Hiệu ứng “Chú khỉ thứ 100”.Năm 1952, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu hành vi của Macasa Fuscata, một giống khỉ ở đảo Koshima. Họ cho những chú khỉ ở đây những củ khoai lang khá ngon nhưng còn vấy bẩn cát. Lũ khỉ thích thú với những củ khoai lang nhưng thấy khó chịu với cát bẩn bám đầy trên đó. Một con khỉ cái 18 tháng tuổi phát hiện ra nó có thể loại bỏ những vết bẩn bằng cách rửa sạch chúng với nước. Sau đó nó “dạy” “chiêu” này cho mẹ của nó và những con khỉ khác cùng lứa với nó bắt chước làm theo. Một số ít những con khỉ lớn hơn cũng “tò mò” học theo và biết cách rửa sạch khoai để ăn ngon hơn.
Mùa thu năm 1958, một vài điều khác lạ xảy ra. Một đám đông những con khỉ khác nữa cũng lại bắt chước theo và biết cách rửa khoai, ước chừng khoảng 99 con. Cho đến khi, một mức ngưỡng quan trọng xuất hiện. Con khỉ thứ 100 bắt đầu biết rửa khoai. Và từ lúc này, việc rửa khoai trước khi ăn đã lan ra những đảo khác mà không có sự giao tiếp,“chỉ dạy” nào giữa những chú khỉ ở đảo này với đảo kia. Việc rửa khoai đã trở thành một kỹ năng trong ý thức của bầy khỉ. Hiện tượng này được xem như hiệu ứng của “con khỉ thứ 100”.
Về mặt tâm lý, hiệu ứng “con khỉ thứ 100” khá tương đồng với hiệu ứng tâm lý bầy đàn, tức trong cuộc sống sẽ có rất nhiều người hành xử đơn thuần là vì thấy người khác làm vậy. Nhưng hiệu ứng này có một điểm thú vị hơn nằm ở chỗ là nó có sự xuất hiện của điểm bùng phát – một hiệu ứng tâm lý khác nói về việc “khi lượng tích đủ thì chất biến đổi”. Ứng dụng nó trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy như sau:
“Sự tử tế hay sự vô tâm, văn hóa tốt hay tập quán xấu, hành động lịch sự hay hành động khiếm nhã,… tất cả đều có một điểm chung ở chỗ: khi có một số lượng người nhất định chấp nhận nó, nó sẽ trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống!”
Dừng xe khi thấy đèn đỏ là một ví dụ. Không khó để bắt gặp hình ảnh tín hiệu đèn giao thông đang là đèn đỏ, có một xe máy rú ga phóng lên phía trước. Lúc đó, một xe khác thấy một người làm vậy liền làm theo. Và thế là một loạt xe máy cũng rú ga vượt đèn đỏ. Những người vượt đèn đỏ mặc dù biết rằng việc vượt đèn đỏ là sai quy định nhưng họ không cảm thấy “tội lỗi” khi thấy có những người khác làm giống mình. Ngược lại, khi một người cũng vẫn con phố ấy, lần này lại thấy có rất nhiều người dừng lại trước đèn đỏ, ngay cả khi đường đang vắng, người này cũng sẽ nhiều khả năng là dừng đèn đỏ và chờ cho đến khi đèn xanh xuất hiện mới đi.
Văn hóa cư xử hàng ngày trong lời ăn tiếng nói cũng như thế. Nếu một người ở trong một môi trường mà những người xung quanh có thói quen văng tục chửi bậy (ở đây đang không bàn luận về việc văng tục chửi bậy tốt xấu thế nào), lâu dần mọi người sẽ cảm thấy đó là một chuyện bình thường trong lời ăn tiếng nói. Ngược lại, nếu ở trong một môi trường mọi người có thói quen ăn nói nhã nhặn, nhẹ nhàng, lịch sự thì tự nhiên đến một lúc nào đó, tất cả mọi người sẽ cảm thấy đây là một điều hiển nhiên cần phải có trong văn hóa ứng xử, nếu một người nói năng thô lỗ thì những người xung quanh sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Văn hóa ứng xử nơi công cộng là một điều mà chúng ta rất nên học, nhất là đối với nhiều bạn trẻ. Hàng ngày có rất nhiều chuyện mà mỗi người có thể học cách để hành xử tốt đẹp hơn. Chẳng hạn như đi xe bus, người trẻ học cách nhường ghế ngồi cho người già, phụ nữ, trẻ em. Hay khi mua hàng, hoặc dừng xe máy chờ đổ xăng, xếp hàng đi mua vé coi phim,… học cách đứng xếp hàng khi mình đến sau hoặc nhường lượt cho người cần gấp nên là một thói quen hành xử cần luyện tập thay vì một số người thô lỗ, cứ chen lấn xô đẩy. Khi có nhiều người học cách cư xử lịch thiệp, nó sẽ trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống.
Có một lần Edward đi ăn nhà hàng với mấy người thân, vốn dĩ đã quen thuộc với phong cách “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nói năng nhỏ nhẹ, ăn uống từ tốn, quan sát để hành xử giữ ý tôn trọng những người xung quanh. Ai ngờ hôm đó bàn đối diện là 8 bạn gái, mấy bạn này đều là sinh viên (vì lúc cuối giờ nghe các bạn nói nhau chuyện phải về ôn thi). Bữa ăn đó là một “ác mộng” với Edward và những người xung quanh khi mà 8 bạn ấy nô đùa, cười to, làm ồn ào ầm ĩ cả căn phòng. Có lẽ các bạn không sai, đơn giản chỉ là các bạn vui vẻ hết mình với bạn bè. Nhưng các bạn không hiểu rằng, “ô nhiễm tiếng ồn” mà mình là tác nhân gây ra, thì đó cũng là một sự hành xử thiếu lịch sự. Mặc cho những nét cau có từ những người bàn khác, các bạn vẫn tiếp tục cuộc chơi, cười khành khạch khành khạch, mày tao chí chóe, trong lời ăn tiếng nói đệm thêm cả những tiếng lóng, văng tục chửi bậy. Ăn xong rồi không về luôn mà còn mỗi bạn một chiếc điện thoại, cứ một lúc lại cười ầm ĩ lên rồi nô đùa. Không biết các bạn ấy có nhận ra rằng người xung quanh đang rất khó chịu vì các bạn không, hay các bạn vẫn sẽ hồn nhiên nghĩ rằng cách hành xử của mình là hay lắm và còn gây sự chú ý với người khác.
Nhổ kẹo cao su bừa bãi từng là một vấn nạn đối với Singapore. Đặc biệt là việc bã kẹo cao su bị dính vào ghế ngồi, dính trên mặt đường phố, bịt kín các cảm ứng đóng cửa trên tàu điện ngầm khiến cả hệ thống bị đình trệ và rất nhiều người cảm thấy khó chịu. Thế rồi năm 1992, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra lệnh cấm bán và nhập khẩu kẹo cao su trên toàn đất nước. Người nào mang kẹo cao su vào Singapore có thể bị phạt tới 100.000 đô la Sing, cũng như có thể phải ngồi tù tới 2 năm. Dĩ nhiên ban đầu có rất nhiều người phản đối lệnh này, cho rằng đây là một điều cực đoan và vô lý của chính phủ. Thế nhưng, khi một số lượng người nhất định đã thực hiện và cảm thấy đó là chuyện bình thường thì giờ đây, di sản mà cố thủ tướng để lại chính là một đảo quốc xanh, sạch, đẹp. Ngày nay, có lẽ người dân Singapore tất cả đều hiển nhiên mặc định rằng không có kẹo cao su, cuộc sống của họ không sao cả.
Gặp gỡ giữa bạn bè, người thân hay các thành viên trong gia đình, thời gian chất lượng là một điều cực kì quan trọng. Thế nhưng, thời gian chất lượng làm sao có được khi các thành viên trong buổi gặp hay trong bữa ăn với nhau, người thì nhìn màn hình điện thoại, người thì nhìn màn hình tivi. Thế nhưng nếu như mọi người đều quy ước với nhau về việc nếu đã là thời gian chất lượng với nhau, thì hãy tắt các thiết bị di động, điện tử thì có lẽ thời gian chất lượng mới thực sự là chất lượng. Một lần nữa, khi có nhiều người chấp nhận chuyện này, nó sẽ là một điều hiển nhiên trong cuộc sống.
Văn hóa đúng giờ cũng là một điều tương tự. Đi muộn vừa là việc thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, đồng thời cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác thông qua việc bắt người khác phải chờ đợi. Có những trường học, một số thầy cô giờ lên giảng đường thì lên trễ, bắt sinh viên ngồi chờ cả 15 – 20 phút, về thì cho về sớm. Nếu giảng đường có 200 sinh viên mà thầy cô đi trễ 20 phút, có nghĩa là người này đang “lấy cắp” của sinh viên 4.000 phút thời gian của người khác. Có những người đi muộn là một thói quen, một điều hiển nhiên. Nhưng điều đáng nói là những người còn lại, khi thấy người khác đi muộn, nếu họ vẫn chấp nhận và không phản ứng lại, chẳng hạn bày tỏ sự khó chịu, thì một lúc nào đó người ta mặc định là điều hiển nhiên. Nếu tất cả mọi người trong tập thể đều rất coi trọng và tuyệt đối chú ý vấn đề giờ giấc thì đến một lúc nào đó, hiển nhiên cả tập thể sẽ luôn duy trì văn hóa đúng giờ.
Một lần nữa, hiệu ứng “chú khỉ thứ 100” đúng với những điều tốt, và cả những điều chưa tốt. Khi sự tử tế, khi những văn hóa cư xử lịch thiệp, những hành động thói quen tốt được nhiều người chấp nhận và ủng hộ thì cuộc sống và môi trường người đó sống sẽ trở nên tốt đẹp. Và ngược lại, khi những vấn nạn, thói hư tật xấu được chấp nhận, thì cuộc sống và môi trường của những người đó sống sẽ ngày càng trở nên tồi tệ. Vậy thì với những văn hóa tốt, hãy là chú khỉ đầu đàn phát động phong trào. Và với những văn hóa xấu, cũng hãy là chú khỉ tiên phong để phản đối. Nếu không được thì hãy là chú khỉ thứ 2, thứ 3, thứ 4,… hoặc thậm chí là chú khỉ thứ 97, 98, 99 để ủng hộ, cổ vũ bảo vệ cái tốt và bài trừ cái xấu. Khi chú khỉ thứ 100 làm theo, thì những chú khỉ còn lại sẽ mặc định, những điều tốt đẹp – là một việc hiển nhiên phải làm!