ”. Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực dự trữ quốc gia, Luật DTQG đã bỏ các mục tiêu gián tiếp “tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước”. Như vậy, so với Pháp lệnh DTQG, Luật đã quy định các mục tiêu gọn lại theo hướng  nguồn lực DTQG được sử dụng để đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
– Chính sách của Nhà nước về DTQG (Điều 5):
 Nhằm tạo điều kiện định hướng các chính sách về DTQG đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Luật đã quy định một điều về chính sách của Nhà nước về DTQG; trong đó, quy định các nguyên tắc như: Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dự trữ quốc gia phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; xây dựng dự trữ quốc gia đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, bảo đảm thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học – kỹ thuật về dự trữ quốc gia, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia; huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh nhằm cụ thể hoá các chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia và là điều kiện để thực hiện vấn đề xã hội hoá đối với hoạt động dự trữ quốc gia.
            – Về nguồn hình thành dự trữ quốc gia (Điều 6):
 Pháp lệnh DTQG chỉ quy định nguồn hình thành DTQG từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Luật DTQG quy định ngoài nguồn hình thành từ NSNN còn có nguồn lực hợp pháp khác được đưa vào dự trữ quốc gia bao gồm các nguồn lực có được từ tự nguyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý và bảo quản hàng dự trữ quốc gia, trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, vật tư được huy động từ các tổ chức, cá nhân trong tình huống đột xuất, cấp bách theo quy định của pháp luật.
– Về chế độ, chính sách đối với người làm công tác DTQG (Điều 9):
Đây là quy định mới hoàn toàn so với Pháp lệnh DTQG. Hoạt động DTQG mang tính đặc thù cao có nhiều điểm giống với lĩnh vực quốc phòng, an ninh vì (i) hàng DTQG sử dụng trong tình huống đột xuất cấp bách; hàng xuất ra phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thể hiện uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân (ii) Kho DTQG thường được bố trí ở khu vực xa dân cư để bảo đảm an toàn, bí mật (iii) Điều kiện làm việc của công chức ngành DTQG trong môi trường làm việc độc hại, có lúc đối mặt với nguy hiểm như thực hiện xuất cấp hàng DTQG phục vụ cứu trợ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Do đó, Luật DTQG đã quy định người làm công tác dự trữ quốc gia là công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách, người làm công tác dự trữ quốc gia là quân nhân, công an được hưởng phụ cấp thâm niên; tuỳ theo lĩnh vực, tính chất công việc được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
– Về thanh tra chuyên ngành về dự trữ quốc gia (Điều 11):
Pháp lệnh DTQG không quy định về thanh tra chuyên ngành về DTQG. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra và Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong đó có quy định tổng cục dự trữ nhà nước và các cục dự trữ nhà nước khu vực được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Luật DTQG đã có một Điều quy định về thanh tra chuyên ngành về dự trữ quốc gia. Theo đó, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực dự trữ quốc gia thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về thanh tra. Thanh tra chuyên ngành về dự trữ quốc gia là thanh tra việc chấp hành pháp luật về dự trữ quốc gia theo quy định của Luật DTQG và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Các vấn đề về nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý về DTQG (từ Điều 12 đến Điều 20):
Pháp lệnh DTQG có 1 Chương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành về dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, tại Luật DTQG đã đưa các nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý DTQG vào Chương quy định chung để gắn với nội dung quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia quy định tại Điều 10 Chương này.
 Cụ thể, Luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ ngành quản lý DTQG, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách, của đơn vị dự trữ quốc gia, của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản. Các quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm cụ thể phù hợp với phân công, phân cấp về quản lý DTQG, tạo điều kiện để các quy định của Luật được thực hiện thông suốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả DTQG.
Một số quy định mới so với Pháp lệnh: So với Pháp lệnh DTQG, Luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia; sửa đổi một số nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời, chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng hàng DTQG vào Mục 5 Chương IV về sử dụng hàng dự trữ quốc gia. Cụ thể như sau:
– Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quối hội, UBTVQH (Điều 12):
+ Quyết định chính sách phát triển dự trữ quốc gia, định hướng nguồn lực dự trữ quốc gia, phê duyệt kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia;
+ Quyết định mức phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm.
Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm (nếu có);
+ Quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp;
+ Điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
– Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, bên cạnh việc kế thừa cơ bản các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Pháp lệnh, Luật DTQG đã chuyển nhiều nhiệm vụ trước đây tại Pháp lệnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sang cho Bộ Tài chính chủ trì để đảm bảo việc quản lý DTQG tập trung và xác định rõ quyền hạn của Bộ Tài chính đối với dự trữ quốc gia. Cụ thể như các nhiệm vụ sau:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương để Chính phủ trình Quốc hội quyết định phương án phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm cho bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ mức bổ sung ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm (nếu có) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định;
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia, kế hoạch dự trữ quốc gia hằng năm, quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
  – Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ KH&ĐT: Do một số nhiệm vụ đã được chuyển sang cho Bộ Tài chính chủ trì nên tại Luật DTQG, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ KH &ĐT có thay đổi như sau:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí, phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với dự trữ quốc gia.
+ Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hằng năm về dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.
+ Phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội quyết định phương án phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hằng năm; phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ mức bổ sung ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm (nếu có) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
– Về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia bảo quản hàng DTQG. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia bảo đảm đủ số lượng, đúng chất lượng, chủng loại và tại các địa điểm theo đúng hợp đồng đã ký.
+ Thực hiện nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
+ Thực hiện luân chuyển, hoán đổi hàng dự trữ quốc gia cũ, mới phải cùng chủng loại, số lượng và chất lượng theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện báo cáo việc nhập, xuất, tồn kho hàng dự trữ quốc gia cho cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách và bộ, ngành thuê bảo quản.
            2.2. Về chiến lược, kế hoạch DTQG (Chương II)
Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia có Chương II quy định về xây dựng quỹ dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, tại Luật DTQG, đã quy định tại Chương này đã được nâng lên thành Chiến lược, kế hoạch DTQG; đồng thời, quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, căn cứ xây dựng và nội dung của chiến lược, kế hoạch DTQG. Một số nội dung chính như sau:
– Về chiến lược DTQG (Điều 23):
 Luật bổ sung quy định về Chiến lược dự trữ quốc gia để định hướng pháp triển ngành DTQG đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, đã quy định về nguyên tắc xây dựng Chiến lược, nội dung Chiến lược và quy định cụ thể chiến lược dự trữ quốc gia được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
– Tổng mức DTQG (Điều 25):
Pháp lệnh DTQG quy định “Tổng mức dự trữ quốc gia được tăng dần hàng năm”; tại Luật DTQG quy định cụ thể hơn: Tổng mức dự trữ quốc gia được bảo đảm thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia.
– Phương thức DTQG (Điều 26):
 Pháp lệnh DTQG quy định “Dự trữ quốc gia được dự trữ bằng hàng và bằng tiền đồng Việt Nam”. Tuy nhiên, tại Luật DTQG, đã bỏ phương thức dự trữ bằng tiền đồng Việt Nam, thay vào đó quy định cụ thể “DTQG được dự trữ bằng vật tư, thiết bị, hàng hóa”.
– Danh mục hàng DTQG (Điều 27):
Pháp lệnh DTQG chỉ quy định về nguyên tắc xác định hàng DTQG và giao Chính phủ quyết định Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý cao và tầm quan trọng của các mặt hàng DTQG, Luật DTQG đã quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn hàng DTQG. Theo đó, hàng DTQG phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
+ Là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách;
+ Là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế;
+ Là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.
Bên cạnh việc cụ thể các tiêu chí, Luật DTQG còn quy định cụ thể danh mục hàng DTQG theo 12 nhóm như sau:
+ Lương thực;
+Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn;
+ Vật tư thông dụng động viên công nghiệp;
+ Muối trắng;
+ Nhiên liệu;
+ Vật liệu nổ công nghiệp;
+ Hạt giống cây trồng;
+ Thuốc bảo vệ thực vật;
+ Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản;
+ Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người;
+ Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản;
+ Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2.3. Về ngân sách nhà nước chi cho DTQG (Chương III)
– Về ngân sách nhà nước chi cho DTQG (Điều 28):
Luật DTQG quy định: “Ngân sách nhà nước chi cho DTQG thực hiện theo quy định của Luật NSNN và được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm. Bộ Tài chính quản lý, phân bổ khoản chi cho mua hàng DTQG, mua bù hàng DTQG đã xuất trong năm kế hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Như vậy, nếu theo Pháp lệnh trước đây, mua bù hàng DTQG hàng năm là nhiệm vụ chi đầu tư phát triển thì nay theo Luật DTQG, mua bù hàng DTQG là một nhiệm vụ chi thường xuyên, quy định này phù hợp với bản chất của chi mua bù hàng DTQG hàng năm; khắc phục sự không đồng bộ trong việc bố trí nguồn vốn cho DTQG. Đây là một trong các điều kiện để thực hiện cải cách mạnh về quy trình, thủ tục mua, bán, nhập, xuất, sử dụng hàng DTQG trong các tình huống đột xuất, cấp bách đã thể hiện trong điều 3 Luật này.
– Đối với chi đầu tư xây dựng trụ sở, kho tàng dự trữ quốc gia, chi mua sắm tài sản dự trữ quốc gia gắn với các dự án đầu tư vẫn được bố trí từ chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước; chi cho hoạt động quản lý DTQG giữ nguyên như quy định hiện hành.
– Về cơ chế tài chính (Điều 32): Luật DTQG quy định cơ chế tài chính đối với dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.4. Về cơ chế quản lý, điều hành DTQG (Chương IV)
– Về nhập, xuất hàng DTQG (Mục 1):
Luật quy định các trường hợp nhập, xuất hàng DTQG bao gồm: Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách; Nhập, xuất hàng luân phiên đổi hàng DTQG theo chỉ tiêu kế hoạch được giao; Nhập, xuất hàng DTQG trong các trường hợp khác.
Đối với trường hợp nhập, xuất hàng DTQG trong tình huống đột xuất, cấp bách, Luật quy định thẩm quyền thẩm quyền quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia được thực hiện như sau:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định khẩn cấp việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia;
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tạm xuất vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia để phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát sinh; sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải thu hồi ngay để bảo dưỡng, nhập lại kho dự trữ quốc gia và bảo quản theo quy định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý; nhập, xuất cấp ngay hàng dự trữ quốc gia có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật ngân sách nhà nước để phục vụ kịp thời cho mỗi nhiệm vụ phát sinh. Quy định này để đảm bảo phù hợp với Luật NSNN vì hiện nay, Luật NSNN đang được sửa đổi, bổ sung.
            – Về mua, bán hàng DTQG (Mục 2):
 Luật DTQG quy định nguyên tắc việc mua, bán hàng DTQG phải tuân theo các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; so với Pháp lệnh, Luật bổ sung các quy định áp dụng đấu thầu và đấu giá cụ thể trong việc mua, bán hàng DTQG để phù hợp với tính chất, đặc điểm của hoạt động DTQG, không để xảy ra việc áp dụng quy định chung về đấu thầu, đấu giá dẫn tới không hoàn thành được nhiệm vụ DTQG.
 Đối với mua hàng DTQG:
Để tránh việc tùy tiện áp dụng chỉ định thầu trong mua hàng DTQG, Luật đã quy định cụ thể các trường hợp được chỉ định thầu. Thẩm quyền và quy trình chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo đó, các trường hợp chỉ định thầu được áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu và đối với các trường hợp sau đây:
+ Đối với gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải bảo đảm yêu cầu bí mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
+ Trường hợp không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh do tính chất đột xuất, cấp bách, yêu cầu thời vụ, thời điểm đối với gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia là thuốc phòng, chống dịch bệnh, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng.
Ngoài ra, so với Pháp lệnh, Luật bổ sung các quy định cụ thể về mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng. Theo đó, mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng chỉ được áp dụng trong trường hợp mua thóc dự trữ quốc gia; Đơn vị được giao nhiệm vụ mua hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng trình Thủ trưởng cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách phê duyệt; đồng thời, xác định số lượng, chất lượng, chủng loại thóc mua, địa điểm mua, thời hạn mua, giá mua; Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, đơn vị được giao nhiệm vụ mua hàng dự trữ quốc gia đăng tải trên báo 03 kỳ liên tiếp hoặc thông báo trên đài truyền hình 03 lần liên tiếp trong 03 ngày và tại địa điểm mua thóc về kế hoạch mua; tổ chức thực hiện mua theo đúng kế hoạch và giá niêm yết.
 Đối với bán hàng DTQG: Luật quy định việc bán hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo các phương thức: Bán đấu giá; Bán chỉ định; Bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng.
So với Pháp lệnh, Luật đã bổ sung các quy định cụ thể về việc bán chỉ định, bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng. Theo đó, hàng dự trữ quốc gia phục vụ quốc phòng, an ninh chỉ được bán chỉ định cho mục đích quốc phòng, an ninh; Các mặt hàng dự trữ quốc gia được bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng bao gồm:
+ Thóc, vắc xin, hóa chất khử trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, muối trắng;
+ Hàng dự trữ quốc gia không phải là hàng phục vụ quốc phòng, an ninh; Thóc, vắc xin, hóa chất khử trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, muối trắng phải bán đấu giá nhưng bán đấu giá 02 cuộc không thành.
Đối với việc thanh lý hàng DTQG:
Pháp lệnh DTQG không quy định cụ thể về thanh lý hàng DTQG. Để cụ thể hoá, thuận lợi trong thưc hiện, Luật DTQG đã bổ sung quy định về thanh lý hàng DTQG. Theo đó, hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp không đáp ứng tiêu chí phục vụ mục tiêu dự trữ quốc gia thì thanh lý theo quy định của pháp luật. Việc thanh lý hàng dự trữ quốc gia do Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định. Tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc gia sau khi trừ đi các chi phí hợp lý được nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với hàng dự trữ quốc gia không thể sử dụng được thì tiêu hủy. Việc tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
– Về bảo quản hàng DTQG (Mục 4):
Luật quy định rõ trách nhiệm bảo quản hàng DTQG đối với: Bộ, ngành quản lý hàng DTQG; Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý DTQG; Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý hàng DTQG và cán bộ, công chức trực tiếp quản lý bảo quản hàng DTQG; Cơ quan DTQG chuyên trách. Luật cũng quy định về điều kiện được thuê bảo quản hàng DTQG; đây là một quy định mới so với Pháp lệnh, tạo điều kiện cho việc xã hội hoá công tác bảo quản hàng DTQG. Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp được bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lựa chọn để thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có tư cách pháp nhân;
+ Sản xuất, kinh doanh mặt hàng phù hợp với mặt hàng được thuê bảo quản;
+ Kho tàng, trang thiết bị phục vụ công tác nhập, xuất, bảo quản phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;
+ Đội ngũ nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm quản lý, chuyên môn phù hợp để đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng dự trữ quốc gia;
+ Đủ năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
 Ngoài ra, Luật cũng quy định việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia làm cơ sở để quản lý, bảo quản hàng DTQG, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
– Về sử dụng hàng DTQG (Mục 5):
Luật quy định cụ thể về nguyên tắc sử dụng hàng DTQG, trách nhiệm xuất cấp, tiếp nhận hàng DTQG, trách nhiệm quản lý, sử dụng hàng DTQG. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức sau khi nhận hàng DTQG có trách nhiệm:
+ Quản lý hàng DTQG đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; đảm bảo không thất thoát, lãng phí
+ Lập hồ sơ theo dõi hạch toán, ghi chép tài sản, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đối với hàng DTQG được cấp theo quy định của pháp luật kế toán, thống kê. Đối với hàng DTQG được sử dụng nhiều lần phải mở sổ theo dõi chi tiết theo quy định. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh DTQG nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
2.5. Kho và khoa học quản lý, công nghệ bảo quản hàng DTQG (Chương V)
– Về quy hoạch tổng thể hệ thống kho và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG (Điều 58, 59) :
Bên cạnh việc kế thừa Pháp lệnh, Luật DTQG đã quy định cụ thể hơn về quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG. Cụ thể:
Đối với quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG
Luật quy định rõ về nguyên tắc, nội dung và thẩm quyền xây dựng quy hoạch. Theo đó, nội dung quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
          + Phù hợp với mục tiêu và yêu cầu dự trữ quốc gia;                                                 
+ Bảo đảm tính liên hoàn của hệ thống kho dự trữ quốc gia theo tuyến, vùng lãnh thổ;
+ Bảo đảm phát triển theo hướng hiện đại hóa;
+ Phù hợp với khả năng vốn đầu tư;
+ Xác định rõ giải pháp và lộ trình thực hiện.
Đồng thời, Luật giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 Đối với quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG
Tương tự như quy hoạch tổng thể hệ thống kho, Luật cũng quy định về nguyên tắc, nội dung và thẩm quyền xây dựng quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG. Theo đó, nội dung quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Bảo đảm tính liên hoàn, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn với các vùng khác nhau trên toàn quốc, thuận lợi trong nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia;
+ Bảo đảm hiệu quả sử dụng cao;
+ Bảo đảm phát triển theo hướng hiện đại hóa công nghệ bảo quản và quy trình nhập, xuất;
+ Phù hợp với khả năng vốn đầu tư;
+ Xác định rõ giải pháp và lộ trình thực hiện.
Đồng thời, Luật quy định  Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổ chức xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Về quy hoạch quỹ đất sử dụng xây dựng kho DTQG (Điều 60):
So với Pháp lệnh, Luật DTQG đã bổ sung quy định mới về quy hoạch quỹ đất để xây kho DTQG nhằm tăng tính khả thi của các quy hoạch trên. Theo đó, Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia căn cứ quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia lập kế hoạch sử dụng đất xây dựng kho dự trữ quốc gia phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bố trí quỹ đất xây dựng kho dự trữ quốc gia theo quy hoạch và thực hiện quản lý nhà nước đối với đất sử dụng vào mục đích xây dựng kho dự trữ quốc gia.
– Về hiện đại hoá hoạt động DTQG (Điều 63, 64):
Luật DTQG đã bổ sung quy định mới về việc hiện đại hoá hoạt động DTQG và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ bảo quản hàng DTQG. Việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và ứng dụng công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia phải đáp ứng yêu cầu: Kéo dài thời hạn lưu kho bảo quản, bảo đảm chất lượng, giảm hao hụt hàng dự trữ quốc gia; hạn chế ô nhiễm môi trường; phù hợp với thực tiễn; tiếp thu, chuyển giao có chọn lọc công nghệ bảo quản tiên tiến của quốc tế. Các nội dung nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia bao gồm:
+ Nghiên cứu công nghệ bảo quản mới thay thế công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia đã lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài;
+ Mở rộng hợp tác quốc tế trong chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản hàng dự trữ quốc gia;
+ Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao.
Đồng thời, Luật cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
2.6. Hiệu lực thi hành (Chương VI)
Luật DTQG có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Luật cũng giao Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT DTQG

1. Để Luật Dự trữ quốc gia  đi vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực triển khai xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định, Thông tư…) bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng Luật. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-BTC ngày 07/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật DTQG trong đó, xác định rõ tiến độ, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc triển khai xây dựng Luật DTQG cũng như kế hoạch phổ biến, tuyên truyền luật DTQG, kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các chuyên mục, tin bài phổ biến Luật.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho đội ngũ cán bộ, công chức và các đối tượng có liên quan về các nội dung được quy định tại Luật bằng hình thức phù hợp (tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật, xuất bản ấn phẩm hỏi đáp về Luật, giới thiệu nội dung của Luật trên các chuyên trang, chuyên mục của các phương tiện thông tin đại chúng…).
Link tải file mềm ở đây

 

Đề cương giới thiệu luật dự trữ quốc gia:

Có thể bạn quan tâm:

Giới thiệu Blog

Cuộc sống - cho đi là còn mãi- chia sẻ và yêu thương!

Chào các bạn- Mình là Ngô Hải Long - Ceo công ty Giải pháp số LBK- Chuyên seo web, quảng cáo Google , Facebook, Zalo và lập trình web wordpress, App (ứng dụng) IOS, Android. Các blog lập ra với mục đích chia sẻ kiến thức cuộc sống, thủ thuật máy tính, việc làm, tài liệu miễn phí. Trong quá trình đội ngũ biên soạn không tránh khỏi thiếu sót hoặc trùng lặp nội dung với các quý blog khác, thành thật xin lỗi nếu có sự cố đó xảy ra - Vậy bạn Vui lòng liên hệ giúp tới ngolonglbk@gmail.com nếu có bất cứ ý kiến, thắc mắc , yêu cầu xóa bài nào! Trân trọng cám ơn các bạn!

Chào mừng các bạn đến với  ngolongnd.net - Blog thư giãn và chia sẻ kiến thức, tài liệu miễn phí! 

Liên hệ quảng cáo- mua back link tại đây

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);