Người Nhật thực hiện Kaizen như thế nào? Người Nhật không nổi tiếng thế giới bởi những phát kiến mang tính bước ngoặt (vì thực tế họ không có những phát minh mang tính đột phá, gần đây họ mới bắt đầu tham gia vào việc tìm kiếm những ý tưởng như vậy), mà họ nổi tiếng nhất ở tinh thần “làm tốt hơn cái đang có” hay Kaizen.một cách triệt để, tỉ mỉ và chi tiết nhất có thể. Họ luôn có ý thức cải tiến, thay đổi theo hướng tốt hơn, dù đó là những phát hiện, sáng tạo, cải thiện rất rất nhỏ, nhằm tăng hiệu quả, công năng, thẩm mỹ của sản phẩm, công nghệ; tối ưu hóa quy trình sản xuất, làm việc, tối ưu khâu vận hành tổ chức, phân phối sản phẩm và bao quát hơn là vận hành của cả một xã hội.
Cần phải nói thêm là Kaizen là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ 改 (“kai”) có nghĩa là thay đổi và từ 善 (“zen”) có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”.
Tôi lấy ví dụ thế này. Một lần lái xe của công ty tôi đi đón khách ở Nhà ga T2 Nội Bài – khi đó trong thiết kế và tổ chức của nhà ga có 1 điểm rối rắm là sảnh đến A1 thì họ lại có 1 biển ghi là A2, nhỏ hơn, để phát những hình ảnh camera của sảnh đến A1; và ngược lại, sảnh đến A2 thì lại có 1 biển ghi là A1, nhỏ hơn, để phát những hình ảnh camera của sảnh đến A2 (và đến giờ thì tình hình vẫn vậy :D). Và lái xe của công ty tôi đã bối rối và cuối cùng là đón khách muộn 1 chút. Với người Việt chúng ta nhiều khả năng sẽ xuề xòa bỏ qua, nhưng với người Nhật thì khác, họ đã làm thế này:
Sếp tổ chức chotto meeting, một dạng họp ngắn, thường là vào đầu buổi sáng một ngày làm việc mới (tầm 5 phút – tất nhiên là trước đó khách đã trực tiếp phàn nàn với sếp về việc bị đón muộn), mọi người trong văn phòng đứng dậy để nghe thông báo và chỉ đạo của sếp. Sếp mô tả lại tình huống dẫn đến việc đón khách muộn, lý giải nguyên nhân và yêu cầu cả văn phòng trong quá trình giao tiếp với lái xe trong khâu đón khách lần sau không đề tình trạng này xảy ra một lần nữa …
Quay trở lại với vấn đề sáng tạo của người Việt, tôi tin rằng chúng ta khó có thể tìm kiếm được những phát kiến đột phá, thay vào đó, chỉ cần học cách Kaizen của người Nhật cũng là tốt lắm rồi 🙂
(Bùi Thế Vinh)