Phòng chống và hóa giải bệnh tật bằng thái độ thích hợp- Triết lí từ Phật giáo .Bài viết này của ngài Tì Kheo Visuddhacara do thầy Thích Tâm Quang dịch. Nói về lối sống hiện tại của con người, về các sinh vật và vi sinh vật khác (kể cả vi trùng và vi khuẩn), về môi trường sống,
Chúng ta không nên coi bệnh tật và khổ đau như là những căn nguyên hoàn toàn có thể tàn phá thân tâm chúng ta mà thất vọng, ngã lòng. Trái lại (trong trường hợp của người Phật tử), chúng ta phải coi đó là cuộc trắc nghiệm xem chúng ta đã hiểu lời Phật dạy tốt đến đâu, và chúng ta có thể áp dụng sự hiểu biết mà chúng ta cho là đã học tốt đến mức nào. Nếu chúng ta không đối phó được về mặt tinh thần, để cho thân tâm bị suy sụp, điều đó cho thấy, sự hiểu biết về Phật Pháp và sự thực hành của chúng ta vẫn còn yếu. Vì vậy, nên xem bệnh tật là cuộc trắc nghiệm và cơ hội cho chúng ta thấy mức độ mà chúng ta đã quán triệt sự thực hành.
Bệnh tật cũng là cơ hội tốt cho chúng ta nâng cao hơn nữa sự thực hành tính kiên nhẫn và lòng khoan dung. Làm sao chúng ta có thể thực hành và phát triển lòng kiên nhẫn nếu chúng ta không trắc nghiệm, không đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn và khốc liệt? Vậy nên bằng cách này, chúng ta có thể coi bệnh là cơ hội cho chúng ta trau dồi thêm tính nhẫn nại.
Chúng ta cũng có thể nhìn vào sức khỏe không phải bằng sự vắng bóng của bệnh tật mà còn xét đến khả năng trải qua bệnh mà học hỏi và phát triển tính cách. Một cách nhìn đúng về sức khỏe như thế được một số chuyên gia y tế như bác sĩ Paul Pearsall của Bệnh viện Sinai tại Detroit, Hoa Kỳ khuyến cáo. Thấy bệnh tật không bao giờ trừ hết được, và cuối cùng mọi người đều phải chấp nhận bằng cách này hay cách khác, những bác sĩ này đã đi đến định nghĩa về sức khỏe để có thể giúp mọi người thích nghi với bệnh tật khi nó đến. Cho dù có nhiều máy móc hiện đại, phương pháp và thuốc men tinh vi đến thế nào đi nữa, người ta vẫn cứ phải khuất phục trước ung thư, bệnh AIDS, bệnh đau tim và nhiều bệnh nan y khác.
Như vậy, chúng ta phải hiểu và chấp nhận sự thật, để khi nó đến chúng ta không cảm thấy đau khổ và sợ hãi. Chắc chắn, chúng ta sẽ chữa trị bệnh bằng hết sức mình, nhưng khi bất chấp những cố gắng cao nhất của tinh thần, chúng ta sẽ thất bại và bệnh tật tiếp tục gia tăng.
Phân tích đến cùng, không phải vấn đề là chúng ta sống lâu bao nhiêu mà là chúng ta sống tốt đẹp ra sao mới đáng kể. Điều đó gồm cả cách mà chúng ta có thể chấp nhận bệnh tật của mình đến mức nào, và sau hết chúng ta có thể chết ra sao. Về mặt này, Bác sĩ Bernie S. Siegel trong cuốn sách “Hòa bình, Tình thương và Chữa Bệnh” viết: “Những bệnh nhân khác thường không cố gắng để không chết. Họ cố gắng để sống cho đến khi họ chết. Họ đã thành công, mặc dù hậu quả bệnh tình như thế nào, vì họ đã chữa lành đời sống của họ, cho dù họ không chữa được bệnh của họ”.
Và ông cũng nói: “Một cuộc đời thành công không phải về cái chết được trang hoàng cho to đẹp mà là về cách sống tốt đẹp. Tôi đã thấy có những đứa trẻ mới ba tuổi, chín tuổi đã thay đổi được người lớn và cộng đồng bởi khả năng về tình thương yêu. Nhưng tôi cũng biết có người sống lâu hơn người khác rất nhiều, nhưng không để lại gì ngoài lòng vị kỷ và sự trống rỗng”.
Cho nên thật tuyệt vời nếu đời sống của chúng ta có thể được chữa lành mặc dầu bệnh của chúng ta có thể không được chữa khỏi. Sao vậy? Vì khổ đau là vị thầy giáo, và nếu chúng ta học thuộc điều đó, chúng ta có thể trở thành người tốt hơn một cách đáng tự hào. Chúng ta đã không nghe những chuyện có những người trải qua nhiều đau đớn, đã chiến thắng bệnh tật, đã thay đổi thành người tốt hơn ư? Nếu họ không kiên tâm loại trừ tính ích kỷ, cao ngạo và thiếu thận trọng trong từng hành vi trước đó, thì bây giờ họ có thể trở nên kiên nhẫn, tử tế, lịch thiệp và nhũn nhặn hơn được không? Ðôi khi bệnh tật làm cho chúng ta cảm thấy bất an, nhưng cần phải nhận thấy bệnh tật cũng là một điều tốt, là cơ hội để chúng ta xem xét lại lối sống và những giá trị quan trọng hơn trong đời sống. Lúc đó chúng ta sẽ đánh giá cao vai trò, giá trị của gia đình và bạn hữu, biết quý trọng thời gian để sống với những người thân yêu. Và nếu bình phục lại được, chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ hơn cho những người thân, và làm những việc thực sự quan trọng và có ý nghĩa .
Dù có bị khuất phục trước bệnh tật, chúng ta vẫn có thể học hỏi và phát triển tâm từ bi và kiên nhẫn. Chính khi ấy, chúng ta có thể hiểu được cái mong manh của sự sống và lời dạy của Ðức Phật đã đúng ra sao. Chúng ta có thể trở nên tử tế hơn, cảm niệm nhiều hơn về lòng khả ái mà chúng ta nhận được từ người khác. Chúng ta có thể tha thứ những ai đã làm cho chúng ta đau đớn. Chúng ta có thể thương yêu một cách hào phóng và sâu xa hơn. Và khi cái chết đến, chúng ta có thể chết bằng sự chấp nhận và an bình. Bằng cách đó, chúng ta có thể nói đời sống của chúng ta được chữa lành vì chúng ta đã hòa hợp được với thế giới và đã sống trong bình an.
Thích Tâm Quang dịch