Làm sao giữ được sự lương thiện trong thế gian bất lương?. Như không khí, sự bất lương lan tràn khắp mọi nơi. Người ta nói dối, bán hàng quá đắt, trộm cắp, trốn nợ và khoác lác về những hoạt động kinh doanh gian dối. Sống trong môi trường như thế, chúng ta thường gặp những tình huống thử thách lòng quyết tâm giữ sự lương thiện. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục kháng cự khuynh hướng bất lương? Hãy xem ba yếu tố quan trọng giúp chúng ta làm thế. Đó là sự kính sợ Đức Giê-hô-va, lương tâm tốt và sự thỏa lòng.
Nội dung chính:
Kính sợ Đức Giê-hô-va
Nhà tiên tri Ê-sai viết: “Đức Giê-hô-va là quan-xét chúng ta, Đức Giê-hô-va là Đấng lập luật cho chúng ta, Đức Giê-hô-va là vua chúng ta” (Ê-sai 33:22). Công nhận thẩm quyền của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta kính sợ Ngài—là động lực thúc đẩy chúng ta quyết tâm kháng cự tinh thần bất lương. Châm-ngôn 16:6 nói: “Bởi sự kính-sợ Đức Giê-hô-va người ta xây-bỏ điều ác”. Sự kính sợ này không phải là nỗi khiếp sợ về một vị thần đầy hận thù, nhưng sợ làm buồn lòng Cha trên trời, Đấng quan tâm sâu xa đến lợi ích của chúng ta.—1 Phi 3:12.
Một kinh nghiệm có thật cho thấy kết quả tốt của lòng kính sợ này. Anh Ricardo và vợ là Fernanda, đã rút số tiền tương đương 700 đô la Mỹ từ tài khoản của họ*. Chị Fernanda nhét tiền vào ví mà không đếm lại. Về đến nhà, sau khi đã trả một số hóa đơn, họ ngạc nhiên khi thấy gần như số tiền mà họ đã rút vẫn còn trong ví của chị Fernanda. Họ kết luận: “Nhân viên ngân hàng hẳn đã trả chúng tôi quá số tiền”. Ban đầu họ bị cám dỗ giữ lại số tiền đó vì còn nhiều hóa đơn chưa thanh toán. Anh Ricardo giải thích: “Chúng tôi cầu xin Đức Giê-hô-va để có can đảm làm điều đúng là trả tiền lại. Mong muốn làm hài lòng Ngài để đáp lại sự kêu gọi của Ngài nơi Châm-ngôn 27:11 đã khiến chúng tôi trả lại số tiền”.
Lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện
Chúng ta có thể vun trồng một lương tâm nhạy bén qua việc học Kinh Thánh và cố gắng áp dụng điều mình học. Như thế, “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” sẽ không những động đến trí mà cả lòng của chúng ta. Điều này sẽ thôi thúc chúng ta “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê 4:12; 13:18.
Hãy xem trường hợp của anh João. Anh mắc một món nợ lớn, tương đương 5.000 đô la Mỹ. Rồi anh không trả nợ và dọn đến một thị trấn khác. Tám năm sau, João học biết lẽ thật và lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện đã thôi thúc anh liên lạc với chủ nợ để trả nợ! Vì anh phải nuôi vợ và bốn con với mức thu nhập thấp, chủ nợ đồng ý để anh trả góp hàng tháng.
Sự thỏa lòng
Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn… miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti 6:6-8). Ghi nhớ lời khuyên này sẽ giúp chúng ta tránh rơi vào những hoạt động kinh doanh tham lam đáng ngờ hoặc những mánh khóe làm giàu nhanh chóng (Châm 28:20). Làm theo lời khuyên của Phao-lô cũng sẽ giúp chúng ta đặt Nước Đức Chúa Trời lên hàng đầu, tin chắc chúng ta sẽ được đáp ứng những nhu cầu cơ bản.—Mat 6:25-34.
Tuy nhiên, vì “sự lừa-dối của giàu-có”, chúng ta không nên xem nhẹ tác hại của việc bị sự tham lam chi phối (Mat 13:22, Ghi-đê-ôn). Hãy nhớ trường hợp của A-can. Ông đã chứng kiến phép lạ của việc dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh. Dù vậy, khi lòng tham nổi lên, ông đã không kháng cự ham muốn lấy cắp một số bạc và vàng cũng như một áo choàng đắt tiền từ chiến lợi phẩm của thành Giê-ri-cô. Hành động này khiến ông mất mạng (Giô-suê 7:1, 20-26). Không ngạc nhiên gì, nhiều thế kỷ sau Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy giữ cẩn-thận chớ hà-tiện [“tham lam”, Bản Dịch Mới] gì hết”.—Lu 12:15.
Lương thiện tại nơi làm việc
Giờ đây chúng ta hãy xem một số trường hợp có thể thử thách lòng quyết tâm giữ tính lương thiện trong mọi việc. Lương thiện tại nơi làm việc bao hàm “chớ ăn-cắp vật chi”—dù đó là hành động phổ biến (Tít 2:9, 10). Anh Jurandir, làm việc tại một cơ quan của chính phủ, đã trung thực khi báo cáo về chi phí công tác. Nhưng các đồng nghiệp của anh báo cáo hơn số tiền họ đã chi. Họ có thể làm thế vì trưởng phòng bao che cho những nhân viên không lương thiện này. Thậm chí chính trưởng phòng ấy đã khiển trách anh Jurandir vì tính trung thực và không cho anh đi công tác nữa. Tuy nhiên, một thời gian sau, cơ quan bị kiểm tra sổ sách và anh Jurandir được tuyên dương vì tính trung thực. Anh cũng được thăng chức.
Anh André là một nhân viên bán hàng. Chủ của anh bảo anh phải tính phí dịch vụ hai lần trong tài khoản khách hàng. Anh cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự can đảm để làm theo những nguyên tắc Kinh Thánh (Thi 145:18-20). Anh cũng cố giải thích với chủ tại sao anh không làm theo lời ông bảo, nhưng không có kết quả. Thế nên, anh André quyết định nghỉ công việc này dù được trả lương cao. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, người chủ cũ gọi anh trở lại làm việc, bảo đảm rằng không tính sai cho khách hàng nữa. Anh André được lên chức quản lý.
Trả nợ
Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Đừng mắc nợ ai chi hết” (Rô 13:8). Chúng ta có thể cố gắng biện hộ về việc trốn nợ, cho rằng chủ nợ đã giàu có và không cần tiền. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo: “Kẻ ác mượn, mà không trả lại”.—Thi 37:21.
Nói sao nếu “sự bất trắc” xảy ra khiến chúng ta không trả được nợ? (Truyền 9:11, NW). Anh Francisco đã vay anh Alfredo một số tiền tương đương 7.000 đô la Mỹ để trả hết tiền mua nhà. Nhưng vì một số vấn đề trong kinh doanh, anh đã không thể trả nợ đúng hạn. Anh Francisco chủ động gặp anh Alfredo để bàn về vấn đề này, và anh Alfredo đồng ý cho anh trả góp.
Tránh tạo ấn tượng sai
Hãy nhớ lại gương xấu của A-na-nia và Sa-phi-ra, một cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Họ đã bán ruộng và mang đến chỉ một phần tiền cho các sứ đồ, bảo rằng đó là toàn bộ số tiền bán được. Họ muốn tạo ấn tượng với người khác về tính rộng rãi. Tuy nhiên, dưới sự soi dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, sứ đồ Phi-e-rơ đã vạch trần sự lừa dối của họ, và Đức Giê-hô-va phạt họ phải chết.—Công 5:1-11.
Tương phản với sự bất lương của A-na-nia và Sa-phi-ra, những người viết Kinh Thánh thì thẳng thắn và chân thật. Môi-se đã thành thật ghi lại việc ông nóng giận dẫn đến hậu quả là ông không được vào Đất Hứa (Dân 20:7-13). Tương tự thế, Giô-na không che giấu mà ghi lại những nhược điểm của mình trong giai đoạn trước và sau khi rao giảng cho dân thành Ni-ni-ve.—Giô-na 1:1-3; 4:1-3.
Dĩ nhiên, chúng ta cần can đảm để nói sự thật dù có thể bị thiệt hại, như trường hợp em gái 14 tuổi là Nathalia. Ở trường, khi xem lại bài thi, em thấy thầy giáo đã cho điểm một câu trả lời mà em làm sai. Nathalia không ngần ngại cho thầy biết, dù điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm của em. Nathalia nói: “Cha mẹ luôn dạy em rằng để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, em phải trung thực. Lương tâm em sẽ bị cắn rứt nếu không nói với thầy”. Thầy giáo đánh giá cao sự trung thực của Nathalia.
Lương thiện—Đức tính tôn vinh Đức Giê-hô-va
Giselle, 17 tuổi, nhặt một cái ví có giấy tờ và số tiền tương đương 35 đô la Mỹ. Em nhờ ban giám hiệu trường trả lại ví tiền cho người mất. Một tháng sau, hiệu phó của trường đọc một lá thư trước lớp để khen Giselle về tính lương thiện. Ông cũng khen gia đình đã khéo nuôi dạy và giúp em theo những tiêu chuẩn tôn giáo tốt. “Việc lành” của em đã tôn vinh Đức Giê-hô-va.—Mat 5:14-16.
Chúng ta phải nỗ lực để lương thiện khi sống giữa những người ‘tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, không tin-kính’ (2 Ti 3:2). Tuy nhiên, lòng kính sợ Đức Giê-hô-va, lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện và sự thỏa lòng giúp chúng ta vẫn lương thiện trong thế gian bất lương. Chúng ta cũng vun trồng mối quan hệ ngày càng mật thiết với Đức Giê-hô-va, Đấng ‘công-bình và yêu sự công-bình’.—Thi 11:7.
Nếu vô tình gặp một người vô gia cư hay một người ăn xin trên đường, bạn có sẵn lòng chia sẻ với họ những gì bạn có? Nhiều người có ý muốn giúp nhưng lại hay “đợi”, đợi rằng khi có nhiều thì mới cho đi, thực ra đó vẫn là chưa hiểu thấu hai từ “lương thiện”…
Chúng ta làm sao mới trở thành một người lương thiện?
Tại Mỹ quốc nơi đây hàng năm có rất nhiều người nhập cư mà không có điều kiện để cứ trú ổn định, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho rất nhiều người thất nghiệp, trở thành người vô gia cư lưu lạc đầu đường. Những người này không có đủ áo che thân, đa số là những bộ đồ cũ nát, toàn thân bốc mùi do thời gian dài không tắm rửa.
Kỳ thực nước Mỹ đối với người vô gia cư đều không hề bạc đãi, trạm cứu hộ và nhiều tổ chức xã hội sẵn lòng giúp đỡ họ, cung cấp cho họ quần áo cùng đồ ăn sạch sẽ. Nhưng tôi luôn thấy thắc mắc vì sao họ lại tình nguyện đứng trên đường phố? Bất kể như thế nào, hôm nay không phải nói về vấn đề xã hội này, mà là vấn đề lương tâm của chúng ta, vấn đề lương thiện.
Tôi đến nước Mỹ đã hơn 5 năm, trở thành một dân nhập cư “mới” theo đúng nghĩa. Thời gian còn ở trong nước (Trung Quốc), tôi cũng thường xuyên chứng kiến trên đường lớn những người hành khất, trong tay có lẻ liền đưa cho họ. Tuy nhiên, sau khi tới nước Mỹ, sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn, tiền kiếm được mỗi tháng còn phải trả tiền nhà, đồ ăn, đồ dùng… cho nên cũng không còn là mấy.
Vì vậy mỗi lần gặp phải những người vô gia cư lưu lạc đầu đường, trong lòng tôi cảm thấy rất khó chịu, ánh mắt lại không dám nhìn họ. Định đưa cho họ chút tiền nhưng nghĩ đến cảnh mình cũng nghèo kiết xác lại thôi.
Trong lòng tự nghĩ: “Họ vẫn còn trẻ có tay có chân, có thể đi tìm công việc, người già thì đã có phúc lợi xã hội, không cần phải tự trách mình, để lòng dạ thanh thản. Chờ sau này mình kiếm được lợi nhuận nhiều hơn, thì có thể cho họ đôi chút.” Vì vậy, tôi vô tư nhìn họ đi qua trước mặt mình. Thời gian lâu, tôi dần trở nên thờ ơ, lạnh lùng.
Có một ngày, tôi vô tình xem được một đoạn phim ngắn. Đoạn phim là một thử nghiệm xã hội được một số bạn trẻ tự quay và chia sẻ trên mạng xã hội. Chuyện là, một người trẻ tuổi giả trang thành một người vô gia cư, gặp ai đang ăn cũng hỏi xin một miếng, tuy nhiên đều bị từ chối.
Trong cảnh phim khác, 2 anh chàng mang đến cho người vô gia cư một hộp bánh pizza rồi rời đi. Khoảng 20 phút sau, một bạn trẻ khác tới ngồi cạnh người này và ngỏ ý muốn xin một chút bánh để ăn vì anh ta khá đói. Người ăn mày không chút do dự chia cho cậu ta một miếng.
Người trẻ tuổi ăn hết miếng pizza, hướng đến người ăn mày nói lời cảm tạ, cuối cùng rút ví lấy ra một số tiền như một sự đền đáp cho tấm lòng hào phóng. Người ăn mày có lẽ đã hiểu ra, ôm mặt khóc nức nở.
Xem hết đoạn phim ngắn vài phút này, tôi khóc. Đột nhiên tôi ý thức rằng chỉ vì vài đô-la mà mất đi sự lương thiện. Giá tiền một cái pizza khả năng cũng không đủ để ngồi một lần tàu điện ngầm New York, nhưng lại có thể làm ấm bụng người đói khát bơ vơ. Còn tôi, ngay cả vẻn vẹn chỉ có một đô-la cũng không muốn bố thí, tôi xấu hổ vì sự giả nhân giả nghĩa xấu xí của mình .
Lương thiện, kỳ thật không phải đợi tới sau khi làm quan lớn phát tài rồi mới giúp người, mà đơn giản chỉ một ổ bánh mì, một cái pizza, cộng thêm lòng chân thành là đủ. Tôi phấn đấu để trở thành một nhân viên cấp cao nơi thành phố lớn, nhưng lại dần mất đi sự lương thiện vốn có ở trong tâm. Vậy nên đừng chờ đợi hay do dự, khi có thể giúp ai đó, dù là việc nhỏ thôi cũng hãy tận sức mà làm, bởi vì đó mới là bản chất thật sự của con người bạn.